Lần đầu tiên tái hiện “Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa” tại Hà Nội
(Dân trí) - Sáng 29/6, lần đầu tiên “Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa” của ngư dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi được tái hiện tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, Làng Văn hóa - Du lịch các Dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Hà Nội).
Theo dòng lịch sử, cách đây gần 400 năm trước, nhiều người con xứ Quảng đã vượt sóng gió ra Hoàng Sa khai thác hải vật, làm nên những cột mốc lịch sử, dựng bia chủ quyền lãnh thổ. Nhiều người trong số họ đã không trở về và Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là hoạt động nhằm tri ân những hùng binh Hoàng Sa đã hy sinh thủa ấy.
Đồng thời, qua đó, nhắc nhở những người đang sống hôm nay, nhất là thế hệ trẻ về tinh thần bất khuất, không sợ hiểm nguy, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc và tinh thần đó, càng trở nên đặc biệt, ý nghĩa.
Sân khấu tái hiện "Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa” của ngư dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa lần đầu tiên được tái hiện tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng các dân tộc Việt Nam bao gồm: phần lễ có hát múa bá trạo hầu thần, tái hiện lễ chánh tế khao lề thế lính; thần, tái hiện lễ chánh tế khao lề thế lính với ý nghĩa cầu bình an cho các binh phu Hoàng Sa; Cuối cùng là phần hội chơi bài – một trò chơi nghệ thuật dân gian ra đời từ rất lâu ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.
Ngày nay, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại huyện đảo Lý Sơn đã trở thành ngày hội lớn không chỉ ở Quảng Ngãi mà còn là ngày hội của những người dân miền ven biển cả nước. Đây cũng là dịp thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân các thế hệ cha ông ngày trước đã không tiếc máu xương để bảo vệ biển, đảo của quê hương.
Phần lễ lam thủ tũ
Phần lễ hát múa bá trạo hầu thần
Lễ cúng bái cho những người hy sinh tại Hoàng Sa
Nghi thức rước linh vị ra hồ để làm lễ thả thuyền và hình nhân thế mạng
Lễ thả thuyền và hình nhân thế mạng với ý nghĩa cầu bình an cho các binh phu Hoàng Sa
Nhữ Trang