Lịch sử 170 năm của ngôi điện đẹp nhất triều Nguyễn
(Dân trí) - Những hình ảnh cho người xem thấy được một chiều dài xuyên suốt của ngôi điện đẹp vào hàng bậc nhất dưới thời vua Nguyễn.
Sáng 30/5 tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (số 3 đường Lê Trực, TP Huế), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức trưng bày chuyên đề “Bảo tàng - Nơi kết nối giữa quá khứ và hiện tại”. Những hình ảnh của quá khứ và hiện tại đan xen khá ấn tượng tại kỷ niệm 170 năm điện Long An (1845-2015) ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế cho người xem thấy được một chiều dài xuyên suốt của ngôi điện đẹp vào hàng bậc nhất dưới thời vua Nguyễn.
Một số tranh, hiện vật khái quát những điểm nhấn chính của điện Long An xưa – nay là địa điểm Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế như hình ảnh tư liệu xưa, sách, con dấu cổ… về quá trình hình thành, phát triển.
Trải qua nhiều biến cố lịch sử, điện Long An luôn giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa ở Huế. Ra đời từ 1845 dưới thời vua Thiệu Trị, điện Long An là một trong những công trình kiến trúc gỗ tuyệt mỹ, kiểu nhà kép, theo lối “trùng lương trùng thiềm” cùng với hệ thống liên ba, đối bản với hơn 1.000 ô hộc trang trí bằng khảm cẩn, chạm trổ tinh xảo trên các chất liệu như: xương ngà voi, xà cừ.
Nơi đây từng là Thư viện của trường Quốc Tử Giám dưới thời vua Nguyễn trị vì ở cố đô Huế, và cũng là trụ sở của Hội Đô thành Hiếu cổ - nơi hội tụ các học giả chuyên nghiên cứu về Huế nói riêng và Việt Nam nói chung đầu thế kỷ 20 với ấn phẩm nổi tiếng Bulletin des amis du vieux Hué (BAVH). Tập san này có nhiều giá trị học thuật trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, tôn giáo, kiến trúc, mỹ thuật… thời bấy giờ và là nguồn tư liệu quý cho các học giả hôm nay.
Điện Long An cũng là nơi chứng kiến sự ra đời các sưu tập bảo tàng, nó chính thức trở thành nhà trưng bày của Museé Khải Định (hay còn gọi là Viện Bảo tàng Khải Định được chính vua Khải Định ban sắc dụ thành lập, nay là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế) từ năm 1923 với nhiều sưu tập độc đáo phản ánh đời sống xã hội, lễ nghi chính trị và tinh thần của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là của văn hóa cung đình Huế.
Tư đó đến nay, điện Long An luôn là địa chỉ hấp dẫn của giới nghiên cứu, của khách du lịch trong và ngoài nước, của người yêu cổ vật và đặc biệt là của học sinh, sinh viên. “Với nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, điện Long An là một bộ phận quan trọng của Quần thể Di tích Cố đô Huế - Di sản văn hóa thế giới” – TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nhận định.
Giữa không gian đầy tiếng xưa vọng về, nhớ lại 170 năm qua xen lẫn với sự chăm chú vẽ tranh của các em học sinh đại diện cho thế hệ hiện tại hôm nay và tương lai ngày mai, ngôi điện Long An như càng được tiếp thêm sức sống mới, để hòa lẫn thật đồng điệu giữa cái cũ và cái mới.
Mặt ngoài và mặt trong điện Long An đã 170 năm tuổi
Với chủ đề "Huế trong đôi mắt trẻ thơ", bên di tích điện Long An đẹp cổ kính, các em thỏa sức sáng tạo, kết nối cái nhìn từ quá khứ đến hiện tại trong tranh vẽ
Vua Khải Định phê chỉ dụ sáng lập Viện Bảo tàng Khải Định năm 1923. Vua đã ý thức được tầm quan trọng phải có bảo tàng từ thời đó: "Đặc trưng của một dân tộc được biểu thị bởi các sản phẩm nghệ thuật, đó là tấm gương phản chiếu đời sống xã hội, nghi lễ chính trị và hình ảnh, tâm hồn của dân tộc đó"
Hình ảnh Viện Bảo tàng Khải Định đặt tại điện Long An những ngày đầu thành lập,
,và đến nay
Những hình ảnh phân tích kiến trúc độc đáo, tinh xảo với hàng trăm bài thơ - họa trên điện Long An
Trang đầu tiên trong cuốn Thủ sách (sổ theo dõi hiện vật) của Bảo tàng cổ thể hiện sơ đồ bài trí các tủ kính, bục, kệ gỗ trưng bày hiện vật tại nội thất điện Long An năm 1951
Nhiều con dấu qua các thời kỳ bảo tàng đặt tại điện Long An
Sổ vàng đóng góp tại Viện Văn hóa Huế - thời kỳ sau của điện Long An
Tập san BAVH nổi tiếng một thời (bản gốc) đang lưu giữ tại đây
Hình ảnh kiệu vàng, ngai vàng, cây lá ngọc cành vàng... - những hiện vật xưa đang triển lãm ở điện Long An, nay là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế
Tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế còn có rất nhiều đồ vật giá trị như áo mão của vua quan, đồ ngự dụng... rất độc đáo. Nếu muốn tìm hiểu khái quát những nét đặc trưng nhất của Hoàng gia Huế thì Bảo tàng này là một điểm "cần phải đến" đối với mỗi du khách
Một góc trưng bày đồ Hoàng gia Huế trong điện Long An hiện tại thuộc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế
Đại Dương