Làm nước súc miệng từ những loại lá cây thảo mộc dễ tìm
(Dân trí) - Trong dân gian có rất nhiều thảo mộc có tác dụng giảm viêm, khử hôi miệng, chống viêm lợi hiệu quả. Bạn có thể sử dụng làm nước súc miệng để phòng ngừa những bệnh răng miệng.
Thay vì bỏ chi phí mua nước súc miệng, mọi người đều có thể tự làm nước súc miệng đơn giản tại nhà với những nguyên liệu thảo mộc tự nhiên, vừa rẻ tiền lại vừa hiệu quả. Đem lại cho bạn hơi thở thơm tho sạch sẽ.
Bạc hà
Hương vị bạc hà thơm mát thường được các hãng sản xuất nước súc miệng ưu tiên sử dụng. Nhờ chất menthol trong lá bạc hà có tác dụng xoa dịu chứng đau họng, hôi miệng và làm thông mũi.
Lấy một nắm lá bạc hà cho vào 1 cốc nước đã đun sôi, ngâm trong khoảng 4-5 phút rồi vớt lá ra là bạn đã có dung dịch nước súc miệng tuyệt vời cực kỳ đơn giản.
Lá trầu
Lá trầu không vò nát, thái nhỏ rồi cho vào nồi đựng 2 lít nước đun lên. Khi nồi nước sôi thì hạ nhỏ lửa và đun trong vòng 10 phút. Bắc nồi xuống, dùng rây lọc bỏ bã, cho thêm chút muối rồi rót nước này vào chai và để trong tủ lạnh dùng dần.
Mỗi ngày dùng nước này súc miệng từ 2 - 3 lần. Sau một tháng kiên trì sử dụng, các bệnh liên quan đến răng miệng như hôi miệng, nhiệt miệng, viêm lợi sẽ biến mất để lại trong miệng một mùi thơm tự nhiên dịu nhẹ.
Muối và gừng
Muối và gừng thường đem đến lợi ích rất quan trọng cho răng miệng và lợi bởi chúng có chất kháng viêm. Hơn nữa, chúng còn giúp khử mùi hôi răng lợi và loại bỏ vi khuẩn dính trên răng.
Trộn 1/3 chén nước, một muỗng canh gừng nạo và một thìa muối với nhau, khuấy đều lên và nấu trên lửa nhỏ trong 2-3 phút. Tắt bếp, để trong tủ khoảng 15 phút rồi chờ nguội dùng 3 lần/ngày, mỗi lần súc miệng khoảng 2-3 phút.
Lá hương nhu
Hương nhu còn gọi là cây é. Lấy 40 gram hương nhu sắc với 200 ml nước và cô đặc lại lấy nước để ngậm và súc miệng. Súc miệng nước này thường xuyên vào buổi sáng ngủ dậy và tối trước khi đi ngủ. Khi súc miệng nên ngậm trong miệng 1-2 phút rồi mới nhổ ra. Dùng nước sắc ngậm và súc miệng thường xuyên giúp khử mùi hôi hiệu quả, hỗ trợ cải thiện tình trạng viêm lợi.
Trà xanh
Tinh dầu trà xanh có vị đắng, tính hàn. Được chiết xuất từ những lá trà xanh tươi nên hầu hết các chất có trong lá trà đều có trong tinh dầu trà xanh.
Đối với bệnh hôi miệng, tinh dầu có chứa các chất chống oxy hóa, nó sẽ làm ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây mùi trong khoang miệng. Mang đến cho bạn hơi thở thơm mát, dễ chịu.
Chanh và muối
Trong chanh có chứa nhiều vitamin C có tác dụng giúp cho răng nướu khỏe mạnh hơn. Do đó, kết hợp muối và chanh để vệ sinh răng miệng, sẽ giúp làm giảm đau nhức và cải thiện tình trạng răng bị sâu đáng kể.
Cách thực hiện: Pha 1 thìa cà phê muối với 1 cốc nước ấm. Vắt lấy nước cốt của 1/2 quả chanh và cho vào hỗn hợp trên. Khuấy đều hỗn hợp và dùng luôn để súc miệng. Thực hiện mỗi ngày 2 lần, mỗi lần khoảng 1 phút.