1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Làm nhà văn ở đâu cũng… đói?

(Dân trí) - Ngay cả ở phương Tây, nơi văn hóa đọc của độc giả được cho là phát triển, làm nhà văn vẫn rất “khổ”.

Làm nhà văn ở đâu cũng… đói?


Ngành công nghiệp xuất bản chưa bao giờ có sự phân biệt sâu sắc tới vậy. Trong khi có những nhà văn được ký những hợp đồng viết sách trị giá tới hàng triệu đô la thì đồng thời cũng có nhiều nhà văn chỉ kiếm được chưa tới 1.000 đô la/năm từ việc viết lách (tương đương hơn 21 triệu VND).

Một cuộc khảo sát do hai tạp chí của Mỹ chuyên về lĩnh vực xuất bản và văn học - Digital Book World và Writer’s Digest - tiến hành cho thấy 54% nhà văn có hợp đồng xuất bản và 80% nhà văn tự xuất bản tác phẩm đang có mức thu nhập rất thấp, chưa đầy 1.000 đô la/năm (tương đương hơn 21 triệu VND).

Hơn 9.000 nhà văn đến từ nhiều quốc gia đã tham gia vào cuộc khảo sát của hai tờ tạp chí này. Họ được chia thành 4 nhóm: nhà văn tự phát (không xuất bản tác phẩm mà công bố tác phẩm một cách phi lợi nhuận thông qua mạng Internet mà người ta vẫn gọi là dòng văn học mạng), nhà văn tự xuất bản tác phẩm, nhà văn hợp tác với các đơn vị xuất bản và nhà văn “lưỡng tính” (vừa tự xuất bản tác phẩm vừa hợp tác với các đơn vị xuất bản).

Trong số 9.210 nhà văn tham gia khảo sát, có hơn 65% là nhà văn tự phát, 18% nhà văn tự xuất bản tác phẩm, 8% nhà văn hợp tác với các đơn vị xuất bản và 6% nhà văn “lưỡng tính”.

Làm nhà văn ở đâu cũng… đói?


Theo thống kê, 77% nhà văn tự xuất bản tác phẩm kiếm được từ 1.000 đô la/năm trở xuống, cùng có mức thu nhập eo hẹp này còn có 53,9% nhà văn hợp tác với các đơn vị xuất bản và 43,6% nhà văn “lưỡng tính”. Từ những con số này có thể thấy đa số nhà văn sống rất chật vật, khó khăn.

Với mức thu nhập từ việc viết lách đạt 100.000 đô la/năm trở lên (tương đương hơn 2,1 tỉ VND), chỉ có 0,7% nhà văn tự xuất bản, 1,3% nhà văn hợp tác với các đơn vị xuất bản và 5,7% nhà văn “lưỡng tính” đạt được - những con số quá ít ỏi.

Làm nhà văn ở đâu cũng… đói?


Đối tượng nhà văn chiếm số lượng lớn trong cuộc khảo sát này là những người chuyên viết tiểu thuyết “thị trường”. Không thể ngờ là cuộc sống của họ lại khó khăn, chật vật đến vậy, trước đây, người ta vẫn tưởng cuộc sống sẽ “dễ thở” hơn đối với các tác giả sáng tác những tác phẩm không giàu tính nghệ thuật hàn lâm.

Tuy vậy, cũng rất thú vị khi chỉ một số nhỏ tác giả tham gia khảo sát cho biết mục tiêu kiếm tiền đối với họ là “cực kỳ quan trọng”. Chỉ khoảng 20% nhà văn tự xuất bản và 25% nhà văn có hợp đồng với các đơn vị xuất bản đề cao yếu tố lợi nhuận trong việc viết văn.

Nhưng cũng cần khẳng định rằng những ưu tiên hàng đầu của các nhà văn không xa rời yếu tố lợi nhuận bởi 56% tác giả tự xuất bản và 60% tác giả có hợp đồng xuất bản cho rằng việc đưa ra thị trường một cuốn sách được nhiều độc giả tìm mua là “rất quan trọng”.

Làm nhà văn ở đâu cũng… đói?

Theo thống kê khảo sát có thể thấy làm nhà văn không kiếm được nhiều tiền, đặc biệt là làm nhà văn tự xuất bản tác phẩm.

Ông Jeremy Greenfield - người đứng đầu cuộc khảo sát được tiến hành bởi tạp chí Digital Book World cho rằng: “Phần lớn nhà văn thời nay viết văn bởi họ muốn được chia sẻ tình yêu văn chương với độc giả, cũng có người viết lách như một cách để gây dựng tiếng tăm… Mong muốn làm giàu từ văn chương hiện giờ là rất khó thực hiện. Theo khảo sát chỉ có khoảng 2% nhà văn có thể sống thoải mái nhờ thu nhập từ nghề viết lách”.

“Vấn đề tiền bạc luôn là một thử thách khó khăn đối với các nhà văn ở mọi thời đại. Việc cho ra một tác phẩm văn học là một sự cân đo đong đếm rất vất vả giữa hàm lượng nghệ thuật và tính chất thương mại. Tôi có thể khẳng định rằng đối với phần lớn nhà văn, việc xuất bản trước hết không phải vì mục đích tiền bạc, bởi nếu đặt nặng yếu tố này, rất nhiều nhà văn đã bỏ viết từ lâu. Mục đích hàng đầu của họ là được đưa tác phẩm đến với số đông, được chia sẻ đứa con tinh thần… Tuy vậy, cũng phải nói rằng tiền là một vấn đề quan trọng” - Giáo sư Dana Weinberg, người đang cộng tác với tờ tạp chí Digital Book World khẳng định.

Hiện giờ, rất ít nhà văn có thể chỉ tập trung viết lách, thường họ phải làm một công việc bán thời gian hoặc toàn thời gian và tranh thủ viết lách mỗi khi có thể. Để viết được những cuốn sách hay đòi hỏi phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức, vì vậy đa số nhà văn tham gia vào khảo sát cho biết họ phải tìm việc làm thêm để ổn định thu nhập.

Làm nhà văn ở đâu cũng… đói?


Mọi việc đặc biệt trở nên khó khăn đối với những nhà văn tự xuất bản tác phẩm, vì lúc này tiền bạc là một yếu tố rất quan trọng, tác động trực tiếp tới cuộc sống, sự nghiệp của họ.

Một tác giả người Mỹ có tên Hugh Howey, anh thường tự xuất bản sách và đã đạt được những thành công nhất định khi bán được hàng trăm ngàn cuốn, cho rằng cuộc khảo sát này đã đem lại cái nhìn quá ảm đạm về các nhà văn tự xuất bản sách.

Theo anh Howey, việc các nhà văn tự xuất bản tác phẩm của mình đang ngày càng phổ biến, điều đó cho thấy việc tự xuất bản phải có những cái được mới khiến ngày càng nhiều nhà văn quyết định tự lấy tiền của mình ra mạo hiểm như vậy.

Để có được một hợp đồng xuất bản là rất khó khăn, đặc biệt khi tên tuổi của người viết chưa được độc giả biết tới, việc tự xuất bản khiến mọi việc trở nên đơn giản hơn nhiều. Những thành công nhỏ ban đầu đến từ việc tự xuất bản sẽ là những viên đá lót đường đưa bạn tới những thành công lớn hơn. Khi đó, các nhà xuất bản sẽ phải tự tìm đến bạn.

Bích Ngọc
Theo Guardian