Lê Mai, Lê Khanh: Gia đình hiếm có, nhiều danh hiệu NSND, NSƯT

Hương Hồ
Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

(Dân trí) - Gia đình nghệ sĩ Lê Mai, Lê Khanh có thể nói là đại gia đình hiếm có của làng nghệ thuật nước nhà khi có nhiều danh hiệu NSND, NSƯT.

Theo Quyết định 1431/QĐ-CTN do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký ngày 28/11 và Quyết định 724/QĐ-CTN ký ngày 22/6, có 119 cá nhân được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân (NSND) và gần 200 cá nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) trong đợt xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10. 

Dịp này đại gia đình nghệ sĩ Lê Khanh đón hai tin vui khi mẹ của bà là Nghệ sĩ Lê Mai được phong tặng danh hiệu NSƯT, còn cậu của nữ nghệ sĩ - em trai bà Lê Mai- NSƯT Lê Chức - được phong NSND.

Nghệ sĩ Lê Mai được phong tặng NSƯT ở tuổi 85 và 3 cô con gái tài danh

Nghệ sĩ Lê Mai sinh năm 1938 tại Hải Phòng. Bà xuất thân trong một gia đình có cả bố và mẹ đều hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu.

Lê Mai, Lê Khanh: Gia đình hiếm có, nhiều danh hiệu NSND, NSƯT - 1

Nghệ sĩ Lê Mai vừa nhận quyết định phong tặng danh hiệu NSƯT trong đợt xét tặng lần thứ 10 (Ảnh: Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam).

Bố của bà là nhà thơ - nhà viết kịch Lê Đại Thanh hoạt động trong Đoàn kịch Trung ương (nay là Nhà hát Kịch Việt Nam) cùng thời với Thế Lữ và Song Kim. Ngoài sáng tác văn nghệ, ông cũng từng là giáo viên. Học trò của ông sau này có nhiều người nổi tiếng như: nhà văn Nguyên Hồng, nhà văn Nam Cao hay Trung tướng Bằng Giang.

Mẹ của bà là Đinh Ngọc Anh, con gái nhà tư sản Vạn An Trường của đất Hải Phòng xưa. Bà Đinh Ngọc Anh cũng từng là diễn viên kịch trong đoàn kịch Gió Biển của chồng mình (Lê Đại Thanh). Hai người em trai của Lê Mai cũng tạo dựng tên tuổi trong lĩnh vực nghệ thuật là họa sĩ Lê Đại Chúc và đạo diễn, NSƯT Lê Chức.

Năm 1954, bà theo bố lên Hà Nội nhận công tác ở Đoàn kịch Trung ương do nhà văn, nhà viết kịch Học Phi làm trưởng đoàn. Tại đây, Lê Mai đã quen và kết hôn với NSND Trần Tiến.

Nhưng do những rạn nứt trong quan hệ gia đình, hai người sau này đã ly hôn. Ông Trần Tiến đã qua đời cách đây gần một năm. Ba người con gái của bà và NSND Trần Tiến đều trở thành những nghệ sĩ thành danh là Lê Vân, Lê Khanh và Lê Vi.

Sau thời gian hoạt động chủ yếu trong Đoàn kịch Trung ương, bà về công tác tại Đoàn kịch Hà Nội (nay là Nhà hát Kịch Hà Nội). Nghệ sĩ Lê Mai từng tham gia các vở Chuyện những người du kích, Đồng mía, Đêm tháng bảy, Hà Nội đầu năm 46, Tiền tuyến gọi…

Gần 20 năm công tác tại Nhà hát Kịch Hà Nội, đó là những tháng ngày thanh xuân đáng nhớ của nghệ sĩ Lê Mai. Tuy nhiên, nghệ sĩ gạo cội cũng tiếc nuối vì những năm tháng sau này, vì sức khỏe mà bà không thể làm diễn viên sân khấu được.

Năm 1982 bà nghỉ hưu, sau đó cũng được một số đạo diễn mời đi đóng phim truyền hình với các tác phẩm như: Bà nội không thích ăn Pizza, Nếp nhà… Với mỗi vai diễn, bà đều làm tốt vai trò của mình để thể hiện tính cách nhân vật.

"Những năm sau này, chắc do tôi già rồi nên không nhận được lời mời đóng phim nữa. Hồi đi làm phim, tôi vẫn đi xe máy đến các bối cảnh đấy. Giờ thì không đi được vì tôi bị zona thần kinh, mắt không chớp được. Dạo này tôi lại bị đau xương khớp, đau chân, đi lại khó khăn nên phải nằm tại nhà điều trị một thời gian", nghệ sĩ Lê Mai tâm sự.

Ở tuổi ngoài 80, nghệ sĩ Lê Mai đang có cuộc sống bình yên bên con cháu. Bà tự hào vì mình có 3 cô con gái giỏi giang, xinh đẹp, có một số thành tích nhất định trong nghệ thuật.

"Tôi nghĩ mình may mắn khi có 3 người con trưởng thành như vậy. Con gái Lê Vân và Lê Vi, nhiều năm qua lùi về sau sân khấu để chăm lo gia đình nhỏ. Chỉ còn Lê Khanh thời gian qua tham gia nhiều gameshow, đóng phim. Các con muốn làm gì cũng được, miễn là chúng thấy vui là mình cũng vui", bà bộc bạch.

Lê Mai, Lê Khanh: Gia đình hiếm có, nhiều danh hiệu NSND, NSƯT - 2

Nghệ sĩ Lê Mai (giữa) và các con gái (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Con gái cả của nữ nghệ sĩ gạo cội là NSƯT Lê Vân sinh năm 1958. Là một diễn viên múa nhưng Lê Vân gặt hái được nhiều thành công với điện ảnh.

Lê Vân đã có vị trí riêng với nghệ thuật thứ 7 khi để lại hàng loạt vai diễn ấn tượng trong các phim: Chị Dậu, Thương nhớ đồng quê, Đêm hội Long Trì, Bao giờ cho đến tháng 10... Với vai Duyên trong Bao giờ cho đến tháng 10, Lê Vân giành Bông sen Vàng tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 7, năm 1985.

Tháng 10 năm 2006, Lê Vân viết cuốn tự truyện Lê Vân, yêu và sống nói về cuộc đời chị, trong đó có một phần viết khá chi tiết về gia đình nghệ sĩ này.

Con gái thứ của Lê Mai là NSND Lê Khanh, sinh năm 1963. Từ nhỏ, bà đã được chú ý với tài năng diễn xuất. Lê Khanh cũng là một trong số hiếm hoi những nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND khi còn trẻ, lúc 38 tuổi.

Bước chân vào lĩnh vực nghệ thuật từ năm 1970 cho đến nay, Lê Khanh đã tham gia diễn xuất trong nhiều hoạt động sân khấu, điện ảnh lẫn truyền hình và là một trong những diễn viên lâu năm nhận được sự yêu mến của khán giả.

Trong lĩnh vực sân khấu, NSND Lê Khanh ghi dấu ấn khi đóng vai nữ chính trong nhiều vở kịch: Vai Juliet trong vở Romeo và Juliet, vai bà mẹ trong vở Hồn ma bóng quỷ, vai Dexdemona trong vở Otenlo, vai Luyin trong vở Trưởng giả học làm sang, vai Lý Chiêu Hoàng trong vở Rừng Trúc…

Trong hoạt động điện ảnh, NSND Lê Khanh cũng góp mặt trong nhiều bộ phim và để lại ấn tượng: Vai Thái trong phim Điều anh chưa kịp nói, vai Mai trong phim K09 là ai, vai Huệ trong phim Cạm bẫy tình, vai Khanh trong Mùa hè chiều thẳng đứng (2000), vai Thái Tuyết Mai trong Gái già lắm chiêu 3…

NSND Lê Khanh đã giành được giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 10 với vai diễn trong phim Chuyện tình bên dòng sông. Chị cũng giành giải Nữ diễn viên chính xuất sắc Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 22 cho vai Lý Lệ Hà phim Gái già lắm chiêu 5.

Nghệ sĩ Lê Vi có phần kín tiếng hơn hai người chị, nhưng vẫn ghi dấu ấn với khán giả trong bộ phim Cây bạch đàn vô danh của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân năm 1996 - vai diễn mang về cho Lê Vi giải thưởng Bông sen Vàng năm 1996.

Lê Mai, Lê Khanh: Gia đình hiếm có, nhiều danh hiệu NSND, NSƯT - 3

3 cô con gái tài sắc của nghệ sĩ Lê Mai (từ trái sang): NSND Lê Khanh, NSƯT Lê Vân và nghệ sĩ Lê Vi (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

NSƯT Lê Chức nhận danh hiệu NSND ở tuổi U80

NSƯT Lê Chức sinh năm 1947 - em trai của nghệ sĩ Lê Mai vừa được phong tặng danh hiệu NSND lần thứ 10.

Ông tốt nghiệp khoa đạo diễn sân khấu ở Liên Xô cũ, là một đạo diễn sân khấu, biên kịch, nhà thơ, giảng viên nổi tiếng.

Năm 1965 ông theo học diễn viên rồi trở thành diễn viên chính của Đoàn Kịch nói Hải Phòng. Trong suốt 15 năm công tác tại đây, ông đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả qua các vở Chiều cuối, Masa, Con cáo và chùm nho, Cửa mở hé

NSƯT Lê Chức còn được khán giả biết đến qua việc đọc lời bình cho các bộ phim tài liệu và một số chương trình nghệ thuật, được mệnh danh là "người có giọng đọc vàng" hay "giọng đọc huyền thoại" của ngành sân khấu, truyền hình.

Từ năm 1987 đến nay, ông đã đọc lời bình cho hàng nghìn chương trình trên truyền hình, phát thanh. Giọng đọc của ông từng phủ sóng nhiều kênh phát thanh, truyền hình ở khắp cả nước cũng như các chương trình cộng tác của nước bạn Lào, Campuchia...

Lê Mai, Lê Khanh: Gia đình hiếm có, nhiều danh hiệu NSND, NSƯT - 4

NSƯT Lê Chức ở tuổi U80 vừa được nhận quyết định phong tặng danh hiệu NSND (Ảnh: Ban Tổ chức).

Ông là đạo diễn, biên kịch và đọc lời bình cho nhiều vở kịch, rối, múa và phim tài liệu nổi tiếng như Hoa Lư - Thăng Long bài ca dời đô, Định mệnh bất chợt, Thân phận nàng Kiều, Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình, Hào khí Bạch Đằng giang…

Ông cũng đã đọc nhiều tác phẩm trữ tình của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng trong và ngoài nước như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Nhật ký trong tù, thơ văn xuôi của Tagore, thơ Đường, thơ Haiku

NSƯT Lê Chức từng giữ nhiều cương vị quản lý quan trọng trong ngành sân khấu nước nhà như Giám đốc Nhà hát Cải lương Trung ương (nay là Nhà hát Cải lương Việt Nam), Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

Ông nhiều lần làm trưởng ban giám khảo, trưởng ban tổ chức các kỳ thi liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc, liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc.

Những năm gần đây, ông đều đặn đi dạy, dựng vở, biểu diễn, khi lại làm đạo diễn nghệ thuật. Đầu năm 2023 ông dựng vở kịch kinh điển thế giới Mê Đê cho Nhà hát Cải lương Việt Nam và để lại nhiều dấu ấn.