Lần đầu công chiếu phim về bác sĩ Yersin tại Việt Nam
(Dân trí) - “Sống mà không dịch chuyển thì không phải là sống”, đó là tâm niệm của bác sĩ Alexandre Yersin - người đã phát hiện ra vi khuẩn gây bệnh dịch hạch. Yersin sống phần lớn cuộc đời ở Việt Nam. Đích dịch chuyển của cuộc đời ông, chính là Việt Nam.
Bác sĩ Alexandre Yersin
Tháng 6/1894, đúng 120 năm trước, Alexandre Yersin (1863-1943) đã phát hiện ra vi khuẩn bacillus gây ra bệnh dịch hạch, tai họa lớn chưa từng có trong lịch sử loài người. Phát hiện này đã mang lại một trong những cuộc giải phóng vĩ đại nhất của loài người. Bác sĩ Alexandre Yersin sinh ra tại Thụy Sĩ, nhưng sau này trở thành công dân Pháp rồi sống phần lớn cuộc đời mình và trút hơi thở cuối cùng tại Việt Nam.
Bác sĩ Yersin không chỉ là một nhà khoa học xuất chúng, ông còn là một nhà khám phá không mệt mỏi, một nhà phát minh, nhà sáng tạo luôn tràn đầy những ý tưởng mới mẻ. Không những thế, ông còn là biểu tưởng của lòng nhân hậu, luôn tìm mọi cách để giúp đỡ những người xung quanh. Ông luôn nặng lòng với sáng tạo phục vụ con người. Con đường đó đã mang đến cho ông một cuộc sống viên mãn, hạnh phúc.
Để tôn vinh niềm say mê khám khá và những phát minh của Yersin và để khuyến khích các bạn trẻ Việt Nam học tập, say mê khoa học, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Hà Nội đã đồng tài trợ sản xuất bộ phim tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp của bác sĩ Yersin.
Bộ phim “Sống mà không dịch chuyển thì không phải là sống” của đạo diễn Stephane Kleeb là một phép ẩn dụ về cuộc đời với nhiều trải nghiệm đẹp. Cuộc sống của một nhà khoa học không chỉ có những phòng thí nghiệm. Bên cạnh việc là một nhà khoa học, trước hết, họ là những con người, vì vậy, họ cần phải dịch chuyển để thực sự sống.
Trong sự dịch chuyển đó, nhà khoa học sẽ tìm thấy những hướng đi mới cho công tác nghiên cứu, sẽ tìm thấy ý nghĩa cao cả của những công việc tưởng như khô khan, khó nhằn mà họ phải theo đuổi trong suốt cuộc đời. Sự dịch chuyển đối với Alexandre Yersin là một mục đích sống.
Đương thời, quyết định của Yersin rời bỏ môi trường học thuật tại Paris (Pháp) để đến một xứ thuộc địa xa xôi đã khiến bạn hữu và đồng sự rất kinh ngạc.
Từ khi sống xa nhà cho đến khi mẹ ông mất vào năm 1905, Yersin thường xuyên viết thư về cho mẹ. Với khoảng 1.000 lá thư, người ta có thể biết nhiều chi tiết hơn về cuộc đời đầy những cống hiến của ông, đồng thời, người ta cũng có thể thấy nét hóm hỉnh của nhà khoa học trong những lá thư gửi mẹ.
Chẳng hạn có lần ông viết: “Con còn nhiều điều nữa muốn thưa với mẹ, nhưng có hai xác chết đang chờ con. Họ muốn ra nghĩa địa cho sớm. Tạm biệt mẹ thân yêu. Mẹ rửa tay sau khi đọc thư này kẻo bị lây dịch hạch, mẹ nhé !”
Bộ phim “Sống mà không dịch chuyển thì không phải là sống” hứa hẹn mang lại nguồn cảm hứng cho người xem với thông điệp giản dị và vô cùng đúng đắn, rằng học tập và lao động chăm chỉ ắt sẽ mang lại thành quả ngọt ngào. Bên cạnh đó, hãy dịch chuyển khi có thể để được thấy cuộc đời qua những lăng kính mới.
Bộ phim đã được ra mắt lần đầu tiên trên thế giới tại Đại học Quốc gia Hà Nội tối ngày 12/6, với sự tham dự của ngài Quốc vụ khanh phụ trách về Giáo dục và Nghiên cứu của Thụy Sĩ, các nhà khoa học Việt Nam và Thụy Sĩ, cùng với sự tham gia của nhiều sinh viên chuyên ngành khoa học tự nhiên. Buổi ra mắt tiếp theo sẽ diễn ra ngày 13/6, tại Đại học Khoa học Tự nhiên, thuộc Đại học Quốc gia TPHCM.
Bộ phim đã được ra mắt lần đầu tiên trên thế giới tại Đại học Quốc gia Hà Nội tối ngày 12/6.
Trước buổi chiếu phim, khán giả tại Hà Nội đã có dịp lắng nghe bốn nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam: Giáo sư Nguyễn Trần Hiển - Giám đốc Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Giáo sư Lê Gia Vinh - Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, Giáo sư Đậu Ngọc Hào - Chủ tịch Hội thú y Việt Nam và Giáo sư Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội Các ngành Sinh học Việt Nam, đại diện cho bốn lĩnh vực mà bác sĩ Yersin từng nghiên cứu (vi khuẩn học, y học đa khoa, y học thú y và thực vật học) trình bày về những yếu tố hấp dẫn nhất cũng như thách thức nhất trong các lĩnh vực mà mình đang nghiên cứu.
Buổi công chiếu phim có đông đảo các bạn sinh viên chuyên ngành khoa học tự nhiên tới dự.