1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Liên hoan Ảo thuật - Tuồng, bài Chòi và Dân ca kịch toàn quốc 2018

(Dân trí) - Liên hoan Ảo thuật sẽ diễn ra từ ngày 13- 15/10 tại TP.HCM, Liên hoan Tuồng, bài Chòi và Dân ca kịch sẽ diễn ra từ ngày 20- 28/10 tại TP. Quảng Ngãi.

BTC cho biết, hiện đã nhận được 39 tiết mục của hai đơn vị Xiếc công lập và 14 đơn vị nhóm nghệ sĩ hoạt động theo mô hình xã hội hóa đăng ký tham dự.

Theo NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết, số lượng tiết mục đăng ký lần này nhiều hơn so với hai cuộc Liên hoan trước. Điều này chứng tỏ, cho dù điều kiện hoạt động còn nhiều khó khăn nhưng các nghệ sĩ Ảo thuật vẫn yêu nghề, có nhiều tìm tòi sáng tạo để nâng cao chất lượng nghệ thuật phục vụ nhân dân trong công cuộc đổi mới đất nước.

NSND Vũ Ngoạn Hợp - Nguyên Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng cho biết, BTC sẽ đánh giá các tiết mục dự thi dựa vào 2 tiêu chí: kỹ thuật và nghệ thuật. Trong đó, tiêu chí nghệ thuật được đánh giá dựa vào các yếu tố như âm thanh, ánh sáng, trang phục, phong cách biểu diễn. Đặc biệt, điểm cộng đối với các tiết mục là việc các đơn vị, nhóm, nghệ sĩ Ảo thuật đưa vào được các yếu tố mang bản sắc văn hóa dân tộc.

NSND Tâm Chính - Chủ tịch Liên chi hội Xiếc Việt Nam chia sẻ: "Khác với các tiết mục ảo thuật đường phố mang tính chất vui là chính, các tiết mục Ảo thuật khi tham gia biểu diễn tại liên hoan phải có yếu tố nghệ thuật, thể hiện được sự khéo tay, kỹ năng diễn xuất của nghệ sĩ. Bên cạnh đó, chúng tôi còn đánh giá các tiết mục dựa trên yếu tố sáng tạo, đầu tư về đạo cụ để phục vụ chuyên môn".

Liên hoan Ảo thuật lần thứ III- 2018 là dịp để các nghệ sĩ Ảo thuật của cả nước giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao chất lượng biểu diễn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả. Liên hoan Ảo thuật chuyên nghiệp nhằm phát hiện những tài năng sáng tạo của chuyên ngành Xiếc Việt Nam.

Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam thông tin với báo giới về Liên hoan Ảo thuật - Tuồng, bài Chòi và Dân ca kịch. Ảnh: Tùng Long.
Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam thông tin với báo giới về Liên hoan Ảo thuật - Tuồng, bài Chòi và Dân ca kịch. Ảnh: Tùng Long.

Thông qua Liên hoan để các nhà quản lý, các đơn vị đào tạo nghệ thuật có cơ hội đánh giá thực trạng đội ngũ nghệ sĩ Ảo thuật hiện nay, từ đó có những biện pháp thúc đẩy bồi dưỡng, đào tạo lực lượng nghệ sĩ Ảo thuật nước ta trong thời gian trước mắt và lâu dài, góp phần thúc đẩy sự phát triển văn hóa nghệ thuật nói chung và sự phát triển Ảo thuật nói riêng trong xu thế hội nhập và phát triển.

Lễ Khai mạc Liên hoan Ảo thuật toàn quốc lần thứ III- 2018 sẽ diễn ra tại Tiền sảnh Nhà hát Thành phố lúc 20 giờ ngày 13/10 và được truyền hình trực tiếp trên kênh Today TV.

Trong khuôn khổ cuộc họp, BTC cũng đã chia sẻ thông tin về Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu chuyên nghiệp Tuồng, bài Chòi và Dân ca kịch toàn quốc 2018 sẽ diễn ra tại TP Quảng Ngãi từ ngày 20- 28/10.

Đây là hoạt động nhân dịp tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về việc Xây dựng và phát triển Văn học Nghệ thuật trong thời kỳ mới và chào mừng Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam đã được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào cuối năm 2017.

BTC cho biết, đến nay, BTC đã nhận được 15 vở diễn của 11 đơn vị nghệ thuật Tuồng, Bài Chòi và Dân ca kịch đăng ký tham dự. Trong đó, Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định tham gia Liên hoan với vở “Chuyện tình làng Võ”; Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế tham gia hai vở “Chuyện tình Hoa trinh nữ” và “Tuần lễ Vàng” (Tháng 8 năm 1945); Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế tham gia vở “Những người mẹ”; Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP HCM tham gia với vở “Lê Công kỳ án”;

Đoàn Tuồng Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa tham gia vở “Trảm Trịnh Ân”; Đoàn Dân ca kịch Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa tham gia vở “Thiên địa”; Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tham gia hai vở “Sơn hậu” và “Rực lửa Hoàng Cung”; Nhà hát Tuồng Đào Tấn tham gia với vở “Chàng Lía”;

Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản dân ca xứ Nghệ gồm hai đoàn Đoàn kịch hát Dân ca và Đoàn Dân ca truyền thống tham gia với hai vở “Nước mắt đứa con út” và “Quyền uy và tội ác”; Hội Nghệ sĩ Sân khấu Thừa Thiên Huế tham gia với vở “Trò đời nghiệt ngã”; Đoàn ca kịch Quảng Nam tham gia với vở “Ký ức lửa”; Trung tâm Bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân ca Bài chòi và hát Hố Quảng Ngãi tham gia với vở “Núi rừng năm ấy”.

Theo NSƯT Lê Chức, thành viên BTC Liên hoan, phần lớn các vở diễn tham gia Liên hoan đều là những vở diễn mới. Một số vở diễn cũ đều được phục dựng lại, mang nhiều hơi thở mới của đương đại.

Lễ Khai mạc Liên hoan sẽ diễn ra vào 20h ngày 20/10 tại Nhà văn hóa Thành phố Quảng Ngãi. Lễ Bế mạc và trao tặng giải thường diễn ra vào 20h ngày 28/10 tại Nhà văn hóa Thành phố Quảng Ngãi.

Hà Tùng Long