1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Lần đầu tiên phát hiện dấu vết lầu bát giác thời Trần ở Nam Định

(Dân trí) - Từ ngày 30/3 đến ngày 30/6, Sở VH,TT&DL tỉnh Nam Định đã phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật tại Khu vườn Ươm và cánh đồng Nội Cung thuộc Khu di tích Đền Trần - Chùa Phổ Minh, phường Lộc Vượng, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định trên diện tích 405m2.

Đợt khai quật này đã tiến hành mở 5 hố với diện tích 405 m2, trong đó có 4 hố khai quật chính và 1 hố thám sát. Các hố khai quật được hoạch định ở góc phía Đông Nam của cánh đồng Nội Cung, nơi có mặt bằng cao hơn.

Hố TS ở vị trí có mặt bằng thấp hơn, nằm gần với bờ mương ngăn cách cánh đồng Nội Cung và khu Vườn Ươm, diện tích 5m2 (Bắc Nam 5m x Đông Tây 1m), cách hố 1 là 8,2 m, hướng dịch về phía Tây Nam, nhằm kiểm tra địa tầng khu vực phía Tây Nam. Trừ hố 1, nằm so le với các hố H2 và cách hố này 2m về phía Nam, thì các hố H2, H3, H4 tạo thành hình chữ L.

PGS.TS Nguyễn Giang Hải - Viện trưởng Viện Khảo cổ học và các chuyên gia tại địa điểm khai quật khảo cổ. Ảnh: VKC.
PGS.TS Nguyễn Giang Hải - Viện trưởng Viện Khảo cổ học và các chuyên gia tại địa điểm khai quật khảo cổ. Ảnh: VKC.

Kết quả khai quật cho thấy, địa tầng ở khu vực các hố được khai quật tương đối giống nhau. Tuy nhiên, để quan sát được địa tầng ở từng hố lại không giống nhau. Hố 1 không có di tích nên có thể nhìn thấy địa tầng rõ ràng nhất. Các hố còn lại, muốn quan sát được địa tầng đầy đủ phải qua các hố kiểm tra nhỏ (cũng là hố thoát nước) nằm ở các góc của hố khai quật

Các dấu tích kiến trúc được phát hiện qua các hố khai quật gồm có trụ móng của kiến trúc nhà cửa, lầu các và các cống thoát nước, cùng khá nhiều đống vật liệu kiến trúc vỡ nát. Các kiến trúc rất phức tạp, đan xen cắt xén và chồng lên nhau. Các kiến trúc đều thuộc thời Trần, nhưng được làm ở những thời gian khác nhau. Ít nhất là có 4 giai đoạn xây dựng.

Hiện vật thu được khá nhiều trong đó chiếm số lượng lớn nhất là những mảnh sành vỡ nhỏ, nhiều khả năng là từ các trụ móng kiến trúc.

Qua kết quả khai quật, có thể kết luận, đây là lần đầu tiên, khu vực phía Đông Nam của Nội Cung được khai quật, trùng hướng với cung Trùng Quang và Trùng Hoa.

Với việc phát hiện ra 2 dấu vết lầu bát giác đã phần nào phản ánh tính chất của nơi này, đó là nơi nghỉ dưỡng, thư giãn của các vua Trần, mà trước đây chúng ta mới chỉ biết đến khu vực phía Tây của cung Trùng Hoa.

Lần đầu tiên, dấu vết của lầu bát giác thời Trần đã được phát hiện, đặc biệt lại nằm trên đất Nam Định. Bố cục kiến trúc của nó là tư liệu tốt để so sánh với lầu bát giác thời Lý đã phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long. Các lầu thời Lý thường là lầu đơn. Lầu thời Trần ở khu vực Nội Cung lại là lầu đôi, đó cũng là đặc trưng của văn hóa Trần ở Nam Định.

Toàn cảnh buổi báo cáo kết quả khai quật khảo cổ tại cánh đồng Nội Cung, Nam Định. Ảnh: VKC.
Toàn cảnh buổi báo cáo kết quả khai quật khảo cổ tại cánh đồng Nội Cung, Nam Định. Ảnh: VKC.

Các kiến trúc ở khu vực Nội Cung, qua vật liệu, đều thấy được khởi dựng khá sớm, có thể từ khoảng giữa thế kỷ 13. Các giai đoạn kiến trúc cũng cho thấy nơi đây có nhiều lần xây dựng và dấu vết cuối cùng của các kiến trúc là vào thế kỷ 14. Nhưng dù sao, đợt khai quật này cũng có ý nghĩa to lớn trong việc tìm hiểu văn hóa Trần bởi lẽ hiện vật tại đây hầu như chỉ thuộc thời Trần.

Các dấu vết kiến trúc ở đây đã góp phần xác định được vị trí, bố cục, cấu trúc và chức năng của các di tích thời Trần ở đây.

Được biết, trước đây đã từng tìm thấy các di tích thời Trần như: Cửa Triều, đền thờ, hành cung, cung điện, vườn hoa, chùa tháp, sông ngòi, nay được biết thêm một khu thưởng ngoạn nữa của các vua Trần. Trong tương lai, nếu mở rộng khu vực này, có thể sẽ khám phá thêm nhiều điều mới mẻ về vương triều Trần.

Qua các hố kiểm tra, đặc biệt là hố khai quật 1, địa tầng ở Nội Cung trước lúc khởi dựng các kiến trúc là vùng sét bùn khá trũng, nhà Trần đã huy động nguồn lực khá lớn để san lấp nơi đây, có chỗ sâu hơn 1m. Đó là một nỗ lực và sự ưu ái khá lớn dành cho quê hương mình. Do xây dựng trên nền đất yếu nên các vật liệu kiến trúc ở đây có kích thước nhỏ, mỏng, chủ yếu là ngói, gạch được sử dụng rất ít.

Hà Tùng Long