Làm gì với kho sách quý của GS Trần Văn Giàu?

Về cõi vĩnh hằng, ngoài những giá trị tinh thần vô giá, GS Trần Văn Giàu còn để lại cho quê hương Long An một tài sản vật chất rất quý giá. Đó là toàn bộ kho sách, tài liệu... trong suốt cuộc đời học tập, hoạt động cách mạng, dạy học và viết sách của mình.

Đã hơn nửa năm GS Trần Văn Giàu vĩnh biệt chúng ta, nhưng kho sách quý ấy vẫn chưa về được tới Long An và không ai có thể nói khi nào người dân Long An mới có thể học tập, nghiên cứu với những cuốn sách quý ấy.

 

Thâm tình và cẩn trọng

 

Trước khi đi “theo ông, theo bà” khoảng 4 năm, khi thấy sức khỏe của mình có dấu hiệu suy sụp nhanh, GS Trần Văn Giàu đã mời những người có trách nhiệm ở Long An đến bàn một việc: Hiến toàn bộ kho sách quý hàng ngàn cuốn của GS cho quê hương để phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu của người dân Long An. Trước đó, GS Trần Văn Giàu đã hiến cho TPHCM khoảng 1.000 lượng vàng để thành lập giải thưởng về nghiên cứu lịch sử cho vùng đất Nam Bộ. Như vậy, ngoài giá trị tinh thần vô giá, GS Trần Văn Giàu còn để lại cho Long An (quê hương ông) và TPHCM (nơi ông gắn bó nhiều trong cuộc đời hoạt động cách mạng) những tài sản vật chất to lớn có giá trị lâu dài.

 

 
Làm gì với kho sách quý của GS Trần Văn Giàu?  - 1

Kho sách tại nhà GS Trần Văn Giàu. Ảnh: K.Q

 

GS Trần Văn Giàu và chính quyền tỉnh Long An đã làm thủ tục trao tặng kho sách nói trên, có quay phim chụp ảnh. Rồi các cán bộ chuyên môn của ngành văn hóa tỉnh Long An đã bỏ ra hàng tháng trời đến nhà GS Trần Văn Giàu lập thư mục, thống kê kho sách... Theo thống nhất giữa GS Trần Văn Giàu và những người có trách nhiệm ở Long An, mặc dù thủ tục hiến kho sách đã làm xong, nhưng sách vẫn để lại nhà của GS Trần Văn Giàu để phục vụ nhu cầu tra cứu, làm việc của giáo sư. Sau khi giáo sư qua đời, kho sách mới chính thức chuyển về Long An.

 

Lúng túng hay quá tầm

 

Thế nhưng, đã hơn 7 tháng kể từ khi GS Trần Văn Giàu qua đời mà kho sách vẫn còn nằm ở nhà của người quá cố, chưa được chuyển về Long An. Giải thích về sự chậm trễ này, một người có trách nhiệm ở Long An cho biết, còn phải đợi sự làm việc thống nhất giữa lãnh đạo Long An, TPHCM và người cháu của GS Trần Văn Giàu đang quản lý ngôi nhà (trong đó có kho sách nói trên).

 

Nếu đúng đó là nguyên nhân thì quả là quá chậm trễ, vì ngay khi còn sống GS Trần Văn Giàu đã đề nghị tỉnh Long An làm đầy đủ các thủ tục hiến tặng kho sách để khi GS qua đời là có thể chuyển về Long An được ngay.

 

Những người hiểu biết tình hình ở Thư viện Long An lại cho rằng, việc tiếp nhận chậm trễ kho sách quý của GS Trần Văn Giàu còn có nguyên nhân khác, đó là Thư viện tỉnh chưa sẵn sàng điều kiện để tiếp nhận kho sách khổng lồ và quý giá này.

 

Hiện nay, Thư viện Long An không đủ chỗ để lưu trữ an toàn số sách họ đang quản lý. Vào những ngày mưa lớn, cán bộ, nhân viên thư viện phải chống dột, tát nước để bảo vệ an toàn kho sách của họ. Vậy thì khi kho sách quý của GS Trần Văn Giàu đem về đây, số phận của nó sẽ ra sao?

 

Cũng có ý kiến cho rằng, nên giao kho sách quý của GS Trần Văn Giàu cho Bảo tàng tỉnh Long An quản lý và trưng bày, phục vụ chủ yếu cho nhu cầu tham quan. Nếu đúng như thế thì ước vọng đóng góp kho sách để người dân Long An học tập, nghiên cứu nhằm mở mang kiến thức của GS Trần Văn Giàu coi như không được đáp ứng.

 

Chuyện tiếp nhận kho sách của GS Trần Văn Giàu tưởng chừng như đơn giản, lại hóa ra phức tạp và không biết bao giờ mới thực hiện xong.

 

Theo Kỳ Quan

Lao Động