Nhiều gương mặt chiêm nghiệm hành trình trưởng thành trong “1987”

(Dân trí) - Chiều qua (11/11) tại Hà Nội đã diễn ra buổi ra mắt cuốn bút ký “1987” do nhà báo Nick M. làm chủ biên, với sự góp mặt của gần 30 tác giả sinh năm 1987.

Gần 300 trang sách quy tụ hơn 30 câu chuyện xảy ra tại Việt Nam qua góc nhìn của những nhân vật sinh năm 1987 - thế hệ cũng vừa bước sang tuổi 30 trong năm 2017 này.

Hơn 30 câu chuyện của cuốn sách “1987” được chia làm bốn phần, theo hai phong cách. Phần một bắt đầu từ năm 1987 là giai đoạn chuyển giao của thời bao cấp và thời kỳ đổi mới. Phần hai bắt đầu vào năm 2000, khi Internet công cộng du nhập và tràn ngập ở Việt Nam. Phần ba lấy mốc thời gian vào mùa thu năm 2005, khi thế hệ 1987 thi đại học và bắt đầu có những chiếc điện thoại di động đầu tiên của riêng mình. Phần bốn, cũng là phần cuối, kéo dài từ năm 2010 đến 2017, khi Facebook trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hàng ngày.


Vợ chồng Hoa hậu Ngô Phương Lan trong buổi ra mắt sách.

Vợ chồng Hoa hậu Ngô Phương Lan trong buổi ra mắt sách.

Tất cả đều được kể dưới dạng “ẩn danh”. Nhân vật chính trong từng câu chuyện luôn là một chàng trai hoặc cô gái sinh năm 1987, kể lại những biến đổi trong cuộc sống, xã hội dưới góc nhìn của họ và những suy nghĩ của từng cá nhân.

Phong cách chủ đạo của “1987” là những câu chuyện nhẹ nhàng, hài hước, qua góc nhìn của thế hệ 1987 nhưng gần gũi với nhiều thế hệ khác trải qua những năm tháng biến động của đất nước. Ở đây không có những câu chuyện bi đát về số phận, những câu chuyện khiến người đọc cảm thấy xót xa, nghiệt ngã… Các câu chuyện trong “1987” dù vui, buồn, hạnh phúc hay đau khổ cũng đều hướng đến sự lạc quan và thể hiện tư duy tận hưởng cuộc sống hiện đại của một thế hệ.

“1987” không đi sâu vào các ký ức quá khứ mà hướng nhiều về tương lai, sự thay đổi trong từng thời kỳ, đặc biệt là những tác động của công nghệ lên đời sống.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ về cuốn sách tại sự kiện.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ về cuốn sách tại sự kiện.

Nhìn lại cuộc sống ở tuổi 30, hoa hậu Ngô Phương Lan cho rằng “30 tuổi, tôi mới biết làm bạn thân với chính mình”. Nhạc sĩ, ca sĩ Lê Cát Trọng Lý tư duy về hành trình trưởng thành của mình là cả “sự chiến đấu với chính mình bên trong và môi trường bên ngoài để giữ gìn những giá trị cũ, song song với việc tiếp tục vươn lên trong hành trình hoàn thiện sự trưởng thành của một cá nhân thực sự rất gian nan”.

Nhà báo Đoàn Công Lê Huy - anh “Chánh Văn” của báo Hoa Học Trò một thời đã nhận xét: “Những người 1987 có một cuộc họp lớp “đại quy mô”, một hội nghị khoáng đại. Và đây, “1987” là kết quả hội nghị, là kỷ yếu hội nghị, một tập ‘kỷ yếu’ thú vị và hấp dẫn nhất tôi từng đọc”.

Các nhân vật trong cuốn sách 1987.
Các nhân vật trong cuốn sách "1987".

Nhìn vào sự giãi bày của các tác giả, những người lớn tuổi sẽ mỉm cười khi thấy họ không né tránh những sự thật gây sốc về khám phá giới tính đầu đời, xem phim “tươi mát” hay những nhận xét thẳng thắn về bố mẹ, thầy cô… Nhiều khi là những câu chuyện man mác buồn về tình yêu không thành của thời thanh xuân, cứ trôi đi tình cờ như tuổi trẻ…

MC Anh Tuấn đã viết: “1987 là thế hệ lớn lên khi giao thời, vẫn còn nhiều khó khăn nhưng lại nhiều trải nghiệm. Một thế hệ trải qua những gian khó của đất nước thời kỳ đổi mới, tiếp cận những chuyển biến của xã hội hiện đại để từ đó hiểu được giá trị thực của cuộc sống”.

Hà Tùng Long