“Lửa gần rơm” là chuyện hoàn toàn có… cơ sở khoa học

(Dân trí) - Không chỉ ở ta, mà cả ở… Tây, cũng tồn tại quan niệm rằng “lửa gần rơm, lâu ngày cũng bén”. Dù phương Tây có thể không có hẳn câu thành ngữ như vậy, nhưng trong văn hóa của họ cũng có những quan niệm tương đồng cho rằng sự quen thuộc đưa tới những xúc cảm.

Thực tế, nghiên cứu đã cho thấy rằng khi chúng ta càng gặp gỡ ai đó nhiều, chúng ta càng dễ nhìn thấy ở họ nét hấp dẫn và ngày càng có nhiều thiện cảm hơn. Bên cạnh một dạng tâm lý rất đặc biệt trong tình yêu mà chúng ta thường gọi là “sét đánh”, “say như điếu đổ”, thì còn có một dạng tình cảm nữa cũng đặc biệt thú vị, đó là dạng “mưa dầm thấm lâu”.

Trong cuộc sống, mỗi chúng ta hẳn đều đã từng nghe kể những câu chuyện rằng thoạt tiên chàng và nàng không hề thích nhau, thậm chí khó chịu với nhau, nhưng thời gian trôi qua, thiện cảm ngày càng nhiều mà… không hiểu tại sao.

Tình yêu sét đánh nổi tiếng nhất trong lịch sử văn chương là của Romeo và Juliet.
Tình yêu sét đánh nổi tiếng nhất trong lịch sử văn chương là của Romeo và Juliet.

Ngoài ra, còn có một dạng tình cảm kiểu “lửa gần rơm”, có thể kể tới như mối tình giữa chàng Darcy và nàng Elizabeth trong “Kiêu hãnh và định kiến” - một tác phẩm văn chương nổi tiếng của nữ nhà văn Anh Jane Austen.
Ngoài ra, còn có một dạng tình cảm kiểu “lửa gần rơm”, có thể kể tới như mối tình giữa chàng Darcy và nàng Elizabeth trong “Kiêu hãnh và định kiến” - một tác phẩm văn chương nổi tiếng của nữ nhà văn Anh Jane Austen.

Mới đây, các nhà nghiên cứu ở trường Đại học Hamilton, New York, Mỹ, đã thực hiện một nghiên cứu xoay quanh vấn đề tâm lý xã hội này. Họ tập hợp một loạt những bức ảnh chân dung và đưa cho một nhóm người tham gia thử nghiệm, yêu cầu những người này chấm điểm ngoại hình cho từng bức ảnh trên thang điểm từ 1-9.

Trong thử nghiệm của nhóm nghiên cứu đến từ trường Đại học Hamilton, họ đưa ra tổng cộng 112 bức ảnh chân dung, một nửa số nhân vật xuất hiện trong ảnh có thể nói là khá hấp dẫn về mặt ngoại hình.

Bộ ảnh này được đưa cho 22 người đàn ông và phụ nữ trẻ chấm điểm độc lập. Cũng chính những bức ảnh này, sau đó, lại được đưa trở lại chấm điểm vòng 2 nhưng theo một trật tự đổi khác.

Điều thú vị là ở vòng chấm điểm thứ hai, những gương mặt hấp dẫn lại càng trở nên hấp dẫn hơn và số điểm được chấm cao hơn so với vòng 1. Đồng thời các máy móc theo dõi sóng não cũng cho thấy ở lần chấm điểm thứ hai, sóng não cho thấy sự phấn khích gia tăng khi người tham gia thử nghiệm chấm điểm lại cho những bức ảnh chân dung hấp dẫn.

Nhóm nghiên cứu cho rằng tâm lý con người nói chung thường bị hấp dẫn sau nhiều lần gặp gỡ, quan sát, ngay cả khi không có những thiện cảm ban đầu, thì về sau vẫn có thể nảy sinh cảm xúc mới.
Nhóm nghiên cứu cho rằng tâm lý con người nói chung thường bị hấp dẫn sau nhiều lần gặp gỡ, quan sát, ngay cả khi không có những thiện cảm ban đầu, thì về sau vẫn có thể nảy sinh cảm xúc mới.

Nhà nghiên cứu tâm lý học - Giáo sư Ravi Thiruchselvam - người đứng đầu nghiên cứu cho rằng: “Có thể nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết rằng con người nhìn chung thường bị hấp dẫn sau nhiều lần gặp gỡ, thậm chí ngay cả khi ban đầu không hề có thiện cảm”.

“Mũi tên của thần Tình yêu nhiều khi bắn cũng khá chậm. Một nét quan trọng của hiện tượng tâm lý này đến từ việc não bộ con người sẽ dần dần có những nhận định thay đổi sau nhiều lần tương tác với cùng một đối tượng”.

Bích Ngọc
Theo Daily Mail