“Loại bỏ Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là sai lầm lớn và rất cực đoan”

(Dân trí) - GS Đặng Văn Bài bày tỏ trong tham luận gửi đến toạ đàm sáng 7/9 tại Hà Nội rằng, chỉ vì sự cố chủ trâu bị chính trâu chọi của mình húc chết chủ mà cấm hội chọi trâu hoặc đưa Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn ra khỏi Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ là sai lầm lớn và rất cực đoan.

Nhiều cụ cao niên gửi thư khẩn thiết “xin đừng bỏ hội chọi trâu”

Sáng 7/9 tại Văn phòng Bộ VHTT&DL đã diễn ra buổi tọa đàm bàn về giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn - Hải Phòng. Buổi tọa đàm đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực.

Theo đó, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia bắt nguồn từ một tục lệ cổ xưa của người dân vùng đất Đồ Sơn. Năm 1990, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được phục hồi và liên tục được tổ chức đến ngày hôm nay.

Toàn cảnh buổi tọa đàm về Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn sáng 7/9 tại Bộ VHTT&DL. Ảnh: Tùng Long.
Toàn cảnh buổi tọa đàm về Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn sáng 7/9 tại Bộ VHTT&DL. Ảnh: Tùng Long.

Quá trình phục hồi và tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã đáp ứng được nguyện vọng và nhu cầu đời sống tinh thần của người dân Đồ Sơn và Hải Phòng, đồng thời giúp quảng bá hình ảnh vùng đất, con người, cũng như đóng góp vào sự phát triển chung của Đồ Sơn nói riêng, Hải Phòng nói chung.

Tuy nhiên, cũng giống như nhiều hiện tượng lễ hội được phục hồi khác trong thời gian vừa qua, việc tổ chức, quản lý lễ hội chọi trâu Đồ Sơn cũng gặp phải không ít vướng mắc.

Sự việc diễn ra gần đây nhất trong vòng loại chọi trâu ngày 11/7 (trâu chọi số 18 húc chết chủ trâu) là một bài học kinh nghiệm sâu sắc cho không chỉ các nhà quản lý ở Hải Phòng mà còn ở cả các địa phương khác trên cả nước. Đó chính là lý do tại sao Bộ trưởng Bộ VHTT&DL phê duyệt kế hoạch tăng cường công tác quản lý, tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn và các lễ hội, hội chọi trâu.

Phát biểu tại sự kiện này, GS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian cho rằng, sức mạnh của hội - lễ đối với cội nguồn, với một tộc người, nhóm người… là không bao giờ thay đổi, đó đồng thời là niềm tự hào của người dân.

Hội chọi trâu Đồ Sơn là một di sản của vùng đất Đồ Sơn, của Hải Phòng, của cả nước.

“Hội chọi trâu Đồ Sơn bắt nguồn từ truyền thuyết tướng Yết Kiêu lùng được một con trâu chạy từ dưới biển lên. Nhờ nuốt hai cái lông của con trâu này mà tướng Yết Kiếu mới có đủ sức mạnh lặn hàng buổi dưới biển để đục thủng thuyền của giặc phương Bắc. Ngày nay, người ta không nhắc nhiều đến truyền thuyết ấy nữa nhưng cội nguồn ấy nằm sâu trong tiềm thức của dân tộc. Chúng ta không có lí do gì để từ chối cội nguồn ấy cả. Tôi đại diện cho Hội của chúng tôi kính mong Bộ VHTT&DL chăm chút cho hội này tốt hơn chứ không phải là dẹp bỏ. Hội chúng tôi ủng hộ việc tiếp tục duy trì Hội chọi trâu Đồ Sơn, không chỉ duy trì ở đời này mà duy trì từ đời này sang đời khác”, GS Tô Ngọc Thanh nói.

GS Tô Ngọc Thanh cũng tâm sự thêm rằng, khi nghe tin Hội chọi trâu Đồ Sơn có khả năng phải dẹp bỏ, nhiều cụ cao niên ở Hải Phòng đã gửi về cho ông nhiều lá thư rất tâm huyết. Trong đó, có một cụ bà bán rau ở chợ Hải Phòng đã viết cho ông một bức thư với nét chữ rất nguệch ngoặc khẩn thiết rằng: “Chọi trâu là của chúng tôi, xin đừng phá bỏ nó”.

TS Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian cũng bày tỏ, không thể cấm cái này, bỏ cái kia... Không thể xem văn hoá, phong tục tập quán nơi này lạc hậu, nơi kia cấp tiến. Cái gì cũng cần bắt nguồn từ dân, từ cộng đồng.

“Hội chọi trâu Đồ Sơn có tồn tại hay không là do cộng đồng, người dân địa phương quyết định chứ không phải Bộ VHTT&DL quyết định hay các nhà khoa học quyết định. Tất cả quan niệm cấm, dừng là quan niệm quan phương cũ, phải bỏ đi. Nếu không thay đổi thì rất nguy hiểm trong quản lý”, TS Sơn nói.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn bị tận thu khiến dân kêu ca

Về giải pháp để quản lý Hội chọi trâu Đồ Sơn, TS Trần Hữu Sơn cho rằng, đã trong cơ chế thị trường thì không thể tránh được việc Hội chọi trâu bị thương mại nhưng phải quản lý điều đó như thế nào. Theo ông Sơn, Hội chọi trâu bây giờ tận thu nhiều quá khiến người dân rất kêu ca.

“Có cái lớn nhất thì không phát huy được đó là biến thương hiệu Hội chọi trâu thành sản phẩm du lịch. Phải nhận thức tất cả những gì cần phải đổi mới. Mấy năm nay, rất nhiều văn bản quản lý của Bộ VHTT&DL về lễ hội chưa ổn và yếu.

Nhiều giải pháp đã được đưa ra để quản lý Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Ảnh: Mai An.
Nhiều giải pháp đã được đưa ra để quản lý Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Ảnh: Mai An.

Ngoài cơ chế thị trường, chúng ta chưa lường được tâm lý đám đông và cơn bão truyền thông. Truyền thông cứ thấy lạ là phải đưa lên, tạo dư luận áp đặt. Truyền thông bị đám đông chi phối, một người “ném đá” thì nhiều người ào lên “ném đá”. Quản lý lẽ ra phải bình tĩnh thì lại cuống lên.

Từ quan điểm đó, chúng tôi có mấy giải pháp quan trọng là hãy tận dụng chọi trâu phải thành sản phẩm du lịch. Sản phẩm du lịch như thế nào, làm ra sao. Trong đó đừng nghĩ chọi trâu là cốt lõi mà nguồn thu phải là sản phẩm du lịch. Có thể sáng tạo ra dạ hội, triển lãm, nghi lễ để kéo chân du khách”, TS Sơn nói thêm.

GS.TS. Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, ông có cảm tưởng, các cấp chính quyền thị xã Đồ Sơn chưa chú trọng nhiều tới các hoạt động nhằm bảo vệ, tôn tạo các không gian tự nhiên (môi trường, cảnh quan) và những địa điểm di tích gắn với “ký ức” cần thiết cho việc thể hiện di sản văn hóa phi vật thể ở 7 phường trên địa bàn, tức là quan tâm nhiều tới phần hội mà coi nhẹ phần lễ. Mặt khác, cần phải nghiên cứu vận dụng Điều 15 của Công ước 2003 về sự tham gia của cộng đồng, nhóm người và cá nhân vào các hoạt động bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

“Ta thấy rất rõ sự mất cân đối giữa hai phần lễ và hội. Trong tương lai, cần tiếp tục nghiên cứu để bổ sung, tăng thêm hàm lượng quản lý về phần lễ, làm cho chất văn hóa trong Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được đậm nét hơn. Mặt khác, trong quy chế nói trên, vai trò của cộng đồng với tư cách là chủ thể sáng tạo văn hóa rất mờ nhạt, nếu không nói là bị lãng quên. Về mặt nguyên tắc, những gì được minh bạch, được trao đổi rộng rãi, được đối thoại trực tiếp với cộng đồng, lắng nghe ý kiến của cộng đồng thì rất dễ tạo ra sự đồng thuận giữa cơ quan quản lý di sản và đối tượng chịu sự quản lý/cộng đồng cư dân địa phương.

Quá trình đối thoại - đồng thuận - tham gia của cộng đồng mới là yếu tố làm cho các văn bản quy phạm pháp luật nói chung và Quy chế tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng thực sự có hiệu lực trong đời sống xã hội. Thiết nghĩ, sự cố trong chọi trâu ở Đồ Sơn vừa qua đặt ra yêu cầu phải nghiêm túc nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện một bước bản Quy chế hiện hành của UBND thị xã Đồ Sơn về quản lý lễ hội. Tôn trọng cộng đồng, vinh danh cộng đồng, dựa vào cộng đồng để thu hút nguồn lực xã hội cho việc bảo tồn di sản văn hóa không có nghĩa là khoán trắng cho cộng đồng, chạy theo quần chúng”, GS Bài nhấn mạnh.

GS Đặng Văn Bài cũng bày tỏ rằng, chỉ vì sự cố chủ trâu bị chính trâu chọi của mình húc chết mà cấm Hội chọi trâu hoặc đưa Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn ra khỏi Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ là sai lầm lớn và rất cực đoan.

“Sau 27 năm tổ chức lễ hội mới có một sự cố đáng tiếc xảy ra vừa qua, theo tôi chưa phải là “thảm họa”. Vả lại, chúng ta hoàn toàn có khả năng áp dụng các biện pháp quản lý cũng như kỹ thuật hiện đại ngăn chặn không để các sự cố tương tự như vậy xảy ra trong tương lai. Tôi biết, trong dân gian vẫn có những tri thức bản địa, kinh nghiệm lâu đời giúp cho các chủ trâu khắc phục nếu sự cố tương tự có xảy ra. Tôi đồ rằng, thời gian qua, các cơ quan quản lý ở địa phương chưa tập huấn kỹ cho các chủ trâu kỹ năng quan trọng này

Với các lễ hội chọi trâu ở các địa phương khác trên lãnh thổ Việt Nam, nếu có “tích trò” tương tự như lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn thì cũng cần được ứng xử văn hóa như vậy. Bởi vì đó là cách chúng ta duy trì tính đa dạng văn hóa theo tinh thần Công ước 2003 của UNESCO và Luật Di sản văn hóa của Việt Nam”, GS Bài nói thêm.

Hà Tùng Long