Ký ức đẫm máu vụ thảm sát Sơn Mỹ trong “Giai điệu của ám ảnh”

(Dân trí)- 504 thường dân vô tội bị sát hại bởi nòng súng của quân đội Mỹ, cả thôn Tư Cung (xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh) ngày ấy chìm trong biển máu và lửa. Nỗi ám ảnh còn hiện hữu mãi cho đến nay…

Khắc họa về sự đau thương, ám ảnh của những nhân chứng còn sống, những nhà báo trực tiếp chụp ảnh trong vụ thảm sát, những cựu binh Mỹ... được miêu tả trong bộ phim tài liệu dài 28 phút, mang tựa đề “Giai điệu của ám ảnh” do 2 đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn và Hồ Nhật Thảo (Đài PT-TH Quảng Ngãi) thực hiện. Bộ phim này đã đoạt Giải bạc tại Liên hoan Truyền hình Toàn quốc lần thứ 33 – 2013 ở Quảng Ninh.

“Khi sự thật về Mỹ Lai (Sơn Mỹ) nổ tung trên các mặt báo Mỹ, người ta mới bàng hoàng khi biết lính Mỹ sát hại 504 người, toàn bộ là dân thường. Vụ việc này ngay lập tức đã tạo nên một cơn địa chấn với chính phủ Mỹ và tất nhiên là cả đại đa số người dân Mỹ”, ông Billy Kelly - cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, đóng quân tại huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) cho biết.

Từ năm 2003 đến nay, ông Billy Kelly luôn lặng lẽ dâng 504 bông hồng (tượng trưng cho 504 linh hồn) đặt dưới chân tượng đài Sơn Mỹ. Điều khác lạ, mỗi năm trên tấm thiệp ghi một nội dung khác nhau được đặt trên 504 bông hồng.

Ngoài hình ảnh về Billy Kelly, nỗi đau Sơn Mỹ trong phim còn thể hiện đậm nét, suy nghĩ, quan điểm của như những người Mỹ đặc biệt như Giáo sư Paul Hoover - nhà thơ đương đại nổi tiếng, kiêm giảng viên văn học của trường Đại học San Francisco (bang Califonia). Ông chính là dịch giả của nhiều tác phẩm văn học của Việt Nam sang tiếng Anh, trong đó đáng chú ý nhất là cuốn “Rời xa triều đình” của Đại thi hào Nguyễn Trãi.

Trong chiến tranh Việt Nam, Paul Hoover không tham gia vào quân đội viễn chinh của Mỹ mà thay vào đó, ông vào làm việc tại một bệnh viện như một cách để tránh cầm súng giết hại người dân Việt Nam.

Ngoài ra, nỗi ám ảnh kèm theo lời xám hối thông qua hình ảnh của Roy Mike Boehm (cựu binh Mỹ ở chiến trường miền Nam), nhà báo Ronald Haeberle (người trực tiếp chụp các bức ảnh trong vụ thảm sát Sơn Mỹ, chính ông đã công bố các bức ảnh và tố cáo tội ác của quân đội Mỹ).

Trong “Giai điệu của ám ảnh”, đạo diễn lồng ghép bản giao hưởng “Trẻ con Mỹ Lai” đi kèm nhân vật còn sống sót, bao trùm trong ký ức là nỗi ám ảnh tiếng khóc của con, cháu đang gào thét kêu cứu. Hay cảnh quân đội Mỹ bắn giết dã man, vô nhân tính trên vùng quê Sơn Mỹ ngày đẫm máu.

Dân trí mời bạn đọc xem toàn bộ phim “Giai điệu của ám ảnh”:


 
 
Hồng Long