Đắk Lắk:

Lễ hội đua voi ở Buôn Đôn sẽ không tiến hành nghi thức đâm trâu

(Dân trí) - Từ ngày 12 - 14/3 tại huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) sẽ diễn ra Lễ hội đua voi và thực hiện những nghi lễ văn hóa các dân tộc Tây Nguyên. Trong đó, phần nghi thức đâm trâu như thường lệ sẽ không được thực hiện mà thay vào đó là nghi thức tượng trưng.

Ngày 24/2, ông Bùi Văn Khối - Trưởng phòng nghiệp vụ văn hóa, Sở VHTT&DL tỉnh Đắk Lắk, cho biết: “Chương trình Lễ hội đua voi tại Buôn Đôn các nghi lễ sẽ được tiến hành như các năm trước riêng trong lễ hội nghi thức đâm trâu sẽ được thực hiện theo Thông tư 15 của Bộ VHTT&DL tức sẽ không tiến hành đâm trâu vì không nhân nhân đạo và gây sự phản cảm cho du khách. Thay vào đó bằng các nghi thức mô phỏng, tượng trưng”.

Phần đâm trâu sẽ thay bằng nghi thức tượng trưng (ảnh internet)
Phần đâm trâu sẽ thay bằng nghi thức tượng trưng (ảnh internet)

Ông Khối cũng cho biết, có thể trong Lễ hội đua voi năm nay trong nghi thức cúng Giàng vẫn sẽ đưa trâu thật ra sau đó dẫn vào trong và thực hiện nghi lễ khóc trâu của bà con đồng bào các dân tộc. Thậm chí, phía Sở và huyện cũng cân nhắc đến phương án sẽ dùng trâu giả để thực hiện nghi thức mô phỏng còn việc đâm trâu như năm trước sẽ không cho thực hiện.

Theo đó, Lễ hội đua voi tại Buôn Đôn được tiến hành theo thông lệ 2 năm 1 lần vào các năm chẵn. Trong lễ hội sẽ diễn ra hàng loạt nghi lễ như: cúng bến nước; lễ cúng cơm mới; nghi thức đâm trâu; nghi lễ săn, bắt voi; voi đá bóng; voi vượt sông Sêrêpốk…

Nghi thức đâm trâu của người dân buôn làng dưới cây nêu theo phong tục mang ý nghĩa dâng lên Giàng để cầu cho buôn làng được khỏe mạnh, có cuộc sống ấm no, mùa màng được bội thu, việc săn bắt được nhiều thuận lợi… Con trâu được chọn thực hiện nghi lễ phải là trâu đực, tơ và không có bệnh tật.

Thúy Diễm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm