Lãng du cùng Văn Cao

(Dân trí) - Xuân Quý Tỵ 2013, bậc tài danh Văn Cao tròn 90 tuổi. Kỷ niệm văn nghệ của ông trong các lĩnh vực thơ, nhạc, họa rất nhiều và rất đa dạng. Xin trân trọng giới thiệu một mảnh nhỏ trong đó.

Từ sau chiều sơ ngộ cuối năm Nhâm Tuất 1982, tôi hân hạnh được Văn Cao coi như một người bạn vong niên. Cuối 1983, sau lễ kỷ niệm Văn Cao tròn 60 tuổi, tôi và ông bắt đầu bàn định cùng nhau những chuyến lãng du. Lẽ ra, ông không bị ốm, đã có chuyến lãng du đầu tiên cùng nhau về nhà máy toa xe Hải Phòng. Lần ấy, tuy ông không về, nhưng đọc bài ký “Đêm nhà máy toa xe” của tôi, ông vẫn viết tặng cho nhà máy một hành khúc rất hay mang tên “Hành khúc công nhân toa xe”. Bản hành khúc với chữ viết tay và nốt nhạc viết tay của ông hiện giờ đã được phòng truyền thống Nhà máy lưu giữ:

Một vùng trời vang sóng vỗ biển Đông

Một vùng trời luôn chói sáng thành sao


Một vùng trời luôn chói sáng thành sao

Vùng rộn ràng trong tiếng búa nhà máy

Vùng rộn ràng vang tiếng hát năm nào

Đàn hải âu đang bay về bến

Đón đưa tầu đi

Những con tầu khơi xa mưa nắng

Và nhà máy toa xe ngày tháng

Đón tầu ra

Những toa tầu đi khắp miền xa...

Mùa thu 1984, tôi cùng Văn Cao và một nhóm nhạc sĩ chính thức có một cuộc lãng du đầu tiên bên nhau trở lại trung du. Ngày ấy, đã sang thu nhưng trời còn rất nắng. Nắng hun hút đường nhựa và đồi sỏi. Không gian ngùn ngụt như sắp cháy. Chiếc xe ca chầm chậm trườn qua những con đường ngoằn ngoèo đèo dốc trung du vất vả và khó nhọc như cuộc sống. Văn Cao vẫn thỉnh thoảng nhấp một tợp rượu, chòm râu cước ướt đẫm mồ hôi, nhưng nụ cười vẫn tươi tắn. Ông vui. Lên trung du, ông có niềm vui của người trở về sau 30 năm xa cách. Ơi trung du một thời gắn bó. 

Nắng và nụ cười. Không mấy chốc chiếc xe ca đã chạy vào hoàng hôn núi Thắm. Ở cửa Nhà máy Thông tin quốc phòng M1 (tiền thân của Tổng công ty Viettel hôm nay), anh hùng Đặng Đức Long đã tươi cười chào đón Tác giả Quốc ca Việt Nam và nhóm nhạc sĩ đi thực tế sáng tác. Một đêm ca hát và rượu nồng. Văn Cao kể rằng trước đây, khi gia đình ông ở đó thì vợ ông sinh cậu con trai đầu lòng. 

Vì ở bên sông Thao nên ông đặt tên cậu là Văn Thao. Khi ấy, ông đã viết bản Serenade Mùa xuân chào đón cậu con trai. Nhưng ông không còn giữ được bản thảo (tác phẩm này ít năm sau, tôi đã được nghe nhà văn Châu Diên hát rất hay. Ông còn ký âm lại để đưa cho tôi. Khi làm tuyển tập “1.000 ca khúc Thăng Long – Hà Nội” năm 2011, tôi đã đưa Serenade Mùa xuân vào phần hùng ca).

Ở núi Thắm, giây phút gặp gỡ những con người của làng thợ đã gây xúc động trong từng con người giữa buổi sớm mùa thu còn thoáng lạnh hơi sương. Rồi cũng đến lúc chia tay. Những ngọn đồi trung du lùi lại đằng sau. Ở Việt Trì, vào thăm Hội Văn nghệ Phú Thọ, Văn Cao gặp lại Bút Tre. Nguyễn Trọng Tạo kê riêng ra hai cái ghế mời hai ông ngồi bên nhau và cười nói đùa: “Mời hai nhà thơ mô-đéc nhất thế kỷ ngồi cạnh nhau để hậu sinh ngắm nghía cho thỏa lòng mong ước”. Không ngờ đấy là lần cuối cùng ông gặp lại Bút Tre. Cuộc gặp gỡ đã khiến trong Văn Cao bừng lên một cảm xúc trẻ trung. Về Hà Nội, Văn Cao đã viết “Tình ca trung du”:

Thu trên trung du đồi xanh lên cọ non

Chè xanh trên đồi xanh

Miền quê núi Thắm ở cuối sông

Một cánh tay sông Hồng

Một cánh tay sông Lô

Hai cánh tay như ôm trung du...

Bài tình ca đã được thu thanh tại Đài Tiếng nói Việt Nam qua giọng hát Hữu Nội và phần đệm piano của Đặng Hữu Phúc – một nhạc sĩ người Phú Thọ.

Cuối xuân 1985, Văn Cao cùng tôi và Nguyễn Trọng Tạo vào Nghĩa Bình theo lời mời của tỉnh. Trở lại Quảng Ngãi tức là đi trong những cái tên Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ … những địa danh gợi ân đức, tình nghĩa đến nao lòng. Mùa xuân năm 1946, Văn Cao đã cùng Hà Đăng Ấn áp tải vũ khí và tiền đi tầu lửa vào Quảng Ngãi cho tiền phương Bộ chỉ huy Nam Bộ kháng chiến. 

Ở đó, ông đã gặp nữ chỉ huy du kích Nguyễn Thị Định vừa xinh đẹp, vừa oai phong. Hình ảnh ấy đã thoáng trong Văn Cao một chút cảm động. Còn bây giờ, ông đã ngoài lục tuần. Vừa uống rượu, mắt Văn Cao vừa long lanh xa vời. Đêm, sau cuộc nhậu, Văn Cao một mình lang thang trên đường phố Quảng Ngãi. Ông cố tìm ra những dấu vết thân thuộc của mùa xuân xa xưa. Nhưng thị xã đã đổi khác nhiều. Chỉ còn lại giữa Quảng Ngãi hôm nay, một Quảng Ngãi quá vãng trong trí nhớ.

Ở Quy Nhơn, Văn Cao lại mê đắm trong một cảm giác khác. Đến vui ở nhà Thanh Thảo, Văn Cao thấy tràn ngập một cảm giác chuếnh choáng khi Thanh Thảo khẽ cắm bông hoa hồng bạch vào một bình rượu cổ. Cành hoa tưởng chừng bị lụi đi, lại đột ngột nở trắng chào đón khách. Văn Cao chợt hứng khởi. Ông ôm đứng cây guitare khẽ búng một hợp âm như ngày nào tìm hợp âm cho đoạn chuyển giọng trong “Trường ca sông Lô”: “Về trong đêm gió rét …” khoảnh khắc ấy đã lọt ống kính một nhà nhiếp ảnh tài tử. Bức ảnh đã được in vào bìa bốn tập thơ – nhạc “Thiên thai” do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 1988.

Ở Quy Nhơn vào một buổi chiều, tại căn nhà mái tôn đầu thị trấn An Nhơn, nơi vút lên Thành Đồ Bàn xa cũ, Văn Cao đã gặp lại Yến Lan sau bao năm cách vắng. Có thể nói là từ sau khi viết lời tựa cho tập thơ “Những ngọn đèn” của Yến Lan và sau thời kỳ “Nhân văn – Giai phẩm”, hầu như Văn Cao đã không gặp lại Yến Lan nữa. Ngồi bên bức sơn dầu của Quang Dũng, hai người bạn thơ hàn huyên không ngớt. 

Sau thống nhất đất nước, Yến Lan đã rời căn nhà Hàng Quạt – Hà Nội về quê, nơi ông viết “Bến Uy Lăng”, nơi sinh ra “Nhóm thơ Bình Đình” với “Trường thơ Loạn” đầy ý tưởng cách tân. Chiều trở về Quy Nhơn, khi men theo con đường có nhiều Tháp Chàm đứng “chắc chắn, lẻ loi và bí mật” trên những ngọn đồi, Văn Cao đã đọc vang: “Từ trời xanh – rơi vài giọt Tháp Chàm …”. Và bộ ba “Quy Nhơn 1, 2, 3” đã được hoàn thiện, sau đó giới thiệu trên báo Văn Nghệ năm 1985, mở ra một thời kỳ “phục sinh” của thơ Văn Cao sau bao năm vắng bóng văn đàn, cũng như “Tình ca trung du” sau bao năm vắng bóng trong âm nhạc.

Văn Cao đến Gò Bồi và ngồi bên sông vào một buổi sáng chìm lắng. Đây là vùng nước mắm nổi tiếng và là quê mẹ Xuân Diệu “Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong”. Nhìn con đường nhỏ, đi men bên bờ sông, Văn Cao nói thầm với tôi rằng thấy tồi tội cho Xuân Diệu. Đúng là đất này đã sinh ra Xuân Diệu và Xuân Diệu có đầy đủ tư chất của vùng Gò Bồi với bánh xèo và rượu quê, với nước mắm và sông Gò Bồi chảy lờ lững. Chính Xuân Diệu là người giới thiệu bài thơ “Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc” của Văn Cao trên tạp chí “Tiên Phong” năm 1946. 

Và cũng chính Xuân Diệu đã phải phê phán Văn Cao dữ dội thời “Nhân văn – Giai phẩm”. Ông đã đến đây, đã nhìn thấy quê mẹ Xuân Diệu. Phải độ lượng thôi. Văn Cao đã viết trong “Quy Nhơn 2”: “Những nhà thơ tôi đọc – Bích Khê, Yến Lan, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử...” Văn Cao đâu có ngờ vào cuối 1985, ông lại ngồi sau chiếc xe đạp cà tàng của tôi đến 51 Trần Hưng Đạo – Hà Nội, đứng trước linh cữu Xuân Diệu. Họ đã không nói được thêm điều gì với nhau từ hồi ấy. Nhưng đã biết lượng thứ cho nhau, qua thời gian.

Đi với Văn Cao, chúng tôi học ở ông những nhận định rất thú vị. Uống rượu Bầu Đá – Bình Định, ông nói lững thững: “Rượu làng Vân mỏng. Rượu Bầu Đá dày”. Chúng tôi viết ra những ca khúc, ông xem cẩn thận và góp ý. Nhờ vậy, tôi đã khẳng định được ca khúc “Quy Nhơn – thành phố thơ ca” như một “Quy Nhơn ca” từ đó đến nay. Ca khúc “Trong mắt má yêu thương” (thơ Thanh Thảo) thì được đưa vào phim “Người Mộ Đức” làm về Chủ tịch Phạm Văn Đồng, qua giọng hát Thanh Vinh.

Rời Bình Định, Văn Cao và tôi vào Nha Trang. Đêm bên biển Nha Trang thật đẹp và huyền ảo. Văn Cao chẹp miệng: “Đầy ấn tượng nhớ máu của Trần Mai Ninh. Đọc ông ta, Hữu Loan và Trần Huyền Trân, mình mới có Hà Nội – mùa đông 1946”. Nhấp một ly, Văn Cao đọc to: “Người đi dọc biển – không để lại dấu chân”. Từ Nha Trang, chúng tôi vào thẳng Sài Gòn. 

Sài Gòn đang chuẩn bị cờ hoa đón mừng 10 năm giải phóng. Văn Cao ở nhà cô em gái út làm ở Đoàn Ca múa Bông Sen. Những ngày Sài Gòn cũng đầy ám ảnh. Khi thì ngồi cùng Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, khi thì chúng tôi ngồi cùng Xuân Hồng, Phạm Trọng Cầu, nhưng nhớ nhất là chiều chúng tôi đến nhà Lê Thương ở 51 Bùi Viện. Người thầy của nhóm “Hippi tiền chiến” khi xưa đón người em Văn Cao vừa bình dị, vừa cảm động. Chiều đó, chị Tâm Vấn đã hát “Thiên thai” và “Hòn Vọng Phu 2” thật mộng mị, thật liêu trai.

Cuộc xuyên Việt cùng Văn Cao còn được nối dài tới Cần Thơ. Khi ấy, đường về Cần Thơ phải qua hai con phà rộng mà ở miền Nam thường gọi là Bắc Mỹ Thuận và Bắc Cần Thơ. Vậy mà Văn Cao vẫn không mệt, vẫn rất cao hứng. Ở Cần Thơ, Văn Cao gặp lại nhạc trưởng Lê Đóa, người đã từng chỉ huy dàn Kèn lính chơi rất có lửa những chuyển soạn từ ca khúc Văn Cao như “Tiến quân ca”, “Chiến sĩ Việt Nam”, “Công nhân Việt Nam”... Họ ngồi Tây Đô mà nhắc lại những kỷ niệm Thủ đô.

Sau cuộc xuyên Việt năm 1985, tôi còn nhiều lần cùng Văn Cao về Hải Phòng quê hương. Khi thì về Hội trường Bonnal (nay là Ngô Quyền), khi thì là về cùng nhóm làm “Đêm nhạc Văn Cao” của nghệ sĩ Quý Dương. Lần cuối cùng là cuối 1994. Lần đó, cũng là lần đầu tiên lãnh đạo thành phố Hải Phòng mời Văn Cao về như một thượng khách. Để có được lời mời về đúng nơi chôn rau, cắt rốn của mình ở Nhà máy Nước Hải Phòng, Văn Cao đã phải chờ đợi đến 71 năm ròng. 

Không ngờ đó là lần cuối cùng Văn Cao về Hải Phòng. Sáng 10.7.1995, Văn Cao đã “tạ mùa đi” về cõi Thiên thai ở tuổi 72. Ông ra đi để lại một chuyến đi vào Tây Nguyên với bao dự định chưa thực hiện được. Văn Cao thường nói: “Mình đã đi được Tây Bắc sau ngày Nhân văn – Giai phẩm. Mình rất muốn đi Tây Nguyên sau ngày bạn bè được phục hồi, để có thể có đôi câu về Tây Nguyên gửi lại đời sau. Vậy mà cứ định đi là ốm”. Âu cũng là một điều chưa toàn vẹn trong toàn vẹn đời ông.

Phương An

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm