Long Nhật: "Nhiều ca sĩ bolero có cát-xê rất cao"

Bích Phương

(Dân trí) - Trong một talkshow, đạo diễn Lê Hoàng lo lắng về tương lai của âm nhạc truyền thống dân tộc. Tuy nhiên, ca sĩ Long Nhật lạc quan, khẳng định ngày nay nghệ sĩ hát nhạc dân gian vẫn "sống tốt".

Trong chương trình Kính đa chiều mới đây, đạo diễn Lê Hoàng và ca sĩ Long Nhật thảo luận về chủ đề: Vì sao hiện nay ít chương trình về âm nhạc dân gian? Phải chăng đối tượng khán giả thể loại này ngày một vơi dần?

Long Nhật: Nhiều ca sĩ bolero có cát-xê rất cao - 1

Lê Hoàng dẫn chương trình "Kính đa chiều" (Ảnh: Ban Tổ chức).

Ca sĩ Long Nhật cho rằng anh có góc nhìn lạc quan về tương lai của dòng nhạc dân gian. Theo ca sĩ, vài năm trước, người nghe nhạc quê hương, nhạc bolero khá ít ỏi, nhưng ngày nay khán giả ngày càng đông.

Long Nhật tiết lộ anh biết nhiều đồng nghiệp trẻ tuổi đi show dày đặc. Nhiều thí sinh trẻ tham gia chương trình Sao Mai của VTV chọn dòng nhạc dân gian để dự thi. Cát-xê của ca sĩ hát dòng nhạc quê hương, bolero, nhạc trữ tình, dân gian hiện cũng rất cao.

Đạo diễn Lê Hoàng đưa ra quan điểm: "Chúng ta sẽ không bao giờ đi xa được nếu không hiểu rõ nền âm nhạc Việt Nam. Để hiểu rõ nền âm nhạc Việt Nam thì đầu tiên chúng ta phải có cơ sở lý luận.

Thứ hai, chúng ta phải bảo tồn cơ sở lý luận đó và thứ ba chúng ta phải xây dựng, đưa các chương trình, giáo trình nhạc dân gian vào trong các cuộc thi, cuộc biểu diễn và cả học viện âm nhạc".

Lê Hoàng lấy ví dụ ngành thanh nhạc phải có khoa về âm nhạc dân gian riêng, vì âm nhạc hiện nay hầu như chỉ đề cập đến nhạc hiện đại, nhạc trẻ. Đối với dòng nhạc dân gian, ngoài những nghệ sĩ gạo cội như Anh Thơ, Trọng Tấn, NSƯT Vân Khánh... số lượng ca sĩ theo đuổi thể loại nhạc này khá ít. Lê Hoàng cho rằng đây là vấn đề đáng suy nghĩ, trăn trở.

Long Nhật: Nhiều ca sĩ bolero có cát-xê rất cao - 2

Ca sĩ Long Nhật lạc quan về sự phát triển của âm nhạc dân gian (Ảnh: Ban Tổ chức).

Trái ngược với sự bi quan của đạo diễn Lê Hoàng, ca sĩ Long Nhật cho rằng nhiều người vẫn còn giữ nét văn hóa, hơi thở của dòng nhạc này. Những vùng đất miền Trung như Huế, Đà Nẵng cho đến Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định... vẫn còn nhiều sân khấu tuồng sáng đèn. 

Long Nhật cũng đưa ra quan điểm để bảo tồn, phát triển thể loại nhạc dân gian thì cần phải tạo sự hấp dẫn, sáng tạo thì mới chinh phục được trái tim của khán giả Việt.

Cuối chương trình, đạo diễn Lê Hoàng bày tỏ mong muốn âm nhạc dân gian có thêm nhiều "đất diễn" ở các chương trình, cuộc thi. Theo nam đạo diễn, bất cứ dân tộc nào muốn trường tồn thì văn hóa phải trường tồn đầu tiên.

Kính đa chiều là talkshow bàn luận, đối thoại về một chủ đề hoặc một sự kiện đang được quan tâm, xoay quanh những câu chuyện về văn hóa. Các khách mời đến với chương trình đều là những nghệ sĩ nổi tiếng, được khán giả mến mộ. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm