TPHCM:
Kiến nghị phục hồi di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia chùa Hội Sơn
(Dân trí) - UBND TPHCM vừa có văn bản gửi Bộ Văn Hóa - Thể thao và Du lịch phê duyệt chủ trương lập dự án phục hồi di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia chùa Hội Sơn (quận 9) để sớm phục dựng lại di tích chùa Hội Sơn phục vụ nhân dân và Phật tử.
Chùa Hội Sơn tọa lạc tại số 1A1 đường Nguyễn Xiển, phường Long Bình, quận 9, TPHCM, được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch) xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo quyết định số 43- VH/QĐ ngày 7/1/1993.
Vào ngày 17/7/2012, chùa Hội Sơn đã xảy ra sự cố chập điện ở Khu chánh điện, đã hủy hoại toàn bộ các hạng mục công trình ở Khu chánh điện bao gồm: tiền điện, chánh điện, tổ đường, giảng đường.
Theo UBND TP, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tổ chức nhiều cuộc họp với Cục Di sản văn hóa và các Sở, Ban ngành của thành phố nghiên cứu thực trạng công trình.
Qua các cuộc họp, các bên đều thống nhất cần phục dựng lại di tích chùa Hội Sơn (Khu chánh điện) dựa trên nền vị trí cũ và hình thức kiến trúc hiện hữu khi tiến hành lập hồ sơ xếp hạng di tích vào năm 1993, có xem xét mở rộng thêm diện tích và chiều cao theo cùng tỷ lệ với công trình cũ để đảm bảo yêu cầu sử dụng mới và yêu cầu về an toàn phòng cháy chữa cháy.
Chùa Hội Sơn là một ngôi chùa cổ và là một thắng cảnh nổi tiếng đã được nhắc đến trong “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức. Được biết, chùa Hội Sơn có khuôn viên khoảng 3ha là một quần thể trong đó có nhiều kiến trúc lâu đời. Chùa được xây dựng cách nay hơn 200 năm có đường nét kiến trúc giao thoa văn hóa của 3 dân tộc Việt, Hoa và Khmer. Chùa còn lưu giữ 46 hiện vật quý, trong đó có 30 bức tượng cổ, 6 bức hoành phi cổ, 9 bài vị các vị tổ, 3 bàn thờ gỗ. Đáng lưu ý có các bức tượng Chuẩn Đề, Tiêu Diện, Di đà ngồi tòa sen. Đây là các bức tượng gỗ có từ thế kỷ XVIII cùng thời với ngôi chùa. Bên cạnh đó còn có nhiều tượng khác như Tây Phương tam thánh, hộ pháp, thập bát la hán, Quan âm thị kính… Ngoài ra tại chánh điện còn có bức đại tự “Đại Đức Hồng Danh” của vua Khải Định ban tặng nhân dịp nhà vua vãn cảnh chùa. |