Lolita - Top 10 cuốn sách gây tranh cãi nhất
(Dân trí) - Dịch giả Dương Tường, người đảm trách việc chuyển ngữ cuốn sách nằm trong top 10 tác phẩm gây nhiều tranh cãi nhất trên thế giới <i>Lolita</i> của tác gia người Nga nổi tiếng Vladimir Nabokov đã được xuất bản tại Việt Nam.
Dịch giả Dương Tường, người đảm trách việc chuyển ngữ cuốn sách Lolita của tác gia người Nga nổi tiếng Vladimir Nabokov xuất hiện tại buổi họp báo ra mắt bản dịch tiếng Việt của cuốn sách với một nụ cười hiền hậu cùng vợ và các con ông.
Như chúng ta đã biết, tiểu thuyết gia Vladimir Nabokov và viên ngọc trong sự nghiệp của ông - Lolita luôn là một đề tài mà giới văn chương cũng như những người yêu văn học nói chung mong ngóng được tiếp xúc một cách trực diện. Buổi họp báo ngày 15/3 vừa qua đã dành được sự quan tâm đặc biệt từ rất nhiều cơ quan báo chí và những người làm công tác dịch thuật cũng như những độc giả quan tâm đến nhà văn cũng như tác phẩm này.
Vào những năm 1955 khi Lolita được Vladimir Nabokov "thai nghén" và công bố thực sự là một kỳ tích. Dù cho ông đang sống ở nước Mỹ, nơi mà chúng ta luôn mặc định trong đầu là nơi tự do và hiện đại nhất thế giới, cũng từ chối việc xuất bản cuốn sách bởi nội dung của nó bị cho là “thô tục, bẩn thỉu, loạn luân”.
Câu chuyện kể về một ông già luôn bị ám ảnh bởi những “tiểu nữ thần”, si mê cô gái nhỏ Lolita 12 tuổi - một cô gái có quan hệ với ông chỉ vì muốn được làm người lớn, được sống trong dục tình. Rõ ràng rằng dù ở xã hội nào và thời cuộc nào đi chăng nữa thì mối quan hệ này cũng khó có thể chấp nhận được. Vậy nên chỉ đến khi Nabokov gặp được một chủ nhà xuất bản luôn thích những thứ giật gân hay nói một cách chính xác hơn là “ba phần tư ấn phẩm là sách khiêu dâm rẻ tiền” thì cuốn sách mới được xuất bản.
Ngay cả khi Lolita đã được Olympia Press xuất bản thì cũng chính thức bị Hải quân Anh cấm nhập cảng từ Pháp. Về phía Pháp, bộ Nội Vụ nước này cũng ban lệnh cấm lưu hành cuốn sách. Chính vì điều này, trong quá trình chuyển ngữ, dịch giả Dương Tường thừa nhận ông cũng không dám chắc rằng cuốn sách sẽ được xuất bản tại Việt Nam hay không.
“Tôi đi vào việc dịch Lolita này như một cuộc phiêu lưu, nhưng yêu Nabokov, yêu Lolita tôi cứ làm cái việc mà tôi yêu. Và dù có thế nào cuối cùng tôi cũng có một thỏa mãn tinh thần. Việc Nhã Nam xin được giấy phép xuất bản Lolita cho thấy một dấu hiệu về sự cởi mở của các nhà quản lý. Ít ra thì các nhà quản lý của chúng ta cũng đã thoáng hơn nước Mỹ năm 1955”, dịch giả Dương Tường nói. Và một điều đáng mừng là Lolita được Việt ngữ mà không bị cắt bỏ bất kỳ một từ nào.
Chỉ với hơn 300 trang nguyên bản không có lấy dù chỉ một chú thích nhỏ, dịch giả Dương Tường đã bỏ ra 2 năm tâm sức để làm sao “đừng để sót kiệt tác này để không tới được với các bạn đọc”. Ông đã dày công khảo cứu và tìm tất cả nguồn tài liệu có thể để soạn 468 chú thích trong suốt tác phẩm. Với sự dụng công này, những độc giả sẽ được cung cấp những thông tin và kiến thức để có thể hiểu đúng và sâu nhất có thể đối với tác phẩm, càng hiểu hơn nữa về bậc thầy chơi chữ Nabokov.
Dịch giả Dương Tường thành thật chia sẻ, số tiền nhuận bút mà mình thu được khi nhận dịch một tác phẩm khó nhằn như Lolita là 23 triệu đồng, trong đó trong suốt 2 năm ông đã 2 lần tạm ứng, mỗi lần 5 triệu đồng, và đến khi xuất bản sách, ông nhận nốt số tiền còn lại. Ông cũng khẳng định, nếu như nghĩ đến việc dịch cuốn sách này được bao nhiêu tiền thì ông sẽ không thể dịch trọn vẹn.
Dịch giả Dương Tường cho biết: “Không thể chọn ra đoạn chuyển ngữ mà tôi tâm đắc nhất, tôi chỉ biết rằng tôi hài lòng khi truyền đạt được những phần tinh túy của tác phẩm. Tôi mong Lolita đến được với đông đảo bạn đọc”.
Bình Yên