Kỳ lạ buổi lễ khánh thành khiến chính khách… “ngơ ngác”
(Dân trí) - Truyền thông - dư luận phương Tây hiện đang xôn xao trước buổi lễ khánh thành đường hầm xuyên núi dài nhất thế giới của Thụy Sĩ. Buổi lễ này quá kỳ lạ đến mức hiện được cho là buổi lễ khánh thành… kịch tính, nghẹt thở nhất từng thấy.
Thụy Sĩ đã thực hiện một trong những lễ khánh thành kỳ lạ nhất trong lịch sử để đánh dấu việc hoàn thành đường hầm dài nhất thế giới. Ban tổ chức lễ khánh thành đã huy động 600 vũ công, diễn viên xiếc nhào lộn và diễn viên kịch để thực hiện một màn trình diễn quy mô mang đậm dấu ấn nghệ thuật đương đại. Thậm chí, người ta còn soạn nhạc cho buổi trình diễn.
Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Ý Matteo Renzi đều đã tới miền nam Thụy Sĩ để dự buổi lễ khánh thành với những màn trình diễn nghệ thuật sôi động, ấn tượng, rất thời thượng, đến mức khiến báo chí và dư luận phương Tây đều phải xôn xao vì tính chất “tiên phong” trong cách dàn dựng của buổi lễ.
Một trích đoạn ngắn trong phần trình diễn nghệ thuật của buổi lễ
Nghệ thuật trừu tượng trong lễ khánh thành đường hầm Gotthard của Thụy Sĩ
Buổi lễ khánh thành có những màn biểu diễn ngoài trời và trong đường hầm. Với những màn biểu diễn bên trong đường hầm, người ta sử dụng ánh sáng neon tím, gợi nhớ tới không gian lao động của các công nhân.
Những vũ công trong trang phục bảo hộ lao động màu cam, đội mũ bảo hiểm, bắt đầu nhảy múa bên “đạo cụ” là chiếc xe chở vật liệu xây dựng, nền nhạc là tiếng cuộc xẻng, tiếng máy xúc, máy trộn… đúng nghĩa một công trường xây dựng.
Buổi biểu diễn có sự tham gia phục vụ của một đoàn quân nhạc quy mô và còn có máy bay trực thăng trình diễn trên bầu trời bên ngoài đường hầm.
Những màn trình diễn đậm chất nghệ thuật đương đại tại lễ khánh thành đường hầm Gotthard Base Tunnel quá lạ lẫm, kỳ quái, đem lại cho người xem cảm giác kịch tính như tại một buổi biểu diễn nghệ thuật đích thực, chính điều này đã khiến buổi lễ khánh thành gây được sự thích thú lớn đối với truyền thông và dư luận.
Tổng số kinh phí đầu tư cho dự án xây dựng đường hầm này lên tới 12,2 tỉ francs Thụy Sĩ (275.000 tỉ đồng). Với việc đường hầm tàu hỏa này đi vào hoạt động, khoảng một triệu xe tải sẽ không còn hoạt động, thay vào đó, tàu hỏa cao tốc sẽ đưa hành khách và hàng hóa đi xuyên núi An-pơ chỉ trong vòng 17 phút.
An-pơ vốn là dãy núi phân cách Bắc Âu và Nam Âu, với đường hầm Gotthard Base Tunnel, những chuyến tàu chạy từ đô thị Erstfeld đến đô thị Bodio của Thụy Sĩ chỉ mất 17 phút. Việc hoàn tất công trình này trong vòng 17 năm được các chuyên gia xây dựng đánh giá là một “tuyệt phẩm của tiến độ, ngân sách và chính sách” bởi không có yếu tố nào bị sai lệch.
Chuyến tàu đầu tiên lăn bánh chính thức trong đường hầm Gotthard Base Tunnel đã đón chào 500 vị khách may mắn được lựa chọn từ 130.000 người tham gia một cuộc bắt thăm may mắn để nhận được vé lên chuyến tàu “mở hàng” đường hầm.
Để bảo vệ an ninh cho sự kiện đặc biệt này, gần 2.000 binh lính Thụy Sĩ đã được huy động, trực thăng trình diễn và trực thăng đi tuần liên tục hoạt động trên bầu trời, các chuyến bay dân dụng phải chuyển hướng.
Bích Ngọc
Theo Daily Mail/BBC