Lễ hội đền Độc Cước được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

(Dân trí) - Lễ hội đền Độc Cước, thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đợt XXIV.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký ban hành quyết định công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đợt XXIV.

Lễ hội đền Độc Cước, thành phố Sầm Sơn được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội đền Độc Cước, thành phố Sầm Sơn được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trong đó, Lễ hội đền Độc Cước, thành phố Sầm Sơn được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Đền Độc Cước là lễ hội truyền thống lâu đời, được cư dân biển Sầm Sơn tổ chức hàng năm nhằm tưởng nhớ công lao của thần Độc Cước và các bậc tiền nhân, cầu cho quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh, tôm cá đầy khoang, mùa màng thắng lợi, du lịch phát triển.

Tương truyền, xưa kia thần Độc Cước đã giúp đỡ nhân dân Sầm Sơn đánh đuổi quái thú, mang lại cuộc sống bình an, no đủ. Nhớ ơn thần, người dân Sầm Sơn đã lập đền thờ.

Đền nằm trên hòn Cổ Giải (núi Trường Lệ), là một trong những điểm đến tâm linh nổi tiếng bậc nhất của thành phố Sầm Sơn.

Lễ hội thường được tổ chức vào ngày 16/1 âm lịch hàng năm với nhiều nghi thức truyền thống, hoạt động văn hóa, chương trình nghệ thuật đặc sắc.

Với việc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là cơ hội lớn để bảo tồn và phát huy giá trị di sản Lễ hội đền Độc Cước trong đời sống tinh thần của nhân dân, cũng như phục vụ khách du lịch đến với thành phố Sầm Sơn.

Như vậy, đến nay tỉnh Thanh Hóa đã có 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, như: Trò Xuân Phả (Thọ Xuân), Lễ hội Pôồn Pôông (Ngọc Lặc); Lễ hội Trò Chiềng (Yên Định) và Lễ Hát múa ăn mừng dưới cây bông - Kin chiêng bọoc mạy (Như Thanh); Lễ hội Cầu ngư (Hậu Lộc); Ngũ trò Viên Khê (Dân ca Đông Anh, Đông Sơn).

Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm