Lần đầu khai quật khu vực chân móng tường thành bằng đá độc nhất vô nhị
(Dân trí) - Tại Thành nhà Hồ sau khi hạ giải tường thành và chân móng vị trí sạt lở, đã xuất lộ 2 đoạn móng kết cấu khác nhau. Theo cơ quan chức năng cần khai quật để hiểu thêm về kỹ thuật xây tường thành…
Ông Đầu Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký quyết định phê duyệt kế hoạch khai quật khảo cổ khu vực chân móng sau hạ giải tường thành đá Di sản văn hóa Thế giới Thành nhà Hồ.
Để có cơ sở triển khai thực hiện dự án ở giai đoạn tiếp theo, cần thiết phải tiến hành khai quật khảo cổ học để làm rõ kết cấu và cách thức gia cố móng chân tường thành sau khi hạ giải; so sánh sự khác biệt với kết quả khảo cổ học trước đó; tạo cơ sở cho đơn vị tư vấn thiết kế có cơ sở xây dựng phương án gia cố móng theo nguyên gốc; làm cơ sở cho đơn vị thi công tiến hành bảo tồn, gia cố phần móng đảm bảo đúng theo quy định.
Đồng thời, việc gia cố phần móng cho phép tính toán kết cấu chịu lực gia cố phần móng ở khu vực bên dưới, tạo cơ sở cho đơn vị tư vấn thiết kế xây dựng phương án gia cố khu vực tường thành bên trên.
Mục đích khai quật nhằm làm rõ sự khác biệt của 2 loại kết cấu móng tường thành đã tìm thấy tại khu vực dự án; làm rõ kết cấu các loại móng và cách thức gia cố móng tường thành đá di sản thế giới Thành Nhà Hồ của người xưa, tạo cơ sở để tu sửa phần móng theo nguyên gốc.
Đồng thời, cung cấp cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý cho việc xây dựng phương án tu sửa cấp thiết phần móng và tường thành đá di sản thế giới Thành nhà Hồ, phục vụ cho triển khai dự án đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt.
Quy mô, diện tích khai quật khoảng 60m2, gồm 6 hố tại vị trí dài 15m tường thành phía đông bắc, Di sản văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ.
Quy trình khai quật khảo cổ sử dụng phương pháp nghiên cứu của khảo cổ học: điều tra, khai quật, nghiên cứu di tích và di vật tại khu di tích; khai quật theo hố, xử lý và thu thập đầy đủ thông tin về di tích, di vật theo phương pháp của khảo cổ học tại hiện trường (ghi chép, đo vẽ, chụp ảnh, quay phim...
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Văn Long, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ, cho biết, Thành nhà Hồ đã trải qua hàng chục cuộc khai quật khảo cổ, song đây là lần đầu tiên việc khai quật khảo cổ được thực hiện ở khu vực chân móng tường thành.
Năm 2017, do ảnh hưởng của mưa bão, một đoạn tường thành phía đông bắc bị sạt lở. Cuối năm 2020, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa phê duyệt dự án tu sửa cấp thiết tường thành di sản Thành nhà Hồ.
Sau khi hạ giải tường thành và chân móng tại vị trí sạt lở, đã xuất lộ 2 đoạn móng (có tổng chiều dài khoảng 15m) với kết cấu khác nhau. Một đoạn dài 6,3m không có đá lót chân móng, đoạn còn lại dài 8,7m có đá lót.
Cũng theo ông Long, đây là lần đầu tiên tiến hành dự án tu sửa tường thành di sản Thành nhà Hồ nên cần phải thực hiện một cách cẩn trọng, khoa học.
Ngoài điểm sạt lở nêu trên, quanh tường Thành nhà Hồ còn gần 20 vị trí hư hỏng, biến dạng so với di tích gốc cần được trùng tu trong thời gian tới.
Thành nhà Hồ là công trình kiến trúc bằng đá cổ độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Thành nhà Hồ, còn được gọi là Thành Tây Đô, Thành Tây Giai, Thành An Tôn, thuộc địa phận hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV, là kinh đô của nước Đại Việt - vương triều Trần từ năm (1389-1400) và kinh đô của nước Đại Ngu - vương triều Hồ từ năm (1400-1407).
Trải qua hơn 600 năm, tòa thành kỳ vĩ này vẫn trường tồn với thời gian. Vào tháng 6/2011, tại kỳ họp lần thứ 35 của tổ chức UNESCO tổ chức tại Paris (Pháp), Thành nhà Hồ được tôn vinh là Di sản văn hóa của nhân loại.