Kỳ bí câu chuyện cây lim cổ thụ 600 năm tuổi “hiến thân” tại Lam Kinh

(Dân trí) - Câu chuyện về cây lim “hiến thân” cho công trình phỏng dựng lại Chính điện Lam Kinh, nằm trong quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) chứa đựng những yếu tố tâm linh, kỳ bí được nhiều người kể lại...

Kỳ bí câu chuyện cây lim cổ thụ 600 năm tuổi “hiến thân” tại Lam Kinh

Lam Kinh là vùng đất thiêng “địa linh nhân kiệt”, quê hương của người Anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh xâm lược (1418-1427).

Kỳ bí câu chuyện cây lim cổ thụ 600 năm tuổi “hiến thân” tại Lam Kinh - 1
Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh có diện tích quy hoạch 200 ha. Đây cũng là nơi an nghỉ vĩnh hằng của các vua, hoàng hậu... triều Lê Sơ.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh có diện tích quy hoạch 200 ha. Đây cũng là nơi an nghỉ vĩnh hằng của các vua, hoàng hậu... triều Lê Sơ.

Theo sử sách ghi chép lại, Lam Kinh được xây dựng vào năm 1433. Năm 1962 được xếp hạng Di tích quốc gia. Đến năm 2012, Lam Kinh được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.

Kỳ bí câu chuyện cây lim cổ thụ 600 năm tuổi “hiến thân” tại Lam Kinh - 2
Chính điện Lam Kinh mới được phỏng dựng lại.

Trong đó, Chính điện Lam Kinh được xây dựng ngay sau khi vua Lê Thái tổ băng hà và đưa về quê hương Lam Sơn an táng. Chính điện gồm 3 tòa điện lớn, xây trên nền đất rộng, cao 1,8m so với mặt sân Rồng và được xây dựng theo kiểu kiến trúc hình chữ Công (I), tổng cộng 3 tòa nhà có 19 gian, 4 chái.

Chính điện là công trình kiến trúc gỗ ở khu trung tâm, có quy mô lớn nhất tại Lam Kinh với 138 cột. Tuy nhiên, qua sự biến thiên của lịch sử, Chính điện đã 3 lần bị cháy và xuống cấp.

Kỳ bí câu chuyện cây lim cổ thụ 600 năm tuổi “hiến thân” tại Lam Kinh - 3
Kỳ bí câu chuyện cây lim cổ thụ 600 năm tuổi “hiến thân” tại Lam Kinh - 4
Chính điện gồm 3 tòa điện lớn, xây trên nền đất rộng, cao 1,8m so với mặt sân Rồng và được xây dựng theo kiểu kiến trúc hình chữ Công (I).

Để bảo tồn, tôn tạo và phát huy những giá trị của Chính điện Lam Kinh, ngày 13/9/2010, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định số 3232/QĐ-UBND về việc phỏng dựng lại Chính điện Lam Kinh.

Công trình được phỏng dựng bằng gỗ với 3.000m3 gỗ lim chủ yếu được đưa về từ nước CHDCND Lào. Sau nhiều năm triển khai, đến nay, Chính điện Lam Kinh đã được phỏng dựng lại theo đúng quy mô, kích thước và kiến trúc xưa.

Kỳ bí câu chuyện cây lim cổ thụ 600 năm tuổi “hiến thân” tại Lam Kinh - 5
Kỳ bí câu chuyện cây lim cổ thụ 600 năm tuổi “hiến thân” tại Lam Kinh - 6
Cây lim “hiến thân” được dùng làm cột cái ở hậu điện, nơi linh thiêng nhất của Chính điện Lam Kinh.

Thông tin từ Ban quản lý Khu di tích lịch sử Lam Kinh cho biết, năm 2009 khi tỉnh Thanh Hóa được Chính phủ đồng ý cho phỏng dựng lại Chính điện Lam Kinh, thời điểm đó, cây lim trong rừng Lam Kinh xuống lá.

Ông Vũ Đình Sỹ, Phó trưởng ban phụ trách Ban quản lý Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh chia sẻ: “Ở góc nhìn bình thường thì vấn đề này là cây già thì cây chết, nhưng các nhà tâm linh phát hiện ra điều đặc biệt ở Lam Kinh. Khi làm lễ tại Lam Kinh thấy trường sinh học và trường tâm linh xung quanh cây lim rất đặc biệt. Đây giống như là một thiết mộc lim “hiến mình” để xin được đứng vào cung điện nguy nga khi có chủ trương phỏng dựng lại Chính điện”.

Kỳ bí câu chuyện cây lim cổ thụ 600 năm tuổi “hiến thân” tại Lam Kinh - 7
Vị trí trước đây của cây lim "hiến thân".

Sau đó, Ban quản lý Khu di tích Lam Kinh đã báo cáo về UBND tỉnh Thanh Hóa, lãnh đạo tỉnh này đồng ý chủ trương và giao cho các ngành thực hiện thủ tục để hạ cây lim.

Khi hạ cây lim, nhiều điều đặc biệt được tiếp tục phát hiện. Cụ thể từ cây lim này có 5 cấu kiện chính để đưa vào thi công tòa điện. Trong đó, thân chính của cây lim đủ kích thước để làm trụ chính của tòa điện; hai phân cành có một cành lớn hơn làm được cột quân (cột to thứ hai trong điện) và cành nhỏ hơn làm cột hiên; một cành cắt thêm được thanh đầu trụ và khi chế tác bóc bìa được một thanh thượng lương.

Kỳ bí câu chuyện cây lim cổ thụ 600 năm tuổi “hiến thân” tại Lam Kinh - 8
Ban quản lý Khu di tích Lam Kinh đã nhiều lần trồng cây lim nhỏ vào để thay thế. Tuy nhiên, những cây lim trồng mới không có cây nào sống và phát triển được.

“Lim già thường bị rỗng ruột, tiêu tâm, nhưng cây lim này đặc từ trong ra ngoài. Khi các nhà khoa học làm thủ tục nghiên cứu về tuổi cây lim, do không cắt được lát cắt ở vị trí cây sinh trưởng ổn định nhất, nên chỉ tính được ở phần kết thúc thân và gốc cây thì xác định tuổi cây lim khoảng trên dưới 600 năm tuổi”, ông Sỹ thông tin.

Các nhà khoa học lâm nghiệp và tâm linh tính toán và đưa ra những giả thiết có thể tuổi cây lim trùng với tuổi của vua Lê Lợi, hoặc trùng với thời điểm khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, hay là trùng với tuổi ông lên ngôi hoàng đế.

Trong quá trình chế tác, trụ chính được dựng ở hậu điện, cạnh long sàng nơi các vua ngự khi về bái yết Sơn lăng. “Khi đưa vào công trình, cây lim được định vị trụ chính vào hậu điện theo đúng như đứng ngoài tự nhiên. Vị trí trụ chính từ cây lim này được dựng ở điện Diễn Khánh do vua Lê Nhân Tông đặt tên vào năm 1456, khi ông về khánh thành tòa điện sau khi bị cháy", ông Sỹ cho biết thêm.  

Kỳ bí câu chuyện cây lim cổ thụ 600 năm tuổi “hiến thân” tại Lam Kinh - 9
Rừng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi tại Lam Kinh.

Chưa hết, thêm một điều kỳ bí, khó lý giải về cây lim cổ thụ này là tại vị trí cây lim “hiến thân” trước đây, Ban quản lý Khu di tích Lam Kinh đã nhiều lần trồng cây lim nhỏ vào để thay thế. Tuy nhiên, những cây lim trồng mới không có cây nào sống và phát triển được.

“Khu vực này là rừng lim đã lâu đời, những cây lim ở đây thường tự mọc lên và phát triển rất tốt. Thế nhưng, không hiểu sao, tại vị trí cây lim “hiến thân” này lại không có cây lim nào phát triển được”, ông Sỹ cho biết thêm.

Kỳ bí câu chuyện cây lim cổ thụ 600 năm tuổi “hiến thân” tại Lam Kinh - 10
Cây ổi "cười" trong lăng mộ vua Lê Thái Tổ.

Duy Tuyên