Liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc 2018: Cam kết không tiêu cực
(Dân trí) - Tại buổi công bố thông tin chính thức hoạt động Liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc 2018, NSND Nguyễn Quang Vinh, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD), khẳng định sẽ không có sự chỉ đạo ngầm tại liên hoan năm nay, ban tổ chức cũng cam kết không để liên hoan nhuốm màu tiêu cực.
Ngày 29/8, tại TPHCM, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã có buổi gặp gỡ truyền thông để chia sẻ chính thức thông tin tổ chức Liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc 2018. Chương trình do Cục Nghệ thuật biểu diễn, Hội nghệ sĩ sân khấu, Sở Văn hóa các tỉnh, thành phố phối hợp tổ chức.
Liên hoan sẽ diễn ra từ ngày 5 đến 19/9 tại Trung tâm Biểu diễn nghệ thuật TP Tân An, tỉnh Long An. Chương trình có sự tham gia của 32 vở diễn của 25 đơn vị, trong đó có 8 đơn vị ngoài công lập sẽ góp mặt tranh tài.
Trong buổi gặp gỡ, NSND Nguyễn Quang Vinh - Cục trưởng Cục NTBD đã có những chia sẻ thẳng thắn về những vấn đề từng tồn đọng trong nhiều năm qua cũng như sự thay đổi tích cực của liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc lần này.
Được biết, Cục NTBD, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã lập đề án đổi mới cách đây 3 năm và đã được thông qua để chính thức bỏ hai chữ “chuyên nghiệp” lâu nay phân biệt giữa đơn vị công lập và ngoài công lập. NSND Nguyễn Quang Vinh cho biết: "Liên hoan lần này hướng tới chất lượng nghệ thuật, không có sự phân biệt giữa các đoàn công lập và ngoài công lập".
NSND Nguyễn Quang Vinh ghi nhận việc báo chí phản ảnh quá nhiều vấn đề tiêu cực trong các kỳ liên hoan khi một số vở diễn không xứng tầm nhưng lại đoạt huy chương khiến các nghệ sĩ bức xúc, ông khẳng định sẽ không có sự chỉ đạo ngầm tại liên hoan năm nay.
Tiếp lời Cục trưởng Nguyễn Quang Vinh, trưởng ban tổ chức liên hoan, ông Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Cục NTBD, khẳng định: "Có tôi ngồi ghế trưởng ban tổ chức, xin hứa sẽ không để liên hoan nhuốm màu tiêu cực".
Theo đó, hướng đổi mới của năm nay để tránh tiêu cực là những nghệ sĩ có tham gia các khâu: chỉ đạo nghệ thuật, trưởng đơn vị nghệ thuật, họa sĩ thiết kế, nhạc sĩ sáng tác âm nhạc, đạo diễn dàn dựng, diễn viên… đều không được ngồi ghế giám khảo. NSND Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh: "Tuyệt đối không để sự thao túng trong cách chấm giải thưởng để liên hoan thật sự là sân chơi đúng nghĩa của những nghệ sĩ yêu nghề".
Ngoài ra, Cục trưởng Nguyễn Quang Vinh cũng ghi nhận việc quảng bá truyền thông cho các kỳ liên hoan chưa được quan tâm và chú trọng đúng mực, điều này dẫn đến việc những chương trình có tầm cỡ như thế này lại bị hạn chế thông tin, chưa tiếp cận được nhiều đối tượng khán giả yêu thích các hoạt động văn hóa do các cơ quan quản lý đứng ra chỉ đạo và tổ chức - những chương trình lẽ ra cần sự quan tâm của đông đảo khán giả.
Với tinh thần tiếp thu góp ý của báo chí, NSND Nguyễn Quang Vinh thừa nhận ban tổ chức thiếu sót về vấn đề này và ông mong muốn đơn vị đăng cai là tỉnh Long An sẽ cùng với Cục NTBD tổ chức mùa liên hoan cải tiến này thật sự đạt hiệu quả, thu hút đông khán giả đến với từng vở diễn.
Để chương trình năm nay được tuyên truyền rộng rãi và tiếp cận nhiều hơn với khán giả chứ không chỉ là kỳ liên hoan của những người làm nghề “vui với nhau”, ông Võ Trọng Nam, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đề nghị Đài Truyền hình Long An cần tổ chức các chương trình tọa đàm, mời nghệ sĩ tham gia liên hoan để biểu dương thành tựu nghệ thuật cải lương một thế kỷ qua, cũng như mổ xẻ những vấn đề đổi mới trong sáng tác, dàn dựng, diễn xuất của cải lương hôm nay.
"Toàn liên hoan chỉ có một đêm gala phát giải vào tối 19/9 với chủ đề "Danh tài hội tụ" được truyền hình trực tiếp trên VTV, HTV và Đài Truyền hình Long An, xem ra vẫn chưa đủ tầm khi cả nước đang chờ đón nhiều hoạt động chào mừng 100 năm sân khấu cải lương", ông Võ Trọng Nam khẳng định.
Điểm mạnh nữa của chương trình năm nay là sự mở rộng và không hạn chế đề tài. Theo thông tin từ đơn vị tổ chức ghi rõ: “Liên hoan lần này mở rộng phạm vi đối tượng để tạo điều kiện cho các đơn vị tham gia được đông đảo, theo đó, các đơn vị nghệ thuật Cải lương chuyên nghiệp công lập và ngoài công lập có tư cách pháp nhân, có thời gian hoạt động nghệ thuật Cải lương liên tục từ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm liên hoan là đủ điều kiện tham gia. Mỗi đơn vị được tham gia 01 vở diễn, đơn vị có nhiều đoàn biểu diễn sẽ được tham gia số lượng vở tương ứng với số đoàn. Đối với các đề tài tham gia Liên hoan, không hạn chế nội dung tuy nhiên khuyến khích các tác phẩm hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Liên hoan sân khấu cải lương ngay từ khi công bố đã khiến các nghệ sĩ yêu thích cải lương hào hứng khi các rào cản đang dần được xóa bỏ. Cụ thể, sân khấu của nghệ sĩ Kim Tử Long trở lại liên hoan sau hơn 10 năm vắng bóng tại các kỳ liên hoan hội diễn với kịch bản “Rạng Ngọc Côn Sơn”. Nghệ sĩ Kim Tử Long vô cùng phấn khởi chia sẻ: “Các chương trình xã hội hóa thì rất hiếm hoi, năm nay được sự mở rộng của ban tổ chức cho các chương trình xã hội hóa tham gia, đó là 1 tín hiệu tốt, tạo nên sức lan tỏa cho sân khấu cải lương".
Băng Châu