Lăng mộ Hoàng đế Quang Trung và bí mật lịch sử chưa lời giải:
Kỳ 4: Ly kỳ câu chuyện đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương
(Dân trí) - Với giả thiết tại Huế có dấu vết của cung điện Đan Dương của Hoàng đế Quang Trung lúc còn sống, và cũng là nơi chôn cất thi hài ông sau khi chết, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã công phu đi tìm những cứ liệu lịch sử từ trong sách vở ra ngoài thực địa.
Có 1 cung điện Đan Dương của Quang Trung, cũng là nơi chôn Hoàng đế?
Trở lại với kỳ 1, theo giả thuyết của NNC Nguyễn Đắc Xuân là vua Quang Trung nhất định có 1 Cung điện chính ngoài đô thành Phú Xuân từ các nguồn như bút ký “Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà trong các năm 1792-1793” của John Barrow; từ lá thư giáo sĩ La Bartette viết ngày 23/7/1788 tại Phú Xuân và từ sách Lê Quý Dật Sử của Bùi Dương Lịch (1757-1828)…
Tuy nhiên, hầu như tất cả mọi người đều không biết Cung điện hay Dinh thự hồi ấy của Quang Trung ở đâu bởi vì khi Nguyễn Ánh trở lại Phú Xuân cuối năm 1801, ông ta đã cho quân lính đập phá, triệt hạ hết tất cả những gì liên quan đến phong trào Tây Sơn, chắc chắn những Cung điện hay Dinh ấy đã bị phá hủy hoàn toàn.
Chính ông Barisy là một nhân chứng có mặt trong đoàn quân Nguyễn Ánh khi trở lại Phú Xuân cho biết: “Nguyễn Vương (tức Nguyễn Ánh) đã để cho cướp phá tất cả dinh thự của các tướng địch (Tây Sơn) và tôi tức giận các binh lính đã đập vỡ và phá hủy tất cả những thứ lọt vào tay họ; chắc chắn có những tòa nhà tuy xây cất theo lối Trung Hoa nhưng nếu ở Paris thì có lẽ được coi là những lâu đài tráng lệ, nhiều vườn đẹp trồng nhiều dị thảo và nhiều bình chóe Nhật Bản” - (trích của Đặng Phương Nghi, Những ngày tàn của Tây Sơn dưới mắt các giáo sĩ Tây Phương, Tập san Sử Địa số 21/1971).
Tuy nhiên phải đến 1 câu chú hiếm hoi, là “sợi chỉ đỏ” đã cho ông Xuân lần ra dấu vết của cung điện trên. Đó chính là, ngày 29 tháng 7 (nhuận) năm Nhâm Tý (1792), vua Quang Trung mất, Ngô Thì Nhậm được cử sang Trung Quốc báo tang và cấu phong cho vua Cảnh Thịnh (Quang Toản). Vì uy tín của vua Quang Trung rất lớn, nhà nước Trung Hoa lúc ấy đã có những nghi lễ đón tiếp trọng thị. Điều đó làm cho Ngô Thì Nhậm càng cảm niệm công ơn to lớn của vua Quang Trung. Trong khi đang xúc động ấy, ông đã viết bài “Cảm hoài”. Câu 8 bài thơ: Đan Dương cung điện nhật tam thu (trông về Cung điện Đan Dương một ngày coi bằng ba thu), tác giả đã chú thêm một thông tin cho cụm từ Cung điện Đan Dương ở dưới là “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta”.
“Đây là một nguyên chú ở dưới bài thơ chứ không phải là một câu thơ trong một bài thơ. Câu chú này là một thông tin lịch sử, là một chỉ dẫn cho đời sau cực kỳ quan trọng trong hoàn cảnh nhà Nguyễn nghiêm cấm đề cập đến những thông tin có liên quan đến phong trào Tây Sơn, đặc biệt đối với Nguyễn Huệ - Quang Trung. Bài thơ và lời chú cho biết vua Quang Trung có một cung điện tên là Đan Dương, cung điện này ở vùng núi, sau đó được sử dụng làm lăng cho vua Quang Trung, nên gọi là Sơn Lăng” – trích lời NNC Nguyễn Đắc Xuân trong cuốn sách của chính ông “Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương – Sơn Lăng của Hoàng đế Quang Trung tái bản lần 1, Nhà xuất bản Thuận Hóa Huế, 2015
Theo ông Xuân, không chỉ bài Cảm hoài mà trong nhiều bài thơ khác, Ngô Thì Nhậm cũng nhắc đến Đan Dương Lăng, Đan Lăng. Như bài thơ “Đạo ý” có viết “Vọng Đan Dương”; bài “Khâm vãn Đan Dương Lăng (Kính viếng Lăng Đan Dương); Bài “Sóc vọng thị tấu nhạc, Thái Tổ Miếu, cung ký” (Ngày lễ rằm, mồng một tấu nhạc miếu Thái tổ, kính ghi) có câu: “Đan Lăng thức mục tử vân thâm” (Chốn Đan Lăng ngước mắt, áng tử vân âm u); Bài “Tòng giá bái tảo Đan Lăng, cung ký” (Theo xa giá đi bái tảo Đan Lăng, kính ghi) – trong bài này lại có câu “Sơn Lăng vạn cổ điện Thần kinh” (Sơn lăng muôn thuở ở chốn Kinh đô).
Người em rể của Ngô Thì Nhậm là Phan Huy Ích cũng đã nhiều lần đề cập đến Đan Lăng. Trong một bài thơ xướng họa với ông anh vợ đồng triều, Phan Huy Ích tâm sự về nỗi nhớ tiếc cuộc gặp gỡ của hai người với vua Quang Trung, khó lòng tìm được một cuộc gặp gỡ như thế nữa, ở câu “Khúc Đan Dương ở trước mặt, muôn nỗi cảm hoài”.
Năm 1799, bà Thái Vũ Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân mất, Phan Huy Ích viết hộ cho Quang Toản một điếu văn, tác giả đã để lộ cho biết triều Quang Toản đã thỏa mãn nguyện vọng muốn được mãi mãi ở cạnh vua Quang Trung của bà Ngọc Hân, triều đình đã cho táng bà bên cạnh lăng vua Quang Trung, tức Đan Dương. Điếu văn có đoạn: “Nguyện cũ hẳn nay trọn vẹn/ Bên Đan Lăng quanh quất mạch liên châu”.
Đan Lăng là lăng đỏ. Ngày xưa đặt tên đất theo Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ), những di tích phía nam có mang ý nghĩa đỏ (phía bắc màu đen, phía đông màu xanh, phía tây màu trắng và trung tâm màu vàng). Như thế, vị trí của Đan Lăng nằm về phía nam của Kinh đô Phú Xuân lúc ấy. Riêng chữ Sơn Lăng cũng gợi lên hình ảnh cái lăng ở vùng núi. Trong thực tế vùng đồng bằng xứ Huế hay bị ngập lụt, lăng mộ của vua chúa thường nằm trên vùng núi cả. Vậy Đan Lăng hay Cung điện Đan Dương của vua Quang Trung nằm ở vùng núi nào?
Lăng mộ Hoàng đế Quang Trung được táng ở bờ nam sông Hương
NNC Nguyễn Đắc Xuân trao đổi “Lăng mộ của Nguyễn Huệ (vua Quang Trung) đã bị hủy. Nhưng lăng mộ đó ở đâu không thấy bộ sách Thực Lục của Quốc Sử quán triều Nguyễn thông báo. Phải đợi đến hơn 50 năm sau (1852), Nguyễn Trọng Hợp và các sử thần ở Quốc Sử quán triều Nguyễn trong Kinh thành viết bộ Đại Nam chính biên liệt truyện (sơ tập), trong Quyển XXX “Ngụy Tây”, khi viết về tiểu sử vua Quang Trung mới hé cho biết lăng mộ vua Quang Trung đã được “táng vu Hương Giang chi nam” có nghĩa là táng ở bờ nam sông Hương. Như vậy khẳng định lăng mộ vua táng ở Huế chứ không phải như dư luận là táng ở Linh Đường Hà Nội, Nghệ An, Bình Thuận hay bất cứ một nơi nào khác.
“Bờ nam sông Hương tương đối dài, tôi đã đi khảo sát và tìm một vùng cao ráo, đẹp khả dĩ có thể xây lăng mộ cho vua được. Vùng tôi quan tâm đầu tiên chạy dài từ Phủ Cam lên đến gò Dương Xuân. Nhưng cũng quá rộng. Tôi lại tìm bằng cách thống kê cách viết phương hướng của các sử thần triều Nguyễn viết Đại Nam Nhất Thống Chí. May sao tôi đã thấy được các sử thần triều Nguyễn ngồi trong Đại Nội, khi nào viết về các địa điểm “phía Nam Kinh thành”, “phía nam sông Hương” đều nằm trên hoặc hai bên cái trục nối từ Phu Văn Lâu lên đến đàn Nam Giao. Tôi đã tin Lăng mộ vua Quang Trung nằm gần cái trục Phu Văn Lâu - Đàn Nam Giao.
Nhưng từ sau khi có được trong tay nhiều lai cảo của Phan Huy Ích, tôi định vị được địa bàn từng là nơi tọa lạc lăng mộ vua Quang Trung. Thứ nhất trong nguyên dẫn bài thơ “Mùa xuân ở công quán ghi việc”, Phan Huy Ích (làm Thị trung ngự sử ở Kinh đô Phú Xuân dưới trướng vua Quang Trung) viết: “Nhà của quan Thái sư (Bùi Đắc Tuyên) là chùa Thiền Lâm cũ, nằm phía nam sông Hương, nha thuộc cũng đến ở chung quanh chùa”. Thông tin đó chứng tỏ Lăng mộ vua Quang Trung cùng nằm một hướng “phía nam sông Hương” với chùa Thiền Lâm (tên cũ – hiện là chùa Thuyền Lâm nơi đang có cuộc khảo cổ hiện tại)” – ông Xuân khẳng định giả thuyết vị trí lăng vua Quang Trung.
Ở điểm tiếp theo qua Tơ văn Phan Huy Ích tập II, Dụ Am Ngâm Lục, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1978, tại trang 122-124, đăng bài thơ sau đây rút trong tập Dật Thi Lược Toản. Phiên âm: Khí trí đào danh xử bất tài/ Khưu viên ký hoạn hoán nhàn lai/ Tễ nghinh hiểu thự yên hà nhiễu/ Lương nạp thu phong hộ dũ khai/ Một sự dung nô miên thụ ấm/ Đa tình hiệp khách hựu hà bôi/ Khu đình xuất nhập tàm vô trạng/ Độc hạ quân tri chỉ dục hồi. Dịch nghĩa: Bỏ khôn, trốn danh, tự coi mình như kẻ bất tài/ Đổi nương nơi làm quan xa như gọi cảnh nhàn đến/ Lầu sớm nắng hoe, mây khói lượn quanh/ Gió thu mát mẻ, cửa ngõ rộng mở/ Rảnh việc, đầy tớ lười ngủ dưới bóng cây/ Đa tình, người khách thân cùng ta nâng chén/ Ra vào nơi cơ mật, thẹn mình không có công trạng/ May nhờ ông biết cho, chỉ rõ rằng ta muốn về.
Dưới bài này có nguyên chú: (A) Lúc bấy giờ bọn tiểu giám giữ lăng thường đến hầu rượu. (Chính nguyên chú (A) với câu “Lúc bấy giờ bọn tiểu giám giữ lăng thường đến hầu rượu” đã làm ông Xuân chú ý. Do sự việc được thể hiện trong bài thơ này xảy ra trong thời gian Phan Huy Ích ở lại trong một ngôi chùa gần chùa Thiền Lâm để đêm đêm làm việc với Thái sư Bùi Đắc Tuyên (cậu của Quang Toản, giữ chức Thái sư sau khi Quang Trung mất, thâu tóm mọi quyền hành đầu triều, ở tại chùa Thiền Lâm). Thời gian đó vào khoảng cuối năm 1792 (sau khi vua Quang Trung băng hà) đến đầu năm 1795 (trước khi Bùi Đắc Tuyên bị giết bởi Đại tư đồ Võ Văn Dũng trong triều Tây Sơn do Thái sư quá lộng quyền).
Trong thời gian đó ở Phú Xuân chỉ có 2 lăng mộ của vua Quang Trung và và lăng mộ bà chính hậu họ Phạm của vua Quang Trung mất năm 1791, táng tại chân núi Kim Phụng. Tiểu giám giữ lăng bà chính hậu họ Phạm (nếu có) thì cũng ở xa vị trí chùa Thiền Lâm – chỗ ở của Thái sư Tuyên, sẽ khó lòng thường đến gần chùa Thiền Lâm hầu rượu Phan Huy Ích được. Như vậy chỉ có Tiểu giám giữ lăng vua Quang Trung ở gần chùa Thiền Lâm mới thường đến hầu rượu Phan Huy Ích mà thôi.
“Như vậy lăng mộ vua Quang Trung nằm cùng hướng “nam sông Hương” với chùa Thiền Lâm – nơi ở Thái sư Bùi Đắc Tuyên và tọa lạc ở đâu đó cũng gần chùa Thiền Lâm. Chùa Thiền Lâm trở thành tâm điểm cần phải khám phá. Tôi đi tìm chùa Thiền Lâm” – ông Xuân thổ lộ.
Chất chứa nhiều bí ẩn ở chùa Thiền Lâm – phủ Thái sư triều Tây Sơn
Bản gốc chữ Hán (đời Duy Tân) sách Đại Nam Nhất Thống Chí - tỉnh Thừa Thiên, tập thượng, tại trang 45a & 45b viết về chùa Thiền Lâm, Tu Trai Nguyễn Tạo dịch như sau:
“CHÙA THIỀN-LÂM. Ở xã An-Cựu. Tương truyền Hòa-thượng Thạch-Liêm lập lên, cảnh trí u tịch. Khi trước Thái-sư Tây-Sơn là Bùi-Đắc-Tuyên chiếm ở, sau Tuyên bại, người trong ấp nhân đó sửa lợp lại. Trong niên hiệu Gia-Long, Thừa-Thiên Cao-Hoàng-Hậu quyên tiền trùng tu, nay lần hư hỏng chỉ còn chùa chính. Bên tả chùa có 1 cái chuông đồng lớn cao 4 thước, lưng tròn 6 thước, dày 4 tấc, ở bên có khắc chữ: đúc năm Vĩnh-Thạnh 12 (1716), Vĩnh-Thạnh tức là niên hiệu vua Lê-Dụ-Tôn vậy. Đầu niên hiệu Gia-Long dẹp xong Bắc-Thành chở về đăng vào kho, sau sửa chùa xong, dời đem lên chùa”.
Dựa theo địa danh An Cựu là nơi tọa lạc chùa Thiền Lâm, ông Xuân đã đi tìm ngôi chùa này ở xã An Cựu. Suốt nhiều năm ông đi khảo sát khắp vùng An Cựu không thấy chùa Thiền Lâm đâu cả.
Tiếp đó, người địa phương chỉ cho ông một chùa Thiền Lâm trên đồi Quảng Tế. Quá vui mừng, nhưng khi tìm đến nơi thì chùa Thiền Lâm nầy tọa lạc 22/54 Lê Ngô Cát, Tổ 9, Khu vực 2 Phường Thủy Xuân, thuộc Phật giáo Nam Tông mới khai sơn hồi đầu những năm sáu mươi của Thế kỷ XX, không phải chùa Thiền Lâm mà ông muốn biết.
Ông tiếp tục nghiên cứu tư liệu. Trong lời dẫn bài thơ Kinh Thiền Lâm phế tự cảm tác, Phan Huy Ích viết: “Tự tại Dương Xuân xã sơn” (Chùa ở núi thuộc xã Dương Xuân). Sách Đại Nam Nhất Thống Chí biên soạn thời Tự Đức thì chùa Thiền Lâm (cùng với chùa Tuệ Lâm, Từ Đàm, Kim Tiên) đều ở ấp Bình An. Không phải tại xã An Cựu. Ông Xuân xem tiếp trên bản đồ các chùa ở Huế cuối thế kỷ XIX trích trong sách Hàm Long Sơn Chí (tại thư viện chùa Từ Đàm) thì chùa Thiền Lâm được ghi số 3 nằm ngay trên con đường từ bờ sông Lợi Nông lên đàn Nam Giao (tức Nam Giao Tân Lộ hay Điện Biên Phủ ngày nay). Vị trí đó nhằm vào địa điểm chùa Thuyền Lâm tại số 150 Điện Biên Phủ, phường Trường An, TP Huế ngày nay.
“Nghiên cứu kỹ nội dung chùa Thiền Lâm được viết trong Đại Nam Nhất Thống Chí thời Tự Đức và thời Duy Tân tôi thấy có những điểm khó hiểu sau đây: Thời Tự Đức viết 4 chùa gần nhau là Kim Tiên, Tuệ Lâm, Từ Đàm và Thiền Lâm đều ở ấp Bình An. Tuy nhiên thời Duy Tân vẫn giữ các chùa Kim Tiên, Tuệ Lâm, Từ Đàm ở ấp Bình An, riêng chùa Thiền Lâm ở giữa các chùa trên lại chuyển qua xã An Cựu cách xa ấp Bình An hàng mấy cây số. Vì sao có sự làm nhiễu thông tin địa điểm tọa lạc của chùa Thiền Lâm như thế ? Có vấn đề gì mà Triều Nguyễn phải giấu địa điểm tọa lạc của chùa Thiền Lâm như thế? Làm nhiễu thông tin về địa điểm tọa lạc của chùa Thiền Lâm cũ với mục đích gì? Đây là một vấn đề lịch sử cần làm rõ” – ông Xuân đặt nghi ngờ về việc sử triều Nguyễn (1802-1945) chuyển địa điểm chùa.
Ông Xuân cũng đã phát hiện thông tin Đại Nam Nhất Thống Chí đời Duy Tân viết “Tương truyền Hòa-thượng Thạch-Liêm lập lên” có nghĩa chùa Thiền Lâm do Hòa thượng Thạch Liêm/ Thích Đại Sán (người Hán, trú ở Quảng Đông, Trung Quốc ,theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu đến Đàng Trong vào 13/3/1695 ở chùa Thiền Lâm để hoằng dương chánh pháp cho phật tử, trong đó có Chúa và gia đình của Chúa, tổ chức Đại giới đàn từ 1-8/4 năm 1695; do đau ốm nên phải đến 6 năm sau mới về lại được Quảng Đông) không đúng. Khai sơn chùa Thiền Lâm là Hòa thượng Khắc Huyền, tháp tổ còn nằm bên kia đường Điện Biên Phủ.
Chính Hòa thượng Thạch Liêm / Thích Đại Sán viết trong Hải Ngoại Kỷ Sự rằng Hòa thượng được chúa Nguyễn Phúc Chu bổ trí thuyết pháp tại chùa Thiền Lâm. Hòa thượng cho biết lúc Hòa thượng mới đến, chùa Thiền Lâm chỉ là một cái chùa nhỏ “ba gian lợp bạch mao", với vị trí: “dựng ở đầu cao chất ngất, xuyên ngang gò núi một đường thông" và: "đôi dòng nước biếc tưới ven biền". Vì thế Hòa thượng Thích Đại Sán than phiền với chúa Nguyễn Phúc Chu là chùa: “chật hẹp không được khoan khoái”. Chúa Nguyễn Phúc Chu liền cho vừa lính vừa thợ chừng một ngàn người làm việc trong ba ngày thì hoàn thành: “một tòa phương trượng 5 gian, 32 cột, bốn phía có hành lang, vách tường, rầm thượng, rầm hạ đều bằng ván, và một nhà hậu liêu 5 gian, 20 cột” chùa Thiền Lâm trở thành một ngôi đại tự, từ đó chùa mới liên quan đến Hòa thượng Thạch Liêm chứ không phải Hòa thượng Thạch Liêm là lập nên chùa này. Vì sao có sự sai lệch như vậy vẫn là một dấu hỏi lớn?
Khi xác định được địa điểm chính thức của ngôi chùa lịch sử, ông Xuân đến thì chùa gặp được Tỷ-kheo Thích Chơn Trí (hiện là Thượng tọa Thích Chơn Trí) rất thân quen của ông từ chùa Tường Vân vừa ra trú trì năm 1990. Với sự hướng dẫn của Tỳ-kheo Thích Chơn Trí ông Xuân phát hoảng với nhiều điều bí ẩn lạ thường tại chùa này như: Bia biển gốc của chùa đều bị đục xóa, nhiều tấm bị chôn sâu dưới đất;các thầy chùa đào đất trồng rau, trồng sắn gặp hàng ngàn viên gạch vồ có khuôn dấu, hàng chục viên đá táng và nhiều tảng đá lạ khác thường - chùa đã tận dụng số gạch nhặt được xây dựng được nhiều kiến trúc mới.
Ngài Tỳ-kheo Chơn Trí cũng thắc mắc với ông Xuân: Vật liệu xây dựng nầy là giải hạ của một kiến trúc của nhà nước chứ không phải của dân vì nó to lớn và rất mới. Gạch đá đó phải là của những kiến trúc lịch sử quan trọng liên quan đến vua chúa, còn dân ta ngày xưa làm gì có được những thứ vật liệu quý hiếm đó.
Vậy kiến trúc bị triệt hạ đó là kiến trúc gì ? Thời nào ? Của ai? Vì sao bị triệt hạ? Vì sao vật liệu còn tốt vậy mà lại đem chôn dưới đất? Vì sao bia biển của chùa mà lại bị đục, xóa? Ông Xuân cho rằng “Chùa Thiền Lâm hiện nay đã được dựng trên một khu đất đã từng vùi lấp một kiến trúc nào đó đã bị triệt phá”.
Hiện tại những ngày này trong quá trình khảo cổ ở chùa Thuyền Lâm đã đào được một số gạch cổ, nồi đất dưới chân chùa. Phía sân sau của chùa vẫn còn nhiều đá táng, đá tròn được các thầy chùa xếp thành bàn uống trà; và một số đá bệ lớn, tấm bia bị đục chữ mòn không thấy nội dung…
Một số hình ảnh những hiện vật lạ tại chùa Thuyền Lâm:
Đại Dương
(còn tiếp…)