Lối đi nào cho chèo để không còn bị “ghẻ lạnh”
(Dân trí)- Thực tế khán giả ngày nay không còn mặn mà và háo hức đi xem chèo. Làm cách nào để chèo không còn bị “ghẻ lạnh” là điều mong mỏi của những người hoạt động nghệ thuật được bàn trong buổi tọa đàm: “Chèo và khán giả hôm nay qua vở diễn “Vương nữ Mê Linh”.
Thời gian qua, sự xuất hiện của vở chèo “tiền tỉ” “Vương nữ Mê Linh” của nhà hát chèo Hà Nội được ví như một “làn gió mới” trong “không gian” chèo vốn ảm đạm. Vở chèo có sự cách tân, pha trộn giữa những làn điệu cải lương và tuồng, đồng thời sự đầu tư kĩ lưỡng về trang phục, sân khấu tạo dấu ấn hoành tráng đối với một đề tài lịch sử. Tuy nhiên việc “so bó đũa, chọn cột cờ” này mới chỉ bắt đầu le lói hi vọng sẽ kéo khán giả đặc biệt là khán giả trẻ quay trở lại với sân khấu chèo.
NSƯT Thúy Mùi – Giám đốc nhà hát chèo Hà Nội cũng phải thừa nhận: “Khán giả đang ghẻ lạnh với chèo, đặc biệt là khán giả trẻ tuổi. Biểu hiện cụ thể đó là đối tượng xem chèo không còn những người ở độ tuổi 40, 50 nữa mà là 60, 70 tuổi. Nhiều người yêu chèo nhưng đều đã thừa nhận rất lâu rồi mới lại đi xem chèo và sân khấu chèo nhìn chung là vắng khách cho dù nhà hát chèo Hà Nội có rất nhiều những vở diễn phù hợp với mọi lứa tuổi và mọi đối tượng khán giả từ thành thị đến vùng sâu, vùng xa”.
Chèo phải mang hơi thở hiện đại
Trước câu hỏi: “Làm thế nào để khán giả quay trở lại với chèo?”, NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch hội sân khấu nghệ sĩ Việt Nam, nhấn mạnh “Tính hiện đại trong chèo” vì theo ông đây là điều hấp dẫn khán giả. Dù là đề tài lịch sử hay chèo cổ thì quan trọng vẫn là người xem sẽ nhận ra tính chất thời sự nào được gửi gắm trong đó. Để làm được điều này, nghệ thuật trong chèo cần đáp ứng hai yếu tố đó là “kịch tính” và “trữ tình” với những “thắt”, “mở” nút để tạo sự hồi hộp cho người xem.
Ông cũng thẳng thắn góp ý với vở “Vương nữ Mê Linh” phải cần đầu tư nhiều hơn nữa ngôn ngữ truyền thống và thể hiện “chất chèo” nhiều hơn nữa thông qua việc sử dụng các đạo cụ khác nhau thay bằng việc chỉ dùng “quạt” trong các điệu múa như hiện tại vở chèo đang có.
Phải giữ được không khí đậm chất chèo
Vở chèo “Vương nữ Mê Linh” được đánh giá là “chững chạc” – theo nhận định của GS.TS – NSND Đình Quang, tuy nhiên còn “thiếu chất chèo”. Vở diễn được đầu tư tạo sự hoành tráng phù hợp với đề tài lịch sử hai bà Trưng giết giặc nhưng có phần “dư thừa”. Mạnh dạn đưa ra ý kiến “Cần đưa vào phần mở đầu của vở diễn nhiều chất chèo hơn để cho khán giả được “hòa mình” vào trong không khí thực sự chèo.
Đây cũng là ý kiến đóng góp của GS. Hoàng Chương khi ông cho biết: “Giữa sự giao thoa, kết hợp với các loại hình sân khấu khác đã là vở chèo thì lúc nào cũng phải nghĩ cái chất của mình phải là chèo nên cần nhấn mạnh nó. Một vở chèo thì mở đầu phải là tiếng trống chèo để gợi không khí và để khẳng định cho người xem biết được đang xem một vở chèo thực sự”.
GS cũng đề nghị nhà hát chèo Hà Nội cần có “âm nhạc” chèo ngay khi khán giả bước chân vào rạp hay mỗi lần đi ngang qua con phố của rạp Đại Nam. Thực tế, đi xem chèo bây giờ trước và sau giờ diễn không thấy xuất hiện những làn điệu chèo mà thay vào đó là những bản nhạc hiện đại hoặc sự “im hơi lặng tiếng” rất đáng tiếc. Việc kéo và giữ được khán giả cho sân khấu chèo phải được chuẩn bị kĩ lưỡng và cẩn thận ngay từ khi họ bước chân vào rạp chứ không phải chỉ khi vào xem.
Khai thác tâm lí nhân vật giữa cái “chung” và cái “riêng”
Tâm lí của khán giả đi xem chèo hay bất cứ một loại hình sân khấu nào đó là tìm được “cái riêng” trong “cái chung” tổng thể của chèo. Hai bà Trưng với tấm lòng yêu nước, căm thù giặc, tuy nhiên Trưng Trắc còn có nỗi đau riêng bởi chồng là Thi Sách bị giết chết. Đây là “đòn bẩy” để đạo diễn cần đi sâu vào khai thác tâm lí của Trưng Trắc để tạo “độ nhấn” cho vở chèo. GS. Đình Quang nhấn mạnh: “Trong cái hoành tráng chung của vở diễn, người xem vẫn thấy rưng rưng nỗi đau riêng của vị nữ tướng, điều này ở Vương nữ Mê Linh làm chưa đọng”.
Cần thiết phải làm bảng điều tra xã hội học để thu thập ý kiến đóng góp
Đánh giá vở “Vương nữ Mê Linh” NSƯT Lê Chức – Nguyên giám đốc nhà hát cải lưng TW cho biết “Đây là một vở chèo mang tính chất thử nghiệm” sẽ có những lời khen, lời chê, tuy nhiên “Phải ghi nhận những điều Vương nữ Mê Linh đã làm được”.
Là một người biết đến chèo từ khi mới 5 tuổi và có nhiều năm hoạt động nghệ thuật sân khấu, NSƯT Lê Chức khẳng định: “Nghệ thuật phải dành cho người điếc và người khiếm thị bởi người điếc chỉ nhìn mà không nghe được còn người khiếm thị chỉ nghe không nhìn được”. Điều này đồng nghĩa với việc vở chèo phải “đẹp” về hình thức và “chất” về nghệ thuật dàn dựng.
Chèo cần công chúng để tồn tại và phát triển, tuy nhiên điều quan trọng đó là “Công chúng có đồng vọng với chúng ta không?” - NSƯT Lê Chức nhấn mạnh.
Phạm Oanh