Lắp ráp những mảnh vỡ sau chiến tranh

Một tác phẩm viết về thời hậu chiến của nhà văn Vĩnh Quyền và chủ đề được ông nói ngay từ đầu sách: “Sống sót trong chiến tranh là một chuyện, sống hạnh phúc thời hậu chiến là chuyện khác”.

Lắp ráp những mảnh vỡ sau chiến tranh


Một tác phẩm viết về thời hậu chiến của nhà văn Vĩnh Quyền và chủ đề được ông nói ngay từ đầu sách: “Sống sót trong chiến tranh là một chuyện, sống hạnh phúc thời hậu chiến là chuyện khác” (To survive the war is one thing / To live happily or not in the post-war time is another). “Debris of Debris” (Mảnh vỡ của mảnh vỡ) góp một tiếng nói mới trong văn học viết về chiến tranh và thời hậu chiến.

    Ngày 28.2.2014 tiểu thuyết “Debris of Debris” được NXB Austin Macauley (London) phát hành ở các nước nói tiếng Anh và trên amazon.com, amazon.co.uk, waterstones.com, blackwell.co.uk.

    Một lần bên sông Hương, nhà văn Vĩnh Quyền trò chuyện với bạn văn về tiểu thuyết “Debris of Debris”­­ của ông, lúc mà NXB Austin Macauley đang xúc tiến hợp đồng xuất bản tác phẩm này. Câu chuyện xung quanh những con người của xã hội miền Nam phải loay hoay, phải vật lộn, phải lột xác để trở thành những “con người mới” của một xã hội mới.

    Vĩnh Quyền cũng là một trong những con người đó. Nhưng ông đứng xa ra trong tâm thế của một nhà văn, trở thành một chủ thể để khám phá khách thể trí thức trong ông và những trí thức bạn bè của ông - những người không cảm tình với chế độ cũ, nhưng cũng không dễ gì “yêu” xã hội chủ nghĩa trong những năm đầu phải “sống chung”.

    Những người đó, từng bối rối với những ngày đầu sau chiến tranh, giờ đang ngồi uống rượu với ông bên sông Hương, dưới ánh trăng. Và đã mấy mươi mùa trăng rồi sau chiến tranh, tuồng như họ vẫn chưa hoàn thành việc lắp ráp các mảnh vỡ trong tâm hồn, trong tâm trí của mình để có được niềm hạnh phúc như con người hằng ước vọng.

    NXB Austin Macauley đưa ra nhận định trong lời bạt cho tác phẩm: “Mảnh vỡ của mảnh vỡ” là tiếng nói của trí thức trẻ miền Nam - những người cố đặt những bước chân đầu tiên trên một hành trình lâu dài và gian khó để hàn gắn tổn thương trong quá khứ và gây dựng một tương lai khác cho chính họ”.
    Đúng là một hành trình lâu dài và gian khó cho việc hàn gắn những vết nứt trong tâm hồn của một con người, nhất là trong thập niên đầu sau năm 1975. 

    Như Sơn, con của một đại tá quân đội Sài Gòn nên anh có một vỏ bọc rất tốt khi tham gia hoạt động nội thành. Nhưng sau giải phóng, gia đình anh vượt biên định cư sang Mỹ, anh không được tin dùng vì cái lý lịch “đen thui” đó. Như Kha, một giáo viên được lưu dung, nhưng phải chuyển đến vùng nông thôn hẻo lánh vì cái lý lịch con cháu dòng dõi “phong kiến thối nát”. 

    Như Phong - bạn học của Kha - con một viên chức chế độ cũ đến trường bằng xe Toyota đưa đón, trở thành phu xích lô chỉ sau một đổi thay thế cuộc. Như Yên, một cô giáo được phân công đi dạy ở một vùng xa Quảng Nam, lần tràng hạt bên gốc liễu vì sợ bị bắt gặp đọc kinh Chúa trong nhà trường. Còn Kha, chia sẻ với niềm tin tôn giáo của Yên, bị nhận hậu quả cùng với Yên “hoạt động tôn giáo trong nhà trường xã hội chủ nghĩa”, và sau đó là nhận giấy triệu tập làm việc với Bí thư Huyện ủy.

    Rất may, ông Bí thư không kỷ luật mà nói: “Tôi là một người cộng sản. Tôi tin người cộng sản chân chính thì không thù địch với tôn giáo, dù anh ta cho rằng tôn giáo là thuốc phiện của đám đông. Trong thực tế, ở thời Điểm lịch sử này, người cộng sản chúng tôi chưa đem lại hạnh phúc toàn diện cho mọi người như mục tiêu đặt ra. Và tôi nghĩ rằng đó là lý do cô giáo đang cần đến tôn giáo”.

    Tuy nhiên, lời nói rất hiểu biết của ông Bí thư cũng không đủ xoa dịu nỗi đau của một con người đang bị kỳ thị vì niềm tin tôn giáo, cho nên, cô Yên đã phải rời ngôi trường nhỏ bé để ra đi, tìm sự thanh thản cho riêng mình. Có một mảnh vỡ chưa hàn lại được.
    Lắp ráp những mảnh vỡ sau chiến tranh



    Nhà biên tập Zac Herman viết: “Đọc bản thảo “Debris of Debris”, tôi thấy câu chuyện không dành riêng cho Việt Nam, mà cho bất kỳ hoàn cảnh hậu chiến nào trên thế giới. Tiểu thuyết này hẳn sẽ thu hút bạn đọc Mỹ, nhất là những người từng trực tiếp tham chiến, hay những người muốn tìm hiểu sâu hơn về hậu quả lâu dài của cuộc chiến. Tôi cũng tin rằng, thông qua tác phẩm này, tuổi trẻ Việt Nam may mắn sống trong hòa bình có thể chia sẻ trải nghiệm bi tráng trong chiến tranh cũng như hai thập niên đầu thời hậu chiến của thế hệ cha anh, nhất là trí thức trẻ ở miền Nam. Đó là lý do tôi thấy hào hứng trong quá trình biên tập “Debris of Debris”.

    Trong bài nói chuyện tại Đại học Saint Benedict, Minnesota, Hoa Kỳ năm 2009, Vĩnh Quyền nói: “Nhà văn Canada David Bergen đọc “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh trước khi viết “The Time in Between”. Tôi cũng đọc lại Bảo Ninh khi viết “Debris of Debris”, bởi tôi muốn viết về mảng hiện thực chưa được viết trong “Nỗi buồn chiến tranh”, viết về những trí thức trẻ sinh ra, lớn lên ở đô thị miền Nam trong chiến tranh và ở lại sau biến cố lịch sử năm 1975. Đối tượng gồm hơn 30 triệu người ấy dường như vắng mặt trong văn học đương đại Việt Nam từ năm 1975 đến nay”.

    Nhưng tiểu thuyết “Debris of Debris” không dừng lại ở những điều đã nêu trên mà nhà văn còn dẫn dắt người đọc đến với những cảm xúc và suy tư khác. Cũng tại Đại học Saint Benedict, Vĩnh Quyền nói: “Tôi quyết định viết một tiểu thuyết bằng Anh ngữ, đó là “Debris of Debris”. Tuy nhiên, tôi phải giải đáp câu hỏi quan trọng: Tôi sẽ viết gì và viết như thế nào một khi tiểu thuyết ấy dành cho bạn đọc phương Tây, nhất là cho người Mỹ? Câu trả lời của tôi là hãy viết một cách chân thật về một chuyện gì đấy liên quan đến chiến tranh Việt Nam. Bởi trong thực tế dẫu hàng trăm cuốn tiểu thuyết về chiến tranh Việt Nam đã được xuất bản nhưng chúng vẫn chưa đủ cho những kẻ thù cũ trong thời chiến tranh hiểu biết và thông cảm nhau thật sự”. 

    Một thông điệp không mới nhưng chẳng bao giờ cũ mà nhà văn Vĩnh Quyền gửi gắm trong “Debris of Debris” qua nhân vật Thăng - một người làm công tác xuất bản - nói với Kha, là một nhà văn: “Mọi huân chương đều có hai mặt, chiến tranh cũng vậy, bên cạnh vinh quang là nỗi đau. Cậu viết một tập truyện về mặt trái của chiến tranh. Một cuốn sách như thế cần thiết cho văn học đương đại. Tuy nhiên, có vẻ hơi sớm với không khí lúc này, đúng không? Nhưng tôi tin một cái nhìn toàn diện về chiến tranh rồi sẽ được chấp nhận. Vậy tại sao chúng ta không làm thử từ bây giờ? Tôi sẽ in nếu cậu không chê nhà xuất bản của tôi”.

    Để rồi, nhà văn phải thốt lên: “Chúng ta nợ nhân dân, nợ bạn đọc một món nợ tinh thần: Làm những cuốn sách thật về chiến tranh. Tôi không nói rằng những cuốn sách được xuất bản cho đến nay, và đặc biệt trong thời chiến, là không thật. Nhưng tôi nói rằng chúng chỉ là một nửa sự thật. Không chỉ có các nhà chính trị đề ra chủ trương “Đặt nỗi đau cá nhân dưới lợi quyền đất nước”, mà bản thân các nhà văn cũng nhận thức trách nhiệm của mình như thế. Trong thời chiến, ở miền Bắc, nhà văn là chiến sĩ, và sách là vũ khí. Mọi nỗ lực đều nhằm đến mục đích chiến thắng cuối cùng. Vì vậy, có thể chúng ta có hàng ngàn cuốn sách, nhưng trong số ấy chẳng có mấy đầu sách là thuần túy văn chương. Còn bây giờ, chúng ta đã chiến thắng kẻ thù xâm lược và chúng ta đã sống trong hòa bình hàng chục năm. Cho nên, theo tôi, sắp đến, chẳng có lý do gì các nhà văn có quyền làm ra những cuốn sách nửa mùa cả”.

    Debris of Debris
    Ấn bản Đại học Saint Benedict, Minnesota, Hoa Kỳ - 2009.
    Xuất bản lần thứ nhất NXB Austin Macauley, London, Anh - 2014.

    Vĩnh Quyền

    Sinh năm 1951 tại Huế, tốt nghiệp Đại học Văn khoa, Đại học Sư phạm năm 1974 và khóa báo chí Thomson Foundation (Anh) năm 1994.Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1990.Đã xuất bản trên 10 tác phẩm văn học, trong đó tiểu thuyết “Debris of Debris – Mảnh vỡ của mảnh vỡ” viết bằng Anh ngữ.











    Theo Lê Thanh Phong