Lũng Cú hay Long Cổ

(Dân trí)- Vừa rồi tôi có chuyến đi Hà Giang, đứng trước cửa Trạm, tôi cố tìm vị trí chiếc cột cờ năm xưa ghép bằng hai cây luồng trước sân trạm cũ. Hỏi một sỹ quan biên phòng trẻ, anh cười thiện chí: “Em mới về không rõ chuyện trước đây.”

Ờ nhỉ! Đã 15 năm rồi còn gì. Ấy là vào dịp áp Tết Nguyên đán 1996 tôi có chuyến công tác cùng cụ Vương Quỳnh Sơn-cháu ruột vua Mèo Vương Chí Sình- đi nắm tình hình vùng dân tộc Mông (cụ Vương cứ thích gọi là dân tộc Mèo). Ghé vào thăm và trao quà Tết cho anh em biên phòng ở Trạm. Bấy giờ Trạm đơn sơ lắm. Có một nếp nhà 3 gian, mái tranh, tường đất trình theo kiểu nhà người Mông làm nơi tiếp khách. Song song với nó là nhà ngang 5 gian mái lá, tường đất thấp lè tè dùng làm bếp ăn và nơi ở của 7 cán bộ, chiến sỹ do chuẩn uý Lâm làm Trạm trưởng.

Trên đường về tôi hỏi cụ Vương, từ đâu có cái tên Lũng Cú hay thế. Cụ cười buồn mà rằng: ''Hay ho gì. Sai bét''. Tôi chưa hiểu gì thì cụ đã lên tiếng: ''Ngày xưa vùng đất này có tên là Long Cổ. Đâu phải là Lũng Cú như bây giờ. Trước thời vua Quang Trung vùng đất này do thủ lĩnh người Lô Lô nắm giữ, quân của triều đình không quản lý được. Sau khi vua Quang Trung thống nhất đất nước có cho lập một đồn biên phòng cách trạm hiện nay chừng 200m về phía tây dưới chân núi Rồng, đồng thời ban cho đồn một chiếc trống lớn, trên mặt trống có vẽ 2 con rồng chầu mặt trời- gọi là long cổ- tức trống có rồng. Mỗi khi có giặc lăm le bờ cõi, đồn biên phòng sẽ thúc trống và đốt lửa làm hiệu, đồng thời cho ngựa trạm chạy về phía sau 13 km là xã Lũng Táo hiện nay (mà cùng thời kỳ với Long Cổ gọi là Long Đao)- nơi hậu cứ của đồn, quân số đông, có đầy đủ vũ khí, hậu cần, khẩn trương lên tiếp viện nếu có việc. Với vinh dự này dân gian lấy luôn tên trống Vua ban làm tên vùng đất của mình. Cũng đã có người viết rằng: Lũng Cú là đọc ''trại'' của từ Long Cổ? Người lại viết Lũng Cú nghĩa của chữ Mông là thung lũng trồng bắp (ngô). Cứ thế mà suy thì (xã) Lũng Táo hẳn là trồng nhiều táo?
 
Tác giả Đinh Đức Cần là người thứ ba mặc áo cổ lông
Tác giả Đinh Đức Cần là người thứ ba mặc áo cổ lông

 
Kỳ tôi cùng cụ Vương đến làm việc với UBND xã Lũng Cú, nhìn mênh mông, thung lũng toàn là cây cải dầu hoa vàng rực, và những vạt đậu Hà Lan xanh thẫm. Xin nhớ cho là, những nơi đất tươi tốt, độ ẩm tốt người Mông dành trồng rau màu. Ngô trồng trên các hõm đá, trên các nương bậc thang lưng chừng núi đá. ''Vậy nguyên cớ gì lại có sự đổi tên?'' Tôi sốt ruột hỏi. Cụ thủng thẳng giải thích: Chả là trước Cách mạng Tháng 8 một cán bộ Việt Minh lên vận động cách mạng không biết cái tên Long Cổ truyền miệng trong dân gian theo tên  xa xưa mà người Mông dựa vào một truyền thuyết tự gọi là Long Cư là núi Rồng đấy (tức là nơi rồng ở). Trong văn bản người Pháp ghi là Long Cu (vì chữ Pháp không có chữ ư). Ông cán bộ thấy cái tên này không được sạch sẽ lắm nên chuyển thành Lũng Cú- với lời giải thích là thung lũng có nhiều cú mèo (không hiểu ông có ý tứ gì hay ngẫu hứng mà đặt thành cái tên kỳ lạ như vậy). Người dân tộc chất phác, hiền lành nghĩ là cán bộ đã nói thế thì theo thôi, không thắc mắc gì, gọi lâu thành quen.

Tranh thủ thời gian, tôi lướt gặp đôi ba cụ nguời Mông cao tuổi gần đấy chỉ với câu hỏi duy nhất rằng: ''Thung lũng quê mình có nhiều cú mèo phải không ạ?''. Các cụ cười bảo: ''Từ thời xưa đến nay tổ tiên chúng tôi chưa hề thấy con cú mèo nào ở đây''. Thế đấy! Một cái tên hào hùng có giá trị lịch sử và ý nghĩa bỗng trở thành một cái tên có nguồn gốc mơ hồ và vô vị? Tại sao ta không tìm hiểu, đính chính trả lại tên cho vùng đất này để thế hệ con cháu đồng bào các dân tộc thiểu số tự hào về dải đất thiêng liêng có truyền thống giữ gìn nơi chóp cùng Tổ quốc?
 
Tác giả Đinh Đức Cần là người thứ ba mặc áo cổ lông

Cụ Vương là một trí thức người dân tộc Mông có tên tuổi- nhiều người biết tới. Cụ từng học trường của Pháp, thông thạo tiếng Pháp, từng học tại trường Sỹ quan lục quân võ bị Trần Quốc Tuấn khoá 1 năm 1946 đóng ở sân bay Tông Sơn Tây; là tiểu đoàn trưởng D350 của Việt Minh ,từng làm giám đốc sở xây dựng Khu tự trị Việt Bắc rồi về làm chuyên viên cao cấp của Uỷ ban Dân tộc Trung ương. Cụ là pho sử sống về lịch sử xa xưa của dân tộc Mông, về các dòng họ Mông, vềâ tên gọi nhiều địa danh cổ xưa của các tỉnh miền núi phía Bắc.

 
 Đinh Đức Cần