Lặng lẽ níu giữ hồn Tết Huế qua tục đánh bài chòi-bài tới

(Dân trí) - Nhắc đến những trò chơi dân gian ngày Tết, chúng ta không thể bỏ qua tập tục đánh bài chòi – bài tới. Tuy nhiên, trải qua bao thăng trầm của thời gian, nghề làm bài tới có nguy cơ thất truyền nếu không có bàn tay của nghệ nhân tâm huyết níu giữ.

50 năm gắn bó với con bài tới

Chúng tôi đến nhà bà Ngô Thị Nguyệt tại làng Địa Linh (xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) vào cái không khí hối hả của ngày giáp Tết, cũng là lúc bà đang hoàn thành nốt những lá bài cuối cùng để kịp giao cho đầu mối ở chợ Đông Ba.

Được gia đình truyền nghề cho từ năm 14 tuổi, cho đến nay đã gần 50 năm bà Nguyệt gắn bó với những quân bài mang nét đẹp dân gian này. Quan sát bàn tay tài hoa thoăn thoắt từ việc dán giấy, in mộc bản cho đến cắt rời từng quân bài khiến chúng tôi không dễ dàng nhận ra cái tuổi đã ngoài lục tuần của bà.

Để làm được một quân bài tới phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau, ban đầu những bản giấy in (chứa được 15 con bài) được cắt nhỏ cho khớp với mộc bản, dùng mực xạ đổ vào mộc bản rồi tra giấy vào khuôn. Sau một phút thì mang giấy ra phơi khô để hình in được hiện lên rõ nét. Mặt sau của quân bài được dán giấy họa tiết đỏ để trang trí.

Bà Ngô Thị Nguyệt những ngày cận Tết đang cần mẫn cắt từng quân bài sau khi bài đã đem đi phơi khô

Bà Ngô Thị Nguyệt những ngày cận Tết đang cần mẫn cắt từng quân bài sau khi bài đã đem đi phơi khô

Cách làm thủ công này có năng suất không cao, tốn nhiều công sức, do đó mà bà Nguyệt đã mày mò cải thiện phương pháp mới. Thay vì in trên mộc bản, bà Nguyệt cho in trên phim dựa trên những ký tự có sẵn trên bản gỗ, chỉ cần đặt giấy lên bản phim rồi quẹt mực vào là có ngay một quân bài. Nhờ có cách làm mới, nên mỗi ngày bà Nguyệt có thể làm được 100 bộ (mỗi bộ bài tới có 60 con).

Trước đây, làng Địa Linh, xã Hương Vinh rất nổi tiếng với nghề làm bài tới, nhưng thời gian qua đi, nhà nhà lần lượt bỏ nghề vì không thu được lợi nhuận. “Mỗi bộ bài tới chỉ có giá 3 nghìn đồng mà đòi hỏi rất nhiều công sức nên không ai muốn giữ nghề nữa!” – bà Nguyệt tâm sự.

Mộc bản xưa dùng để in quân bài tới ở nhà bà Nguyệt

Mộc bản xưa dùng để in quân bài tới ở nhà bà Nguyệt

“Ước chi ai cũng biết đánh bài tới”      

Thấy chúng tôi ngây ngô hỏi nhau những hình thù kì lạ được in trên quân bài cũng như cách chơi, bà Nguyệt mỉm cười hiền hậu: “Giới trẻ các cháu giờ đây có quá ít cơ hội để tiếp xúc với văn hóa dân gian nên không biết đến bài tới cũng là điều dễ hiểu”.

Tập tục đánh bài chòi (sử dụng quân bài tới) trong Tết xưa quê Việt là một trong những hoạt động văn hóa cộng đồng đầy giá trị mà không mang nặng tính đỏ đen, cờ bạc. Thông qua trò chơi bài chòi, bà con được nghe những câu hát ý nghĩa về quê hương, đất nước được lưu truyền trong dân gian. Bên cạnh đó là được gặp gỡ, giao lưu với nhau giữa những người trong đội chơi, có những phần thưởng may mắn để mang đến niềm vui ngày đầu xuân.

Mộc bản xưa dùng để in quân bài tới ở nhà bà Nguyệt

Hội đánh bài tới ngồi trong những chòi tranh ở cầu ngói Thanh Toàn (Huế) ngày đầu xuân - nên dân gian hay gọi kiểu chơi bài tới này là bài chòi (ảnh: Hoàng Diệu)

Giờ đây, chỉ khi có Festival Huế tôn vinh những giá trị xưa cũ, hay Tết Việt ở những làng quê xa thì bài chòi lại có cơ hội tái xuất. Những ngày khác trong năm, ít ai quan tâm và chơi loại bài này. “Ước chi ai cũng biết đánh bài tới để nghề này không bị thất truyền” – bà Nguyệt trăn trở.

Được biết gia đình bà Nguyệt trải qua 3 đời đều gắn với nghề làm bài tới, cho đến nay các con của bà đều đã được bà truyền nghề. Tuy nhiên vì không có được lợi nhuận nhiều nên những người con đều có những công việc riêng có thu nhập ổn định hơn, chỉ làm bài tới lúc rảnh rang nên rất khó có thể gắn bó với nghề gia truyền.

Một bộ bài tới được gia công hoàn chỉnh

Một bộ bài tới được gia công hoàn chỉnh

Anh Tịnh, con trai bà Nguyệt cho biết : “Ba anh em tôi sẽ cố gắng theo nghề gia truyền của gia đình, có khó cũng cố. Đời mẹ tôi đã là đời thứ ba, chúng tôi sẽ cố gắng để có thêm đời thứ tư, đời thứ năm sau này”.

Trong thời gian tới, gia đình sẽ cải thiện chất lượng quân bài qua việc thay đổi chất liệu in ấn bằng giấy lụa để đảm bảo tính thẩm mỹ cao. Mong rằng, tập tục đánh bài chòi hay nghề làm bài tới sẽ được lưu giữ và phổ biến hơn để đáp lại những cố gắng và nỗ lực của gia đình nghệ nhân này.

Những hình thù lạ mắt nhưng đầy hồn xưa trong dịp tết khi ta chơi bài tới

Những hình thù lạ mắt nhưng đầy hồn xưa trong dịp tết khi ta chơi bài tới
Những hình thù lạ mắt nhưng đầy hồn xưa trong dịp tết khi ta chơi bài tới

Quá ít nhà tại Huế làm bài tới gợi nhớ Tết xưa như ở nhà bà Nguyệt làng Địa Linh. Dù đã có rất nhiều thú vui với tết nay, nhưng nét cổ truyền của cha ông phải cần được lưu giữ mãi để thế hệ trẻ không bị mất gốc


Thành Nhân – Đại Dương