Lạ lùng những kỳ quan thiên nhiên
(Dân trí) - Hang pha lê ở Mexico, hồ rượu vang ở Senegal, hay cánh rừng đá ở Trung Quốc… là một trong những vẻ đẹp kỳ diệu của tự nhiên.
Hang đá cẩm thạch, Chile
Sau 6.000 năm để cho sóng nước đẽo tạc, hang đá cẩm thạch ở hồ Carrera có những chi tiết gợn sóng duyên dáng. Nước chỗ xanh lục, chỗ xanh ngọc càng làm hang trở nên long lanh.
Hồ Retba, Senegal
Nước hồ như thể có người khổng lồ say rượu nào làm rơi cả chai vang đỏ xuống. Thực tế trong hồ có một loài tảo lạ tạo nên màu sắc kỳ diệu này. Nó có độ mặn cực cao nên du khách có thể nổi trên mặt nước dễ dàng. Muối trắng bám đầy những hòn đá nằm quanh mép hồ nên người dân địa phương thường dành vài tiếng mỗi ngày để đi lượm muối.
Hồ chấm đốm, Canada
Vào mùa hè, nước trong khu hồ giàu khoáng này bốc hơi, để lại trên mặt nước những cụm khoáng tập trung gồm muối, titan, canxi, sun-phát… và tạo thành những chấm tròn với các sắc màu như xanh lá, vàng, nâu… với nhiều kích cỡ khác nhau.
Đá tự lăn, Mỹ
Chẳng ai nhìn thấy những hòn đá này lăn bao giờ nhưng thung lũng Chết ở bang California luôn chứa đầy dấu vết chuyển động của chúng. Có những hòn đá nặng hàng chục kg vẫn có thể lăn qua lòng hồ cạn nước một cách kỳ bí. Đường chạy của chúng có khi lên tới hơn 200 m.
Sa mạc trắng, Ai Cập
Những khối đá trắng hình củ hành tây, hình cây nấm, hình người tuyết đang tan được tạo ra hoàn toàn nhờ gió.
Sông Cano Cristales, Colombia
Con sông kỳ diệu nằm trong công viên quốc gia Serranea de la Macarena của đất nước Nam Mỹ còn có tên dung dị hơn là sông ngũ sắc hay sông cầu vồng. Nó được mệnh danh là con sông đẹp nhất thế giới. Từ tháng 7 tới tháng 12, con sông tựa như chiếc kính vạn hoa với đủ các gam màu hồng, xanh lá, xanh lục, vàng… Có một loại thực vật sống ở đáy sông, khi nhận được đủ ánh sáng mặt trời, chúng sẽ bung nở và vỡ òa trong dòng chảy màu sắc.
Con mắt Sahara, Mauritania
Khoảng hõm khổng lồ có đường kính hơn 40 km nằm giữa một vùng sa mạc ở Mauritania được người dân ví như con mắt mở to của một chú bò. Nó được hình thành nhờ gió và có thể nhìn thấy từ trên không.
Đồng muối Salar de Uyuni, Bolivia
3 vạn năm trước, nước rút đi để lại những “viên ngói” trắng hình lục giác. Đây là vùng đất mặn lớn nhất thế giới với diện tích hơn 10.000 km vuông. Mảnh đất này sản sinh ra hơn 25.000 tấn muối/ năm. Nơi đây có rất nhiều chim hồng hạc và những khách sạn nhỏ được xây hoàn toàn bằng các khối muối nén chặt.
Thác máu, Nam Cực
Dòng thác máu chảy từ con sông băng Taylor đã được phát hiện từ năm 1911 nhưng mãi về sau người ta mới có thể lý giải chính xác hiện tượng này. Hàm lượng sắt quá cao của hồ nước ngầm dưới mặt băng chảy hòa vào dòng sông đã tạo nên hiện tượng kỳ lạ này.
Hang pha lê, Mexico
Hang pha lê nằm sâu dưới mặt đất và chỉ được tình cờ phát hiện khi một nhóm công nhân khai thác chì và bạc tại Chihuahua, Mexico khai thác xuống tầng sâu 300 m. Những khối thạch cao đục mờ khổng lồ đâm ra từ mọi phía. Sâu dưới nữa là nhiệt độ sôi sục của dòng nước chảy trong lòng núi lửa có lúc lên tới 150 độ C và độ ẩm ở mức 100%.
Khu núi đá Wave, Mỹ
Chính mưa, gió đã là những nghệ nhân kiên trì đẽo tạc nên những khối sa thạch tuyệt đẹp này.
Đồi cát trắng, Mỹ
Những đồi cát trắng ở sa mạc Chihuahua, bang New Mexico được hình thành bởi sự bốc hơi của hồ Lucero gần đó.
Tháp băng ở núi Erebus, Nam Cực
Trên đỉnh núi lửa Erebus, khí gas nóng ngày đêm thoát ra ngoài. Có một lượng khí bị đóng băng ngay khi thoát ra và dần dần tích lại, tạo thành một cột ống khói cao 18 m.
Hòn đá quỷ, Úc
Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn đá quỷ có những hòn đá granite khổng lồ tròn xoe màu nâu đỏ đã tồn tại từ thời tiền sử.
“Vỉa hè lát đá”, Úc
Bờ biển Tasman Peninsula của đảo Tasmania có một “vỉa hè” mà không bãi biển nào khác trên thế giới sở hữu. Bờ đá được đẽo gọt bởi tự nhiên tựa như một vỉa hè xinh xắn chạy ra tận biển.
Hang đom đóm Waitomo, New Zealand
Trong hang có vô số đom đóm bay lượn và tạo thành một kỳ quan hấp dẫn du khách tại New Zealand.
Pi Uy
Theo Travel and Leisure