Long trọng lễ tưởng niệm 250 năm ngày mất danh nhân Nguyễn Quý Kính

(Dân trí) - Hôm nay (ngày 18/6), Viện Sử học Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Ban Liên lạc dòng họ Nguyễn Quý đã trang trọng tổ chức Lễ Tưởng niệm 250 năm ngày mất và Trao Tượng đồng danh nhân Nguyễn Quý Kính.

Long trọng lễ tưởng niệm 250 năm ngày mất danh nhân Nguyễn Quý Kính - 1

Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã trang trọng gửi hoa tưởng niệm 250 năm ngày mất danh nhân Nguyễn Quý Kính. Tham dự buổi lễ có ông Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, PGS.TS Trần Đức Cường - Phó Chủ tịch Hội Hoa khọc Lịch sử Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ - Phó Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam, ông Nguyễn Quý Hồng - Trưởng Đại diện dòng họ Nguyễn Quý, ông Đào Đức Toàn - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Nguyễn Tài Dũng - Bí thư Đảng ủy phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm và đông đảo con cháu hậu duệ của các bậc tiền nhân dòng họ Nguyễn Quý.

Lễ Trao Tượng đồng danh nhân Nguyễn Quý Kính diễn ra tại Nhà Bái đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Phát biểu và dẫn dắt Lễ Trao Tượng đồng danh nhân Nguyễn Quý Kính, ông Dương Trung Quốc khẳng định: “Cách đây đúng 15 năm cũng tại nơi đây, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã trao tặng bức tượng cụ Thám hoa Nguyễn Quý Đức cho dòng họ Nguyễn Quý. Tất cả những điều đó liên tưởng đến đạo nghĩa của dân tộc “uống nước nhớ nguồn, “ôn cố tri tân” để tạo dựng cho đời sống hiện tại.

Ông Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội khoa học Lịch sử Việt Nam phát biểu tại buổi lễ.
Ông Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội khoa học Lịch sử Việt Nam phát biểu tại buổi lễ.

Với ý nghĩa ấy, buổi lễ tưởng niệm và trao tượng ngày hôm nay bày tỏ sự tri ân với các bậc tiền nhân và cũng để nhắc nhở con cháu hậu duệ, những thế hệ nối tiếp sự nghiệp đời xưa tiếp tục gây dựng truyền thống trong cuộc sống ngày hôm nay”.

Ông Nguyễn Quý Hồng - Trưởng Đại diện dòng họ Nguyễn Quý đã trân trọng cảm ơn các lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng quan khách đã gửi hoa và tham dự Lễ Tưởng niệm 250 năm ngày mất và Trao Tượng đồng danh nhân Nguyễn Quý Kính.

Ông Nguyễn Quý Hồng - Trưởng Đại diện dòng họ Nguyễn Quý phát biểu.
Ông Nguyễn Quý Hồng - Trưởng Đại diện dòng họ Nguyễn Quý phát biểu.

Tiếp ngay sau Lễ Trao Tượng đồng là Lễ rước Tượng và an vị Tượng tại Từ đường dòng họ Nguyễn Quý ở Đại Mỗ (Từ Liêm, Hà Nội).

Dòng họ Nguyễn Quý là một trong những dòng họ có nhiều đời nối nhau làm quan và đóng góp rất lớn đối với sự phát triển của đất nước trên nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục,… Tiêu biểu là gia đình Nguyễn Quý Đức, ba đời kế tiếp nhau đỗ đạt cao và đều trở thành trụ cột của triều đình, là những danh nhân, danh thần. Cả ba cha con ông cháu đều được truy phong Đại vương và Phúc thần.

Cha là Nguyễn Quý Đức (1648-1720) đỗ Thám hoa khoa thi năm Bính Thìn niên hiệu Vĩnh Trị thứ nhất (1676).

Con là Nguyễn Quý Ân (1673-1722) đỗ Hoàng giáp khoa thi năm Ất Mùi niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715).

Cháu là Nguyễn Quý Kính (1693-1766) đỗ Hương cống làm đến Tham tụng, Thượng thư bộ Lễ.

Cụ Nguyễn Quý Kính tự là Thức Khâm, thụy là Trung Liệt. Năm 22 tuổi (1714) cụ thi đỗ Hương cống được tuyển vào Thị nội văn chức rồi thăng Lễ bộ lang trung thời vua Lê Dụ Tông.

Năm 1732 thời vua Lê Thuần Tông, cụ được thăng chức Thái bộc tự khanh, Thanh Hoa sứ, năm sau làm Thị giảng rèn dạy em chúa Trịnh Giang là Trịnh Doanh. Năm 1734 thụ chức Thái thường tự khanh, Thiêm sau, Thị nội Thư tả Hộ phiên. Năm 1738 thời vua Lê Ý Tông cụ lĩnh chức Bồi tụng, Công bộ hữu thị lang, năm sau thăng Lại bộ Hữu thị lang.

Minh Đô vương Trịnh Doanh lên ngôi chúa thay Trịnh Giang, phần lớn là nhờ sự quyết đoán và mưu trí của cụ Nguyễn Quý Kính.

Năm 1740, cụ bàn với Trịnh Doanh khuyên Lê Ý Tông thoái vị làm Thái Thượng hoàng lui về ở điện Kiền Thọ, truyền ngôi lại cho Hoàng điệt là Duy Diêu (Tức Lê Hiển Tông). Trịnh Doanh làm theo lời cụ, Duy Diêu lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Cảnh hưng. Lòng dân trong nước được yên vui.

Trịnh Doanh lên ngôi Chúa đã phải đem quân đi đánh dẹp các cuộc nổi loạn. Cụ Nguyễn Quý Kính ở nhà lưu thủ kinh thành, đốc xuất đinh phu, phụ nữ dong cờ, đánh trống làm kế nghi binh. Quân Ninh Xá nghĩ trong kinh thành phòng thủ chắc chắn nên tức tốc rút binh.

Năm Cảnh hưng thứ 18 (1757) cụ 75 tuổi. Sau nhiều lần dâng khải xin về trí sĩ, cụ mới được vua chúa chấp thuận và xếp vào hàng Quốc lão tham dự triều chính, được cấp kiệu Hậu bình, xe, ngựa và một đội cơ binh 500 người đưa về tận làng. Năm 1758, vua chúa lại tuyên triệu khởi phục, xếp cụ vào bậc ngũ lão, ở luôn Tư Đệ tại kinh đô. Năm 1761, cụ xây miếu Thái Sơn Bắc Đẩu bên bờ Tùng Khê nay thuộc thôn Phú Thứ, xã Tây Mỗ để nghỉ ngơi. Từ năm 1762, vua chúa thường cùng cụ về quê và ngự bút ban cho cụ 4 chữ đại tự “Kiều mộc đại xa”.

Cụ mất vào năm Bính Tuất (1766), hưởng thọ 74 tuổi. Được tin, vua chúa về dự tang, khóc rằng: “Thầy ôi! Công thầy mở nước cho tôi” và lạy trước linh tọa. Triều đình còn cấp hai mươi nghìn quan tiền để quan Lễ phiên ở lại trông nom việc tế lễ cho trọn 3 năm, đồng thời sắc cho cả xã trong tổng thờ cụ làm thành hoàng làng.

Một số hình ảnh tại Lễ Tưởng niệm và Trao Tượng đồng danh nhân Nguyễn Quý Kính

Long trọng lễ tưởng niệm 250 năm ngày mất danh nhân Nguyễn Quý Kính - 4

Nghi lễ mở khăn đỏ và Trao Tượng đồng danh nhân Nguyễn Quý Kính.
Nghi lễ mở khăn đỏ và Trao Tượng đồng danh nhân Nguyễn Quý Kính.

Long trọng lễ tưởng niệm 250 năm ngày mất danh nhân Nguyễn Quý Kính - 6

Đông đảo con cháu dòng họ Nguyễn Quý về dự Lễ.
Đông đảo con cháu dòng họ Nguyễn Quý về dự Lễ.

Tiếp ngay sau Lễ Trao Tượng đồng là Lễ rước Tượng và an vị Tượng tại Từ đường dòng họ Nguyễn Quý ở Đại Mỗ (Từ Liêm, Hà Nội).
Tiếp ngay sau Lễ Trao Tượng đồng là Lễ rước Tượng và an vị Tượng tại Từ đường dòng họ Nguyễn Quý ở Đại Mỗ (Từ Liêm, Hà Nội).

Phương Nhung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm