Lễ hội Cầu ngư vùng ven biển Nghệ An
(Dân trí) - Hàng năm cứ vào tháng 1 âm lịch, ngư dân vùng ven biển Nghệ An lại tưng bừng tổ chức lễ hội Cầu ngư, với mong ước có được một năm mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang.
Với tấm lòng thành kính dân lên các vị thần linh đã che chở cho mình trong những chuyến vươn khơi. Hàng năm mỗi độ xuân sang ngư dân miền biển Nghệ An lại tưng bùng tổ chức lễ hội Cầu ngư. Với mong muốn cầu cho 1 năm trời yên biển lặng, cá mực đầy khoang.
Lễ hội Cầu ngư được hình thành từ khoảng thế kỷ 14 thời Hậu Lê là một nét đẹp văn hóa trong tâm linh người dân miền biển. Khi mỗi độ xuân về người dân miền biển lại tưng bừng tổ chức lễ hội Cầu ngư. Với tấm lòng thành kính, ngư dân miền biển nơi đây kính dâng lên thần sông, thần biển, các bậc tiền nhân tổ nghiệp nén hương thơm. Cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa trời yên biển lặng đánh bắt được nhiều cá tôm.
Năm 1994 qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, UBND huyện Quỳnh Lưu đã tiến hành phục dựng lại các hoạt động truyền thống trong lễ hội Cầu ngư tại xã Sơn Hải cũng như các địa phương khác trên địa bàn huyện, mang đậm bản sắc vốn có. Từ đó đến nay lễ hội Cầu ngư đã trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa của người dân miền biển nơi đây. Năm sau lại được tổ chức linh đình hơn năm trước.
Trong tâm linh của người dân miền biển lễ hội Cầu ngư chiếm một vị thế vô cùng quan trọng. Bởi hơn ai hết họ hiểu được sự nguy hiểm luôn rình rập nơi biển cả mênh mông ngàn sóng dữ trong mỗi chuyến vươn khơi. Bởi thế trước khi vươn khơi, ngư phủ nào cũng cố gắng sắp xếp thời gian dâng nén hương thơm để cầu cho bản thân và gia đình được che chở.
Vừa qua, hàng vạn ngư dân miền biển tại các xã như Quỳnh Nghĩa, Sơn Hải, Tiến Thủy … lại tưng bừng tổ chức lễ hội Cầu ngư. Lễ hội gồm các phần như tế lễ vào đêm chính hội, rước kiệu bằng hai đường thủy bộ, chèo thờ, chèo giải và chương trình văn nghệ đặc sắc mang đậm bản sắc của người dân miền biển nơi đây.
Tại địa bàn xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, lễ hội Cầu ngư được tổ chức gồm các nghi lễ chính như Lễ nghinh thần, lễ cầu an...
Lễ hội Cầu ngư gồm có 2 phần chính: Phần lễ bao gồm lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ cầu ngư, lễ đại tế, lễ tạ tại các điểm rước kiệu qua như đình Trung, đền Thơi, Đài tưởng niệm, chùa Yên Thái. Phần hội bao gồm các hoạt động văn hóa văn nghệ, các trò chơi dân gian và hai đoàn rước kiệu.
Trong đó, một đoàn đi theo đường thủy gồm 7 thuyền lớn được trang trí lộng lẫy đi từ Đình Trung đến Đền Thơi, một đoàn rước theo đường bộ sẽ rước kiệu từ Đình Trung xuống Đền Thơi. Sau đó, hai đoàn sẽ tập trung làm lễ tại chùa Yên Thái và quay trở lại Đình Trung. Các đoàn khi tham gia sẽ mặc trang phục thể hiện đặc trưng riêng của đoàn mình.
Chị Nguyễn Thị Hải - một người dân tham gia lễ hội cầu ngư tại xã Sơn Hải chia sẻ: “Trước khi chồng có chuyến ra khơi đầu năm mới, tôi cố gắng sắp xếp thời gian tham gia lễ hội Cầu ngư để cầu mong những điều bình an nhất đến cho chồng chon trong mỗi chuyến vươn khơi. Có như thế tôi mới vững tâm hơn khi chồng con ra biển đánh bắt”.
Sau lễ cầu ngư những con thuyền đầu tiên của địa phương sẽ ra khơi đầu năm hi vọng gặp được may mắn, thu được thật nhiều lộc từ biển cả.
Nguyễn Tình