Thanh Hóa:

Kỷ niệm 1770 năm ngày mất của anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh

(Dân trí) - Để tưởng nhớ và tôn vinh vị nữ tướng anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh (Bà Triệu cưỡi voi đánh giặc) vào sáng 7/4, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bà Triệu đã diễn ra Lễ kỷ niệm 1770 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh.

Sáng 7/4, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bà Triệu tại xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) đã diễn ra Lễ kỷ niệm 1770 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh (22/2 năm Mậu Thìn 248 - 22/2 năm Mậu Tuất 2018) và khai hội Lễ hội Bà Triệu.

Lễ kỷ niệm 1770 năm ngày mất của anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh
Lễ kỷ niệm 1770 năm ngày mất của anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh

Lễ kỷ niệm 1770 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và lễ hội Bà Triệu năm 2018 là sự kiện văn hóa lớn của tỉnh Thanh Hóa, nhằm tôn vinh công lao của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh. Đồng thời giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa, kiến trúc tiêu biểu, độc đáo của Di tích lịch sử đền Bà Triệu và những tiềm năng du lịch của tỉnh Thanh Hóa với bạn bè trong nước và quốc tế.

Đông đảo người dân và du khách thập phương đến tham dự lễ kỷ niệm 1770 năm ngày mất của anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh
Đông đảo người dân và du khách thập phương đến tham dự lễ kỷ niệm 1770 năm ngày mất của anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh

Bà Triệu tên húy là Triệu Thị Trinh sinh ngày 2 tháng 10 năm Bính Ngọ (năm 226) tại vùng Quan Yên, quận Cửu Chân (nay là huyện Yên Định, Thanh Hóa). Bà là người dung nhan xinh đẹp, ý chí kiên cường, giỏi võ nghệ, mưu trí hơn người. Cha mẹ mất sớm, Triệu Thị Trinh ở với anh trai là Triệu Quốc Đạt, một huyện lệnh có lòng yêu nước, thương dân.

Vào năm 18 tuổi, bà cùng anh trai tuyển quân khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Ngô với câu nói lưu truyền sử sách: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không muốn khom lưng làm tì thiếp cho người”.

Cuộc khởi nghĩa đã giành được nhiều thắng lợi, làm “chấn động Giao Châu”, là nỗi khiếp sợ của giặc, uy danh của Bà Triệu và nghĩa quân đã khiến giặc Ngô phải thốt lên rằng: “Vung tay đánh cọp xem còn dễ, đối diện Bà Vương mới khó sao”.

Trước sự lớn mạnh của nghĩa quân, năm Mậu Thìn (năm 248) triều Đông Ngô đã phải cử viên tướng Lục Dận - người có nhiều kinh nghiệm chiến trường, giữ chức Thứ Sử Giao Châu chỉ huy một đạo quân hùng mạnh gồm 8.000 quân sĩ, có cả chiến thuyền yểm trợ tiến vào nước ta để đối phó với khởi nghĩa Bà Triệu.

Lễ kỷ niệm năm ngày mất của anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh cũng là dịp giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa, kiến trúc tiêu biểu, độc đáo của Di tích lịch sử đền Bà Triệu và những tiềm năng du lịch của tỉnh Thanh Hóa với bạn bè trong nước và quốc tế.
Lễ kỷ niệm năm ngày mất của anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh cũng là dịp giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa, kiến trúc tiêu biểu, độc đáo của Di tích lịch sử đền Bà Triệu và những tiềm năng du lịch của tỉnh Thanh Hóa với bạn bè trong nước và quốc tế.

Sau nhiều tháng vây hãm căn cứ chỉ huy cuộc khởi nghĩa tại núi Tùng ở thôn Bồ Điền (nay thuộc làng Phú Điền, xã Triệu Lộc huyện Hậu Lộc) với hàng chục trận đánh đã diễn ra, nhưng giặc Ngô vẫn không đánh bại được nghĩa quân. Cuối cùng quân Ngô đã dùng mưu kế thâm hiểm để đối phó nghĩa quân, để giữ khí tiết anh hùng, Bà Triệu đã tuẫn tiết hy sinh trên đỉnh núi Tùng. Sau khi mất, tương truyền Bà đã hiển thánh để phù dân, giúp nước.

Để tưởng nhớ và tôn vinh vị nữ tướng anh hùng, nhân dân ta đã xây dựng đền thờ Bà Triệu trên núi Gai thuộc xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa. Ngay gần khu vực đền là lăng Bà Triệu trên núi Tùng, nơi bà hy sinh và đình Bà Triệu ở làng Phú Điền.

Hằng năm, vào tháng 2 Âm lịch, nhân dân lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công lao của Bà. Theo các cụ cao niên ở làng Phú Điền, lễ hội diễn ra trên một không gian rộng theo quy trình đền, lăng, đình.

Ông Nguyễn Đình Xứng – Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại lễ kỷ niệm
Ông Nguyễn Đình Xứng – Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại lễ kỷ niệm

Tại đền Bà Triệu chủ yếu là tế lễ, như rước kiệu, tế nữ quan. Ngoài các nghi thức lễ trên còn có lễ Mộc dục. Đây là một nghi thức lễ được nhân dân địa phương rất chú ý, thận trọng, chọn ngày tốt để hành lễ, thường là ngày 18, 19 tháng 2 Âm lịch ở cả hai nơi đền và đình làng, do ông từ cả và ba ông từ phụ chịu trách nhiệm.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh, để phát huy truyền thống yêu nước của thế hệ cha anh đi trước, đảng và nhân dân Thanh Hóa luôn chung tay một lòng cùng đất nước phát triển kinh tế, xây dựng xã hội thật sự ấm no, hạnh phúc.

Với những giá trị đặc biệt đó, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cho di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Khu di tích Bà Triệu.

Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm