Quảng Nam:

Kỳ lạ tục người Cơtu tặng củi cho nhau vào mùa đông

(Dân trí) - Đến với đồng bào vùng cao huyện Tây Giang (Quảng Nam) vào những ngày mùa đông lạnh này, chúng ta bắt gặp những hình ảnh thân quen của các chị em phụ nữ Cơtu mang gùi chất đầy củi sau lưng đến biếu tặng nhau, như ấm thêm tình yêu thương, sự chia sẻ trong cộng đồng.

Không biết tục tặng củi có từ bao giờ, trải qua bao thăng trầm của thời gian, tục này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Nếu mùa hạ, người Cơtu có tục “Pa ngoách” có nghĩa là lễ kết nghĩa, mùa xuân có tục “Rơ dáo” - nghĩa là tục đem cơm thăm viếng nhau đầu năm. Còn trong mùa đông lạnh lẽo, cộng đồng người Cơtu ở Tây Giang nói riêng, tộc người Cơtu nói chung có thêm tục “Dáo oói”, nghĩa là tục thăm và tặng những gùi củi cho nhau...

Nhà gái đi lấy củi trên rừng
Nhà gái đi lấy củi trên rừng

Phong tục tặng củi của người Cơtu không rõ nguồn gốc và có từ khi nào nhưng theo những người cao niên vùng biên giới Tây Giang cho biết, từ xưa đã thấy tồn tại tập tục trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng. Đây là tập tục đẹp và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là một phần nét văn hóa truyền thống mà cha ông nơi đây để lại.

Để hiểu thêm về nét đẹp truyền thống này, chúng tôi tìm đến nhà ông Alăng Đàn (thôn Arớt, xã Anông) để nghe ông kể về nguồn gốc cũng như cái hay, cái độc đáo của phong tục có một không hai này.

Ông kể: “Tục tặng củi có từ rất lâu đời và được gìn giữ đến ngày hôm nay, bởi vì nó thể hiện tình cảm, nhất là tình cảm của người mẹ dành cho người con gái đi lấy chồng; khi mang thai, đau ốm không có thời gian đi lấy củi cho nhà chồng. Mặc khác, tặng củi cho nhà chồng để dự trữ trước mùa đông, vì mùa mưa không đi lấy được. Hay việc trong thôn xóm có lễ hội như đâm trâu, mổ heo ăn mừng thì phải có nhiều củi để đun nấu phục vụ việc chung của buôn làng; do đó mọi người phải đi tìm củi để đóng góp”.

Mang đến tặng cho nhà trai
Mang đến tặng cho nhà trai

Chúng tôi may mắn được theo chân các chị em phụ nữ trong thôn đi lấy củi tại cánh rừng Anoonh. Sau gần 1 giờ đi bộ, chúng tôi cũng đến nơi. Theo các chị em ở đây cho hay, ngày xưa khi cây rừng còn nhiều thì cứ vô tư chặt, bây giờ nhà nước mình cấm phá rừng già, rừng đầu nguồn nên việc lấy củi phải thận trọng hơn. Chỉ chọn những cây nào cong, già hay ngã đổ thì mới chặt làm củi, tuyệt đối không chặt cây to. Có khi chặt cây keo chính mình trồng tận dụng làm củi để tặng.

Dụng cụ để chặt cây chủ yếu là rìu và rựa do chính bà con mình rèn. Hai loại này nhỏ gọn và sắc bén phù hợp với sức khỏe phụ nữ. Những cây gỗ sau khi lựa chọn kỹ, các chị bắt đầu hạ và chặt ra từng khúc, mỗi khúc có chiều dài từ 0,5-1m, thuận tiện để gùi. Những đoạn củi nhỏ được các chị chặt ra ngay ngắn và bằng nhau.

Cách chẻ củi ở đây cũng có những nét đặc biệt. Củi không chẻ tách rời mà được chẻ một cách chi ly, cẩn thận làm sao các thớ củi tách ra một nửa, còn một nửa vẫn dính với nhau. Khi dùng chỉ cần gở nhẹ là đun được. Cách xếp củi vào gùi cũng đặc biệt không kém, đoạn nào to bỏ vào trước, đoạn nào nhỏ bỏ vào sau, cứ thế gùi củi to dần xòe ra như bông hoa đủ cánh.

Nhà trai tặng chum ché, mã não cho nhà gái để tỏ lòng biết ơn
Nhà trai tặng chum ché, mã não cho nhà gái để tỏ lòng biết ơn

Bà Ydêl Thị Anhớ (thôn Arớt, xã Anông) chia sẻ: “Việc lấy củi do người phụ nữ đảm nhận, đàn ông không tham gia. Thường lấy củi tươi rồi phơi khô khoảng ba ngày, sau đó mới đem tặng cho nhà trai. Người phụ nữ ở đây rất thương con gái lấy chồng, muốn giúp đỡ con bớt khó khọc khi lấy củi. Củi ở đây phải cây chắc, to và cháy lâu. Khi chẻ, củi không đứt hẳn ra mà dính với nhau, chỉ cần lấy tay gỡ nhẹ ra là dùng được. Khi tặng củi cho nhà trai, nhà gái được nhà trai tặng lại chum, ché, chiếu... và dọn nhiều đồ ăn ngon đãi khách, nhờ đó mà họ hàng sui gia thêm đoàn kết, gắn bó...”.

Tục tặng củi của người Cơtu có một cái hay là những phụ nữ lớn tuổi có uy tín đi trước, nhỏ tuổi đi sau, lần lượt gùi củi đến nhà trai. Hầu hết củi tặng đều được cất giữ tại nhà để củi riêng, còn lại ít gùi thì nhà gái mang tiếp vào nhà bếp (nhà trai) xếp ngay ngắn. Khi nhà gái mang củi đến, bao giờ cũng được nhà trai đón tiếp rất chu đáo. Nhà trai tiếp nhận và xếp gọn gàng củi trên giàn bếp của nhà mình, một phần để đun, một phần mang biếu hàng xóm và không quên nói rằng đó là quà của nhà gái mang tặng.

Sau khi nhận củi của nhà gái, nhà trai sẽ lo cơm nước, rượu mời khách bên nhà gái ăn uống. Thường thì là một bữa, nhưng cũng có khi kéo đến tận đêm. Trong bữa ăn, hai bên kể cho nhau nghe chuyện về gia đình mình, các con cháu kể về chuyện làm ăn, chuyện của buôn làng. Điều đó, giúp hai bên hiểu nhau hơn, tình cảm được thắt chặt hơn, và cũng chính từ những bó củi nghĩa tình này mà những đôi vợ chồng trẻ càng cảm kích, sống yêu thương gắn bó với nhau hơn, để không phụ lòng cha mẹ...

Bó củi còn thể hiện tình yêu thương của người mẹ muốn chia sẻ bớt khó khăn của người con gái khi đi lấy chồng, nhất là việc đi lấy củi nặng nhọc, hay những lúc người con gái ốm đau, bệnh tật. Khi nhà gái ra về, nhà trai lại tặng một món đồ, như ché, chiếu, chén, bát… thể hiện sự cảm ơn đối với những gùi củi mà nhà gái mang tặng..

“Đi lấy củi cho nhà trai là giúp cho con gái, con rể có thêm củi, nhất là khi họ bận. Người mẹ gả con đi lấy chồng thường rất thương con phải gánh vác nhiều việc nặng ở nhà chồng. Thường muốn nhanh thì nhờ mấy chị em phụ nữ trong xóm cùng đi lấy cho nhanh và nhiều củi. Nhà gái làm việc này hoàn toàn tự nguyện, trên tinh thần tình cảm là chính không đòi hỏi gì cả. Củi tặng bao giờ cũng là “củi đẹp”. Nhà trai thường tặng lại các lễ vật và đón tiếp chu đáo thể hiện sự cảm ơn đối với bó củi mà nhà gái mang tặng...”, bà Anhớ nói.

Tục tặng củi của người Cơtu ở Tây Giang là nét đẹp truyền thống cần được gìn giữ và phát huy. Để bảo vệ phong tục độc đáo này, đồng thời bảo vệ những cánh rừng nguyên sinh người dân ở đây đã có những cách làm hay như thay bằng tặng củi tươi sẽ là củi khô, hay chỉ lấy củi từ rừng trồng thay củi tự nhiên.

Ông Alăng Bưng, Phó phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tây Giang nhận xét: “Tục tặng củi của người Cơtu là một nét văn hóa truyền thống độc đáo và mang đậm tính nhân văn, thể hiện tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau khi khó khăn, hoạn nạn... nét văn hóa này cần được phát huy và gìn giữ. Ngày nay, người dân có ý thức bảo vệ rừng khi lấy củi, họ chỉ lấy cây nhỏ, cây đã khô, hay dùng cây keo trồng làm củi tặng”.

Dù trải qua bao thăng trầm của thời gian, tục tặng củi được đồng bào Cơtu vẫn được gìn giữ và phát triển cho đến ngày nay. Song song với việc lấy củi từ rừng tự nhiên, giờ đây họ lại có ý thức tự trồng rừng để duy trì phong tục đẹp này mà không xâm hại rừng già, rừng đầu nguồn, hợp với chủ trương của Đảng, của Nhà nước. Trong mùa đông giá rét, tình người lại càng thêm ấm từ những bó củi tặng nhau.

C.Bính-Đ.Hiệp