Lan Phương bức xúc lên tiếng vì bị dùng hình ảnh trái phép
(Dân trí) - Bị kẻ xấu sử dụng hình ảnh cả gia đình mình để bán hàng, nữ diễn viên phim "Gia đình mình vui bất thình lình" nói: "Họ dùng những lời lẽ rất vô văn hóa...".
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, diễn viên Lan Phương cho hay, chị rất bức xúc khi một người lạ dùng hình ảnh của chị và chồng con để quảng cáo cho một hãng sữa tắm mà chị không biết.
"Tôi không quen biết, không đồng ý mà phía người bán ngang nhiên dùng hình ảnh của cả nhà tôi gồm tôi, ông xã và con gái để bán hàng, như vậy là không được. Hơn nữa khi rao bán sản phẩm, họ dùng những lời lẽ rất vô văn hóa để câu like (lượt yêu thích trên Facebook).
Tôi đã bình luận dưới bài đăng, yêu cầu gỡ bỏ hình ảnh nhưng họ trả lời: "Em không phải là người bán" và chưa gỡ hình ảnh của gia đình tôi. Hiện tôi đã nhờ luật sư làm việc về vấn đề này", Lan Phương bức xúc nói.
Trước đó, Lan Phương đã có bài đăng trên mạng xã hội. Cụ thể, diễn viên sinh năm 1983 bày tỏ sự bức xúc khi bị kẻ xấu lợi dụng hình ảnh, danh tiếng của bản thân và gia đình để quảng cáo bán hàng. "Hãy gỡ bỏ ngay hình ảnh của tôi", cô bày tỏ rõ thái độ.
Ngoài ra, Lan Phương còn lên tiếng cảnh báo tới khán giả và bày tỏ mong muốn người hâm mộ sẽ báo cáo trang cá nhân có hành động xấu này.
Không chỉ có Lan Phương mà thời gian qua, nhiều nghệ sĩ như NSND Lan Hương, ca sĩ Mỹ Linh, Quyền Linh, MC Lại Văn Sâm, MC Thảo Vân, diễn viên Bảo Thanh... đều bị một "vố đau" khi tự nhiên thấy mình đang cầm sản phẩm quảng cáo mà nhãn hàng không xin phép.
NSND Lan Hương cho biết, chị đã không dưới 2 lần lên mạng xã hội nói về việc mình bị một số nhãn hàng lợi dụng hình ảnh để quảng cáo. Các nhãn hàng ngang nhiên cắt ghép hình ảnh của chị với những sản phẩm không rõ nguồn gốc.
"Có hôm đang ngồi ở nhà, một người bạn của tôi có gọi điện nói, là dùng vitamin này tốt không, thấy Lan Hương quảng cáo cho họ đây này. Tôi mới bị người ta dùng hình ảnh của mình trái phép. Sau khi đóng phim Sống chung với mẹ chồng, họ còn dùng hình ảnh bà mẹ chồng trong phim quảng cáo cho các sản phẩm như: Nấm linh xanh, mỹ phẩm, quần áo…
Tôi biết được và rất bức xúc vì chuyện này. Tôi cũng định làm to chuyện nhưng ngay khi viết trên trang cá nhân thì có đơn vị gỡ bỏ, có đơn vị gọi điện đến xin lỗi. Vậy là cũng được rồi. Thật ra, họ cứ sử dụng bừa bãi hình ảnh của nghệ sĩ như vậy, khách hàng sẽ mất niềm tin, họ mất nhiều chứ không được gì cả", chị cho hay.
Diễn viên Bảo Thanh cũng từng bức xúc muốn kiện một số nhãn hàng khi sử dụng hình ảnh của mình không xin phép: "Họ ngang nhiên lấy hình ảnh cá nhân của tôi đi quảng cáo sản phẩm. Tôi có lên trang cá nhân phản ứng, nhưng họ đã điện thoại đến xin lỗi, xin bỏ qua vì... nhân viên không biết nên vô tư lấy hình ảnh.
Bản thân Bảo Thanh khi quảng cáo cho nhãn hàng phải có nhiều điều khoản cụ thể. Vì thế khi bị nơi khác lấy hình ảnh thì rất khó chịu, nếu họ không gỡ hình ảnh, tôi sẽ làm đến cùng".
Sử dụng hình ảnh không xin phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Luật pháp của Việt Nam có những quy định cụ thể về việc dùng hình ảnh không xin phép. Tùy thuộc vào tính chất và mức độ hành vi vi phạm, cũng như hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính, hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử phạt hành chính: Theo quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 51, Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, thì hành vi Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Đối với cùng một hành vi vi phạm, mức phạt tiền của tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Biện pháp khắc phục hậu quả là Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.
Ngoài ra, pháp luật cũng quy định đối với việc quảng cáo của thương nhân. Nếu hành vi có dấu hiệu quảng cáo gian dối về hàng hóa dịch vụ, hình ảnh quảng cáo không đúng với thực tế và chất lượng sản phẩm, dịch vụ, thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách hình sự về Tội quảng cáo gian dối quy định tại Điều 197, Bộ luật hình sự.
Hoặc theo điều 32, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải được sự đồng ý của người đó và phải trả thù lao cho hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Sử dụng hình ảnh của người khác sai quy định thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.