Lối về của Duy Thảo
(Dân trí) - Lối về, kể chuyện xưa, nhưng chính là dành cho con cháu. Đối với người cao tuổi, ký ức là tài sản vô giá mà họ muốn chuyển tải lại cho các thế hệ tương lai. Bởi đó là bài học làm người.
Tuổi cao, bạn cứ ít dần
Thì ta tìm đến mùa Xuân chuyện trò
Ngày Xuân gặp lại tuổi thơ……
...Bao nhiêu ký ức tìm về
Khi qua vườn cũ làng quê, không nhà
( Tâm sự mùa xuân )
Cái làng quê- làng Tùng Ảnh- Châu Phong huyện Đức Thọ của Duy Thảo, cách đây tròn 70 năm , tôi đã từng sống. Đó là những ngày còn kháng chiến chống Pháp, khi Mặt trận Bình- Trị - Thiên bị vỡ, quân đội Pháp tràn ra đến Quảng Bình. Tỉnh ủy Quảng Trị phải nhờ vùng tự do Hà Tĩnh làm hậu cứ , từ đây tiếp tế vũ khí, lương thực cho đội quân chiến đấu ở quê nhà. Lo cho sự an toàn và tương lai của con trẻ, Tỉnh ủy tổ chức đưa một số con em cán bộ và bộ đội ra, lập Trại Thiếu sinh Quảng Trị, để có nơi ăn học. Tháng 5-1949, do cha tôi nằm trong Ban Kinh tài của tỉnh, nên tôi có mặt trong lớp Trại sinh đầu tiên. Đang từ vùng giặc chiếm, ngày chạy trốn các trận càn, đêm chui lủi hầm sâu tránh pháo, mới mấy năm, mẹ tôi, rồi một người chú bị giặc Pháp bắn chết, gia đình lớn đột nhiên tan tác, nay được ra tới Châu Phong, một vùng quê yên bình, phong cảnh tươi đẹp, con đê, dòng sông La trong xanh, trên bến dưới thuyền sinh hoạt rộn ràng. Có trường Chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng tập họp nam thanh nữ tú khắp miền Trung tụ về. Những ấn tượng đó in đậm trong bộ nhớ mới bắt đầu khởi động của đứa trẻ lên mười. Cũng có thể, bởi đó là những ngày hạnh phúc ngắn ngủi cuối cùng của đời tôi.
Cuối 1950, sau khi bị gãy chân trên đường đi công tác, phải bó bột hàng nửa năm, vừa lành, cha tôi lại áp tải thuyền chở vũ khí vào Mặt trận. 25 năm sau, trong những ngày tháng 3-1975, Huế được giải phóng, tôi tìm về nơi ông hy sinh, thì chỉ còn là một nấm mộ thấp lè tè giữa một vùng cát trắng ven biển Phú Vang.Tôi bắt đầu những năm học đầu tiên trên đất Đức Thọ . Ăn cơm, uống nước, sống với người dân, nên luôn cảm thấy trong mình nhiều tố chất Hà Tĩnh, đến cả giọng nói cũng ra ngài Hà Tịnh.
Không chỉ riêng tôi, mấy trăm Trại sinh dạo ấy, sau này hầu hết đều nên ông nọ bà kia, gặp nhau ở đâu cũng nhắc đến ân tình nuôi dưỡng của người dân và mảnh đất Hà Tĩnh những ngày khốn khó. Những làng xóm xưa từng ở. Những địa danh như chợ thì : Tổng, Nhe,Đầy, Nướt,, Choi, Trổ, Cầu, Thựơng, Hạ. Cầu thì: Họ, Phủ, Cày, Voi... Chùa Am, chùa Nhắt... quá thân thuộc, gắn bó với chúng tôi.
Phải thế chăng, mà khi lần đầu gặp nhau, cách đây hơn chục năm, lúc đó nhà thơ Duy Thảo đã 70, chúng tôi vẫn nhận ra như đã quen thân từ độ xưa nào.
Thật ra, cũng còn một nguyên do, giữa những năm 60 của thế kỷ trước, chúng tôi đều đang ở trong quân ngũ. Duy Thảo đi bộ đội từ năm 1962, ở đơn vị Pháo phòng không trong binh chủng Phòng không- Không quân; tôi đến tháng 2-1965 mới nhập ngũ, ở đơn vị Pháo binh mặt đất, trong Sư đoàn Quân Tiên phong. Nhưng khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc đầu 1965, thì cả hai đơn vị còn luyện tập ở vùng Vĩnh Phúc. Ngay trong trận đầu , 26-3-1965, quân dân Hà Tĩnh đã bắn rơi 12 máy bay Mỹ. Chiến thắng vang dội của quê nhà, đã biến anh pháo thủ pháo Cao xạ gốc quê văn chương Phan Duy Thảo dâng trào cảm xúc, viết nên một thiên hùng văn: Mừng chiến thắng trời quê. Báo đăng trang đầu. Đài đọc ra rả. Các nghệ sĩ nổi tiếng diễn ngâm. Trong một phiên họp Bộ Chính trị, nghệ sĩ Hồng Năm còn được mời biểu diễn. Bác Hồ nghe và đích thân khen ngợi. Tên Duy Thảo được chú ý từ đó.
Thơ ông có trên nhiều báo, đặc biệt báo Quân đội nhân dân, và dưới bài thơ thường ghi tên mật của đơn vị Phòng không : Thơ chiến sĩ, như một niềm tự hào. Sau này chuyển về báo của binh chủng, rồi về làm báo ở tỉnh nhà, thơ ông luôn có mặt . Thuở tôi còn ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhiều lần đi công tác đơn vị, có cán bộ chiến sĩ còn hỏi tôi có phải là nhà thơ Duy Thảo không. Chỉ nhờ trùng tên, mà tôi được thơm lây.Thế mới biết, thơ của ông được nhiều người biết đến.
Ông đã có 13 tập thơ, in dấu những chặng đời của một Nhà thơ- Chiến sĩ. Và tập thơ mới này, Lối về:
Xuân này mình tuổi 83
Vợ, Cô gái Bắc, thành Bà 72
Chùm thơ ký ức cuộc đời
Xin dâng viếng mẹ, dành lời tặng em
Như lời tâm sự của ông , tập thơ nghiêng hẳn về chuyện nhà, dâng tặng người mẹ tần tảo nuôi con và người vợ xứ Bắc chung thủy ,về quê chồng nuôi bốn người con khôn lớn.Giản dị. Mộc mạc. Chân Tình. Như chính tính cách của Duy Thảo.
Mẹ nuôi chị em ông khi cha cả đời lưu lạc. Ở một vùng quê nghèo, côi cút. Dù họ Phan - cùng quê với Đình nguyên, nhà thơ, nhà khoa bảng, nhà lãnh tụ Cần vương Phan Đình Phùng- nhưng xem ra thân cô thế cô. Đến ngày đi bộ đội, vẫn : Xin tạ lỗi, ngày con ra chiến trận/ Cứ ngỡ mình chịu ác liệt, gian nan/ Nào đâu biết mẹ sống bên mâm pháo/Ngày tải thường, đêm chung sức cứu hàng/Nhà bom dội hai lần, lều dựng tạm/Thư cho con,mẹ vẫn kể chuyện bình yên/ Chị con chết, mẹ giấu, chưa báo vội/Chỉ mong con chân cứng đá mềm. Ám ảnh trong tuổi trưởng thành vẫn là : Tìm về năm giáp hạt/ Đồng làng trụi lá khoai. ..Cũng không thể quên là khung cảnh này : Còn đêm nay nữa, xin ngồi thâu canh/Gió lay bóng nến qua màn/Tưởng là mẹ thở nhẹ nhàng trong chăn/. Tình sâu, nghĩa nặng hiển hiện thành lời.
Làm thơ tặng vợ, ông không phải là người đầu tiên, Nhưng mối tình anh lính miền Trung với cô gái vùng Trung du phía Bắc kém mình hơn chục tuổi thì thật đáng kể lại. Ngày thay mặt đơn vị, đi bàn việc hợp đồng chiến đấu với dân quân địa phương, gặp nữ dân quân mới 16, tình trong như đã, mà phải Giấu: Như chân em đi/ Giấu điều bối rối/Cho điều anh nói/ Giấu trong ỡm ờ/Bắt đôi con mắt/ Giấu vào …tỉnh bơ. Đến ngày thành ông thành bà, tìm cớ để tặng hoa cho vợ, ông nhớ lại rạch ròi : Năm em 16 tuổi/ Anh đóng quân gần nhà/ Gặp em lòng cảm mến/Nhà nghèo mà nết na/Đời chinh chiến gần xa/Đường hành quân rong ruổi/Thư anh vẫn gửi về/ Biết còn ai mong đợi/Năm em 18 tuổi/Ta thành vợ thành chồng...Đúng là ký ức về tình yêu làm cho hồn thơ, hơi thơ tươi trẻ lại như thuở xưa nào.
Lối về, kể chuyện xưa, nhưng chính là dành cho con cháu. Đối với người cao tuổi, ký ức là tài sản vô giá mà họ muốn chuyển tải lại cho các thế hệ tương lai. Bởi đó là bài học làm người . Nghe có vẻ thủ cựu, nhưng chân lý giản dị đó không phải người nào cũng thấy : Hương trầm thơm mãi đời ta/ Thuần phong mỹ tục, ông cha lưu truyền. Cho nên bước vào tuổi thượng thọ , nhà thơ : Tôi tìm về cội nguồn tôi/Nghề thơ nghiệp báo, một đời đa mang/Giữ cho tay khỏi nhúng chàm/ Mặc ai danh lợi, hư hàm mặc ai. Có mấy người con theo nghiệp bố, biết là đã ngoài vòng tay với, nhưng đêm đêm , nghe tiếng con cuốc kêu, ông vẫn muốn dặn con: Rất có thể những câu thơ bố viết/Gửi các con vẫn cách nói vụng về/Thì xin được đêm trường là tiếng cuốc/Và ngày dài là ra rả tiếng ve.
Sống qua hai thế kỷ,trãi mấy cuộc chiến tranh,chứng kiến gia đình mình và bao gia đình tan tác, không lành lặn, đến lượt lớn lên, làm người lính, rồi làm bố, làm ông, giữ cho được một vùng an nhiên cho con cháu, ông vẫn có nỗi bất an, đau đáu nhân tình thế thái . Người lính trẻ trong chiến tranh, người lính già trên trường văn trận bút Phan Duy Thảo qua trải nghiệm của đời mình trong Lối về , nhân năm mở đầu một thập niên mới, gửi tới bạn đọc một món quà tâm tình thật trân quý đằng sau những câu chữ chân thành, bình dị.
Phương Nam đêm cuối của thập niên thứ 2 thế kỷ 21
Nhà văn NGÔ THẢO