KTS. Võ Trọng Nghĩa và ekip giành giải thiết kế của châu Á

(Dân trí) - Công trình “ Nhà hàng Sơn La” của KTS. Võ Trọng Nghĩa và ekip đã đoạt giải Gold ARCASIA 2017 tại Jaipur, Ấn Độ cho hạng mục công trình thương mại và “Giải Honorable mention” cho hạng mục công trình bền vững.

Chưa dừng lại ở đó, công trình “Nhà hàng Rộc Vòn” do KTS. Võ Trọng Nghĩa chủ trì thiết kế tiếp tục đoạt 2 “ Giải Honorable mention” cho hạng mục công trình thương mại và công trình bền vững.

ARCASIA được biết đến như là một giải thưởng uy tín của Hội Kiến trúc sư Châu Á được diễn ra hàng năm nhằm tôn vinh các công trình kiến trúc tiêu biểu cho các hạng mục công trình nhà riêng, công trình thương mại, công trình bền vững, công trình trách nhiệm xã hội, công trình công cộng, công sở…

Năm nay, giải thưởng Kiến trúc châu Á ARCASIA Awards-AAA (2017) được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn Kiến trúc Châu Á lần thứ 19 tại Jaipur, Ấn Độ. Giải thưởng nhằm tôn vinh những công trình được thiết kế và xây dựng bởi các kiến trúc sư châu Á. Bên cạnh đó, ARCASIA Awards còn nhằm cổ vũ và nâng cao tinh thần Á châu trong thiết kế Kiến trúc, trong sự phát triển và cải tiến môi trường xây dựng cũng như nhấn mạnh vai trò của các KTS trong bối cảnh kinh tế- xã hội và văn hóa tại châu Á.

“Nhà hàng Sơn La”- công trình đã đoạt “Giải Gold” và “Giải Honorable mention” tại giải ARCASIA 2017.
“Nhà hàng Sơn La”- công trình đã đoạt “Giải Gold” và “Giải Honorable mention” tại giải ARCASIA 2017.

“Nhà hàng Sơn La”- công trình đã đoạt “Giải Gold” và “Giải Honorable mention” tại giải ARCASIA 2017 cho 2 hạng mục công trình thương mại và công trình bền vững là một nhà hàng, nằm trong tổ hợp thương mại của một khu có tiềm năng về kinh tế của tỉnh Sơn La cũng là một giải pháp cho một công trình kiến trúc giản dị, hòa quyện với vẻ đẹp núi đồi và giảm thiểu chi phí thi công, công vận hành.

Vật liệu chính xây dựng công trình là đá xẻ, tre, luồng, vọt đều là những vật liệu tự nhiên có sẵn tại địa phương, kết hợp với lợi thế là tại Việt Nam cũng như tại tỉnh Sơn La, nguồn nhân công dồi dào cùng tay nghề kỹ thuật, thủ công cao đã khiến ý tưởng xây dựng nên một công trình đẹp giản dị với chi phí xây dựng thấp đã được thực hiện.

Bên trong Nhà hàng Sơn La.
Bên trong Nhà hàng Sơn La.

Ngoài ra, để phù hợp với khí hậu cần thông thoáng vào mùa hè, nhưng kín gió, ấm áp vào mùa đông, công trình được tổ hợp 8 khối cao thấp khác nhau tạo nên không gian chung thoáng đãng và không gian riêng tư ấm cúng với view nhìn mở ra các khu vườn thiên nhiên.

Không gian mỗi khối chính là nơi mà nét văn hóa giao lưu, gắn kết cộng đồng theo từng nhóm nhỏ, qua ẩm thực và chén rượu của người dân Sơn La. Kết nối các không gian riêng là hệ mái vọt lợp cao và rộng với kết cấu chịu lực chính là” luồng”.

Để phù hợp với khí hậu cần thông thoáng vào mùa hè, nhưng kín gió, ấm áp vào mùa đông, công trình được tổ hợp 8 khối cao thấp khác nhau.
Để phù hợp với khí hậu cần thông thoáng vào mùa hè, nhưng kín gió, ấm áp vào mùa đông, công trình được tổ hợp 8 khối cao thấp khác nhau.

Đây cũng là một giải pháp sử dụng vật liệu địa phương để có một không gian thoáng đãng và phản ánh được một phần văn hóa thích gần gũi với thiên nhiên của Sơn La. Từng cây luồng với tiết diện 80-100mm được bó thành hệ cột và hệ dầm chính gồm 5 thanh tre đan xen với nhau, kết cấu tối giản tạo vẻ đẹp thô mộc, thông thoáng cho kiến trúc công trình.

“Nhà hàng Rộc Vòn” cách thành phố Hà Nội 30km, nằm ngay bên cạnh trục đường chính nối liền Hà Nội - Hòa Bình. Đây là một khu vực khá quen thuộc cho việc dừng đỗ xe buýt và xe hơi để nghỉ ngơi thư giãn trong các chặng đường dài, và đây cũng là điểm đến của người Hà Nội khi thực hiện một chuyến dã ngoại trong ngày.

“Nhà hàng Rộc Vòn”.
“Nhà hàng Rộc Vòn”.

Để tạo nên một không gian riêng và giúp du khách tránh được sự ồn ào của các tuyến quốc lộ, mặt sàn của nhà hàng được thiết kế thấp hơn mặt đường.

Sau khi bước xuống từ con đường đông đúc để vào không gian nhà hàng, khách sẽ bắt gặp một hồ nước tự nhiên với một mái vòm bằng tre ở phía trên đầu. Mười hai cột tre với hình dạng vươn dần lên trên hỗ trợ cho kết cấu mái của khu vực ăn uống lộ thiên. Sân khấu trung tâm được thiết kế dạng cong để chuẩn bị cho các sự kiện diễn ra cùng lúc tạo nên một bầu không khí thân mật.

Việc sử dụng vật liệu tự nhiên trong một không gian kiến trúc mở tạo cảm giác kết nối con người với kiến trúc truyền thống và văn hóa miền Bắc.
Việc sử dụng vật liệu tự nhiên trong một không gian kiến trúc mở tạo cảm giác kết nối con người với kiến trúc truyền thống và văn hóa miền Bắc.
KTS. Võ Trọng Nghĩa và ekip giành giải thiết kế của châu Á - 6

Hai vật liệu chủ yếu tạo nên công trình là tầm vông và luồng. Mỗi loại tre có một đặc tính riêng biệt và đều rất quan trọng trong cấu trúc xây dựng. Tre được xử lý bằng phương pháp truyền thống tự nhiên của người Việt Nam để đạt được chất lượng tốt và có độ bền lâu dài. Việc xử lí tự nhiên cũng góp phần vào sự bền vững của các công trình xây dựng.

Khu vực phụ trợ là một khối nhà tách biệt với các bức tường được ốp đá ong- một loại vật liệu địa phương. Những khối đá ong màu cam cùng với không gian kiến trúc bằng tre tạo nên một màu sắc truyền thống.

Việc sử dụng vật liệu tự nhiên trong một không gian kiến trúc mở tạo cảm giác kết nối con người với kiến trúc truyền thống và văn hóa miền Bắc Việt Nam.

PV