"Lạc Long Quân và Âu Cơ" sánh vai cùng lịch sử nhân loại

(Dân trí)- Mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều có cách giải thích khác nhau về nguồn gốc loài người. Nếu dân tộc Việt Nam có "Lạc Long Quân và Âu Cơ", thế giới có muôn vàn câu chuyện khác để kể...

Truyền thuyết về Bàn Cổ (Trung Quốc)

Lạc Long Quân và Âu Cơ sánh vai cùng lịch sử nhân loại


 
Theo truyền thuyết của Trung Quốc, xưa kia vũ trụ trước khi được tạo ra là một quả trứng lớn và hỗn loạn. Từ trong quả trứng này Bàn Cổ được sinh ra, ông đã ngủ trong quả trứng đó trong vòng 18 ngàn năm. Khi tỉnh dậy, trời đất đều tối thui, Bàn Cổ vươn tay và chân làm mở tung quả trứng. Ánh sáng và dương khí dâng lên hình thành một bầu trời xanh cao lớn.
 
Đồng thời, âm khí nặng và dày hạ xuống hình thành vùng đất rộng bao la.Vũ trụ từ đó có trời và đất. Bàn Cổ trụ trời và đất, dần dần bầu trời trở nên cao hơn và mặt đất trở nên rộng hơn. Mười tám ngàn năm trôi qua, bầu trời không thể cao thêm và mặt đất không còn có thể hạ thấp thêm được nữa. Từ đó Bàn Cổ trở thành vị thần cai quản trời và đất, và bằng cách này trái đất không trở lại trạng thái hỗn loạn của nó. Bàn Cổ là vị thần duy nhất cai quản trời và đất.
 
Trạng thái của thế giới đi theo cảm xúc của ông ta.Khi ông hài lòng, bầu trời quang đãng, và khi ông giận dữ, thời tiết trở nên u ám.Giọt nước mắt của ông đem mưa đến và hơi thở mạnh của ông đem đến những cơn gió mạnh. Khi ông ta chớp mắt, sấm sét đến và khi ông ta ngáy sấm chớp rầm rầm. Rất nhiều năm trôi qua, bầu trời rất cao và trái đất rộng thênh thang. Bàn Cổ sau khi hoàn thành sứ mệnh của mình, cơ thể ông đã biến thành mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao, núi, sông và cây cỏ…

Truyền thuyết về thần Atum (Ai Cập)

Lạc Long Quân và Âu Cơ sánh vai cùng lịch sử nhân loại


Trong văn hóa Ai Cập cổ đại Atum là một trong những vị thần quan trọng nhất và thường xuyên được nhắc tới, cùng nhiều bằng chứng được tìm thấy trong Văn tự trong Kim tự tháp, ông được miêu tả như một đấng sáng tạo và là vua của các vị vua.
 
Theo truyền thuyết, từ một gò đất nổi nên từ vùng biển nguyên thủy Nu, thần Atum đã xuất hiện. Là sản phẩm duy nhất của năng lượng và vật chất tồn tại trong thời hỗn mang, ông đã tạo ra các vị thần và con người thông qua sự cô đơn của mình trong vũ trụ. Trong một lần hắt hơi của mình, ông đã gieo mầm và tạo ra Shu, vị Thần của Không khí, tiếp đó ông đã tạo ra Tefnut, nữ thần của Độ ẩm.
 
Hai nam thần và nữ thần đầu tiên này rất tò mò về những vùng biển nguyên sinh bao quanh họ, họ quyết định đi để khám phá vùng biển này và sau đó biến mất vào bóng tối vĩnh cữu. Không thể chịu đựng những mất mát quá lớn của mình, Atum đã phái một sứ giả Lửa để tìm các con của mình. Những giọt nước mắt của niềm vui mà ông nhỏ xuống tạo ra những con người đầu tiên.

Truyền thuyết về âm thanh khởi thủy (Hindu)

Lạc Long Quân và Âu Cơ sánh vai cùng lịch sử nhân loại


Trong thần thoại Hindu, thế giới được tạo ra và duy trì từ quyền năng của 3 vị thần tối cao: đấng tạo hóa Brahma, đấng bảo hộ Vishnu, đấng hủy diệt Shiva. Giữa biển rộng lớn tối đen vô tận, thần Vishnu nằm ngủ trên lưng một con rắn nhiều đầu khổng lồ. Giữa khoảng không tĩnh lặng và thanh bình một âm thanh ồn ào vọng ra truyền đi một sức mạnh rất lớn, đó là tiếng Om (Aum), âm thanh khởi thủy, ngôn từ của hoàn vũ. Đêm kết thúc, thần Vishnu thức tỉnh, một hoa sen từ lỗ rốn thần Vishnu mọc ra trên một cuống dài do Vayu, vị thần gió đầy sức mạnh nắm giữ. Ngồi giữa hoa sen ấy là Brahman, vị thần bắt đầu công việc sáng tạo liền sau đó. Thần Brahman chia bông hoa sen ra làm ba phần tạo thành trời, đất và thiên giới. Cứ thế ông tiếp tục tạo ra vạn vật, muôn loài, ban cho chúng sự sống và sức mạnh.

Truyền thuyết về Izanagi và Izanami (Nhật Bản)

Lạc Long Quân và Âu Cơ sánh vai cùng lịch sử nhân loại


Theo thần thoại Nhật Bản trong Cổ Sự Kí, viết vào đầu thế kỷ thứ 8, thuở ban sơ, vũ trụ chưa có hình thù… Có tới tám trăm vạn thần linh, sống ở trên Cao Thiên Nguyên, từ đó nhìn xuống chỉ thấy bóng tối, sương mù và nước. Hai vị thần trong tuổi thanh xuân là chàng Izanagi và nàng Izanami nhận nhiệm vụ làm cho mặt đất sinh sôi nẩy nở. Họ bước qua Thiên Phù Kiều, chiếc cầu nối trời và đất, dùng cây mâu quậy sóng cho kết đọng lại mà thành đảo Onogoro và xuống đó. Izanagi và Izanami xây dựng một lâu đài và sinh ra 8 hòn đảo mới, gộp thành phần lớn nước Nhật ngày nay.
 
Nữ thần Izanami khi sinh hạ Hỏa Thần Kagu-tsuchi bị bỏng mà chết. Tức giận, Izanagi dùng kiếm chém Kagu-tsuchi thành 8 khúc, mỗi khúc trở thành 1 ngọn núi lửa rải rác khắp Nhật Bản. Không chịu nổi cảnh cô đơn, Izanagi xuống địa ngục tìm vợ nhưng không thành. Trên đường trở về, trong lúc tẩy uế cho thanh khiết tại Tsukushi, từ cơ thể thần sinh ra một loạt các vị thần khác. Cuối cùng, khi rửa đến mặt thì từ mắt trái ngài sinh ra Nữ thần mặt trời, mắt phải sinh ra Nam thần mặt trăng và từ mũi của ngài sinh ra Nam thần biển và gió bão.

Truyền thuyết về người khổng lồ Ymir (Thần thoại Bắc Âu)

Lạc Long Quân và Âu Cơ sánh vai cùng lịch sử nhân loại


Trong thần thoại Bắc Âu, Ymir được biết đến là người khổng lồ đầu tiên và cũng là sinh vật đầu tiên được tạo ra trong vũ trụ. Sinh ra từ những dòng sông băng, Ymir sống nhờ sữa của con bò nguyên thủy Auðumbla. Con bò Auðumbla cũng được sinh ra từ băng và sống bằng cách liếm những tảng đá và bằng cách đó, nó đã tạo ra vị thần đầu tiên là Búri. Búri là cha của Borr, và Borr sinh ra ba vị thần khác là Odin, Vili và Ve. Odin đã cùng hai em trai của mình – Vili và Ve, đã giết Ymir.
 
Họ dùng thân thể của Ymir để tạo ra vũ trụ. Sọ của Ymir dùng để tạo nên thiên đường, thịt biến thành đất, máu tạo ra hồ và biển, xương làm núi, răng và những mảnh vỡ của xương tạo thành đá, tóc tạo thành cây, mây được tạo ra từ não, còn lông mày của Ymir tạo nên Midgard (tức Trung Địa) – vùng đất của loài người. Các vị thần còn tạo ra con người từ gỗ và ban cho họ lý trí, tình cảm, giác quan.

Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ (Việt Nam)

Lạc Long Quân và Âu Cơ cùng thế giới giải thích chuyện loài Người
 
Theo truyền thuyết Việt Nam, Lạc Long Quân và Âu Cơ là tổ phụ và tổ mẫu của người Việt. Tương truyền, Âu Cơ là con gái của vua Đế Lai. Trong khi đi tuần thú phương Nam, ông đã để Âu Cơ lại trên một cái động. Khi Lạc Long Quân đi đến đây thì thấy nàng xinh đẹp nên đã đem lòng yêu mến và cưới về làm vợ. Hai vợ chồng Lạc Long Quân và Âu Cơ đã sống với nhau và sinh ra 100 người con. Một ngày, Lạc Long Quân nói với Âu Cơ rằng: "Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khắc nhau, không ở cùng nhau được".
 
Vì thế hai người đành chia con ra 50 người theo cha về biển, 50 người theo mẹ về núi và cùng nhau cai quản các vùng. Đây là tổ tiên của người Bách Việt. Người con cả trong số những người con theo mẹ lên Phong Châu và được tôn làm vua gọi là Hùng Vương lập ra nước Văn Lang. Lạc Long Quân là người mở mang cõi Lĩnh Nam, đem lại sự yên ổn cho dân. Vua Hùng là người dựng nước, truyền nối được mười tám đời. Do sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ, nên dân tộc Việt Nam được coi là con Rồng cháu Tiên.
 
 
Phan Hạnh
Tổng hợp