Lùm xùm chuyện chữ ký giả trên bức tranh lụa trị giá 3000 USD
(Dân trí) - Liên quan thông tin giới họa sĩ phát hiện bức tranh đem đấu giá hồi tháng 7 là tranh giả, giả mạo chữ ký cố họa sĩ tranh lụa nổi tiếng Vũ Giáng Hương, nhà đấu giá Chọn thừa nhận trách nhiệm và muốn đối chứng vào chiều 5/9.
Đầu tháng 7/2018, nhà sưu tập Phạm Việt Phương (Tây Hồ, Hà Nội) gửi đến nhà đấu giá Chọn một bức tranh lụa chân dung bé gái, kích thước tranh 50x40cm; tác giả Vũ Giáng Hương, sáng tác năm 1995, chữ kí “g Huong 95” góc dưới phải, mức giá đề xuất 3000 USD.
Biên bản giao nhận tác phẩm với các nội dung do nhà sưu tập Phạm Việt Phương cung cấp như trên có đầy đủ chữ kí của nhà sưu tập và nhân viên nhà đấu giá. Sau khâu thẩm định sơ bộ, tác phẩm đã được trưng bày công khai trước công chúng tại nhà đấu giá Chọn (Trần Quốc Toản, Hà Nội) từ ngày 23/7 đến ngày 28/7.
Ngày 29/7, nhà đấu giá Chọn đem bức tranh thuộc sở hữu của nhà sưu tầm Phạm Việt Phương bổ sung vào danh sách tác phẩm đấu giá trong phiên đấu số 15: lot 21 với mức giá khởi điểm 70 triệu đồng (3000 USD). Tuy nhiên, bức tranh không được giao dịch và đã được trả lại cho nhà sưu tầm Phạm Việt Phương sau phiên đấu.
Ngày 3/9, hoạ sĩ Nguyễn Văn Đông đã tăng tải lên trang Facebook cá nhân nội dung khẳng định bức tranh lụa được đấu giá ở lot 21 phiên đấu giá số 15 tại nhà đấu giá Chọn không phải tranh của cố hoạ sĩ Vũ Giáng Hương mà là một bức tranh chép lại từ tác phẩm của anh.
Theo đó, cách đây khoảng 8 tháng, hoạ sĩ Nguyễn Văn Đông nhận lời vẽ một bức chân dung sơn dầu bé gái theo đơn đặt hàng của gia đình chị Phạm Quỳnh (Hà Nội), nhân vật trong tác phẩm là bé Bảo Khánh, con gái nhỏ của chị Phạm Quỳnh.
Vào tháng 4/2018, hoạ sĩ Nguyễn Văn Đông cho phép một bạn sinh viên nữ trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tên là Bùi Thị Hằng chuyển thể bức chân dung bé Bảo Khánh từ sơn dầu sang lụa để làm bài tập chuyên khoa tại trường.
Đến tháng 7/2018, hoạ sĩ Nguyễn Văn Đông phát hiện bức tranh lụa do Bùi Thị Hằng chuyển thể được kí tên “g Hương 95” thuộc sở hữu của nhà sưu tầm Phạm Việt Phương và nằm trong danh sách đấu giá phiên số 15 tại nhà đấu giá “Chọn”.
Trước sự việc này, nhà đấu giá Chọn cho rằng, để xảy ra sự việc tranh cãi này, họ không thể chối bỏ trách nhiệm và mong muốn cùng các bên liên quan xác minh thông tin một cách rõ ràng, trung thực.
Nhà đấu giá Chọn quyết định tổ chức cuộc đối thoại trực tiếp giữa nhà sưu tầm Phạm Việt Phương, gia đình cố hoạ sĩ Vũ Giáng Hương, hoạ sĩ Nguyễn Văn Đông và Bùi Thị Hằng, gia đình bé Bảo Khánh (nguyên mẫu của bức tranh theo thông tin hoạ sĩ Nguyễn Văn Đông cung cấp) vào chiều ngày 5/9.
“Chúng tôi sẽ nhanh chóng liên hệ để thống nhất về thời gian, địa điểm với các bên liên quan và có thông tin rộng rãi tới công chúng. Chúng tôi xin thành thật cáo lỗi tới các hoạ sĩ, nhà sưu tầm, công chúng yêu nghệ thuật về sự cố này và cam kết sẽ tăng cường và củng cố hơn nữa về quy trình, đội ngũ chuyên gia trong công tác thẩm định, chuẩn bị nội dung và giới thiệu tác phẩm đến với các nhà sưu tầm, công chúng yêu nghệ thuật”, đại diện nhà đấu giá “Chọn” cho biết.
Hoạ sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, các manh mối của vụ làm giả chữ kỹ cố họa sỹ Vũ Giáng Hương khá rõ ràng. Bắt đầu từ người vẽ sơn dầu, người chuyển thể sang lụa, người sưu tầm và nhà đấu giá Chọn đều được công khai.
Theo Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, từ trước tới nay, các bức tranh giả bị phát hiện khá nhiều nhưng chưa có một vụ việc nào đi tới đầu tới đũa. Hầu hết các họa sĩ lên tiếng chỉ ra người chép tranh của mình, sau đó hai bên tự thỏa thuận với nhau và cho qua.
Nhưng ở trong trường hợp này, họa sỹ Trần Khánh Chương mong muốn sự việc sẽ được đưa ra trước pháp luật bằng việc chỉ ra tên của người đã làm giả chữ ký cố họa sỹ và một hình thức xử lý phù hợp. Hơn thế, theo ông, vì họa sỹ Vũ Giáng Hương đã mất nên khi nhận được thông tin về vụ tranh giả, tranh thật, Thanh tra Bộ VHTT&DL hoàn toàn có thể vào cuộc để làm rõ trắng đen và chỉ có đơn vị này mới có đủ thẩm quyền để có các hình thức xử lý thích đáng.
Hà Tùng Long