Kiến trúc “giải cứu thế giới”

(Dân trí) - Kiến trúc không đơn thuần chỉ là vấn đề công năng hay thẩm mỹ, kiến trúc còn là phương tiện giúp con người hòa vào thế giới xung quanh, hay thậm chí là “giải cứu thế giới”.

 

Kiến trúc “giải cứu thế giới” - 1

Ngày nay, loài người chúng ta đang phải đối mặt với những hậu quả nặng nề trên mọi phương diện của cuộc sống: Ô nhiễm môi trường ngày một gia tăng, xung đột tôn giáo, tranh giành lãnh thổ, tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt. Đây là hậu quả tất yếu từ lối sống xa rời thiên nhiên của loài người.

Theo thống kê, ở Việt Nam, diện tích cây xanh trên đầu người thấp bậc nhất thế giới (chỉ khoảng 0.7m²/người ở TPHCM và khoảng 1m²/người ở Hà Nội), so với Singapore là 60m²/người, Hồng Kông là 103m²/người. Diện tích cây xanh trên đầu người mà WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) khuyến cáo ở mức tối thiểu là 9m²/người.

Với tốc độ gia tăng dân số nhanh chóng và sự phát triển không ngừng của đô thị hóa, công nghiệp hóa như ở Việt Nam và ở nhiều nước khác trên thế giới, diện tích cây xanh sẽ tiếp tục giảm trong tương lai và môi trường sống của chúng ta sẽ bị đe dọa ngày càng nghiêm trọng hơn nếu chúng ta tiếp tục duy trì cách sống xa rời với thiên nhiên.

Kiến trúc “giải cứu thế giới” - 2

Trong bối cảnh môi trường sống có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, người kiến trúc sư có nhiệm vụ quan trọng nhất là mang lại màu xanh cho cuộc sống của mỗi gia đình, mà khi nhân rộng ra, sẽ chính là mang lại màu xanh cho Trái đất.

Bằng những công trình kiến trúc lớn, những dự án quy hoạch đô thị và bằng cả những căn nhà nhỏ, người kiến trúc sư của thời đại này đều nên cố gắng đưa cây xanh vào các công trình, để mỗi công trình là một công viên xanh. Chúng ta thường gọi đó là “kiến trúc xanh”.

Đến với triển lãm TOTO Gallery MA lần thứ 30 - một trong những tổ chức triển lãm uy tín hàng đầu thế giới về kiến trúc, công ty của kiến trúc sư nổi tiếng Võ Trọng Nghĩa đã lựa chọn chủ đề “Save Our Earth” (Cứu Trái đất) và đem đến triển lãm công trình kiến trúc “Bamboo Forest” (Rừng tre) với mong muốn gửi gắm một thông điệp xanh đến kiến trúc thế giới, về việc cần sử dụng kiến trúc như một phương tiện giúp con người gần gũi với thiên nhiên hơn.

Công trình sẽ được khai mạc vào ngày 17/10 tại Triển lãm TOTO Gallery MA ở Tokyo, Nhật Bản.
Công trình sẽ được khai mạc vào ngày 17/10 tại Triển lãm TOTO Gallery MA ở Tokyo, Nhật Bản.

Công trình kiến trúc “Bamboo Forest” là một công trình được làm hoàn toàn bằng tre - một vật liệu thân thiện với môi trường. Công trình được thực hiện với một kết cấu độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc Việt, đồng thời, đảm bảo sự vững chãi cho công trình kể cả trong điều kiện thiên nhiên khí hậu nhiều giông bão như ở một số vùng của Việt Nam, hay thậm chí là động đất ở Nhật Bản.

Đặc biệt, trên phần mái của công trình có trồng 28 cây tre trên các khung kết cấu tre, tạo thành một rừng cây ngay trên mái công trình với diện tích được sử dụng là 100m² - một diện tích không quá lớn. Đặc biệt hơn, công trình này chỉ xây dựng trong thời gian là 3 tuần với một đội ngũ chỉ gồm 4 người, bao gồm kiến trúc sư, kỹ sư, kỹ thuật viên và một sinh viên.

“Bamboo Forest” đã được gửi gắm một thông điệp mạnh mẽ về kiến trúc xanh, rằng kiến trúc không đơn thuần chỉ là vấn đề về công năng hay đẹp xấu, kiến trúc còn là phương tiện giúp con người gần gũi với thiên nhiên hơn.

Những hình ảnh về công trình “Bamboo Forest”:

Kiến trúc “giải cứu thế giới” - 4
Kiến trúc “giải cứu thế giới” - 5
Kiến trúc “giải cứu thế giới” - 6
Kiến trúc “giải cứu thế giới” - 7
Kiến trúc “giải cứu thế giới” - 8
Kiến trúc “giải cứu thế giới” - 9
Kiến trúc “giải cứu thế giới” - 10

PV

Kiến trúc “giải cứu thế giới” - 11