Khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu đón Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt

(Dân trí) - Sáng ngày 16/12, UBND tỉnh Nghệ An long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 150 năm ngày sinh chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu. Nhân dịp này Thủ tướng Chính phủ quyết định trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt cho Khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu.

Kỷ niệm 150 năm ngày sinh chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu

Dự lễ kỷ niệm có ông Vương Đình Huệ - Phó Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương. Về phía Nhật Bản có ông Miyazawa Hiroyuki - Nghị sĩ Quốc hội Nhật Bản, đại diện Hội Hữu nghị Nhật Bản – Việt Nam, Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản – Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản... Từ Canada, ông Phan Thiệu Cát – cháu nội cụ Phan Bội Châu đã về dự lễ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cho Khu Di tích lưu niệm Phan Bội Châu
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cho Khu Di tích lưu niệm Phan Bội Châu

Phan Bội Châu (tên thật là Phan Văn San) sinh ngày 26/12/1867 trong một gia đình nhà nho nghèo ở làng Đan Nhiệm, nay là xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Ông xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo ở một miền quê giàu truyền thống văn hóa và yêu nước. Trong hành trình thực hiện sứ mệnh cứu nước của mình, Phan Bội Châu từ anh Giải San (Giải nguyên Phan Văn San) xứ Nghệ, sớm trở thành một đại biểu sáng giá nhất trong giai đoạn đầu thế kỷ XX, với một hành trình vượt biên giới đến với nhiều khu vực của Đông Á và Đông Nam Á, khắc phục mọi giới hạn chật hẹp của địa phương và Quốc gia, để biến lòng yêu nước thành tự tôn dân tộc.

Các phong trào yêu nước do Phan Bội Châu phát động như Duy Tân hội, Đông Du, Việt Nam Quang phục hội... đã lôi cuốn, hấp dẫn các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng. Đặc biệt là tầng lớp thanh niên, họ xem cụ Phan như thần tượng, như hình mẫu lý tưởng để phấn đấu.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại lễ kỷ niệm
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại lễ kỷ niệm

Nổi bật là phong trào Đông Du với tư tưởng vượt thời đại của một nhà nho thời bấy giờ. Phan Bội Châu đã làm thay đổi nhận thức của nhiều thanh niên, phải học để đổi mới tư duy, chấn hưng dân khí, dân trí. Đây thực sự là một sự thay đổi tư tưởng, từ tư tưởng học để làm quan nhằm “vinh thân phì gia”, thành học để cứu nước, cứu dân.

Phong trào Đông Du đã đặt nền móng cho những thay đổi sâu sắc của nước ta đầu thế kỷ XX, góp phần đào tạo đội ngũ trí thức sẵn sàng tiếp nhận con đường cách mạng vô sản, nhiều người sau này trở thành những yếu nhân của Cách mạng Việt Nam như Hồ Học Lãm, Đặng Thúc Hứa, Võ Tùng, Nguyễn Đức Công, Nguyễn Thức Đường…


Chương trình nghệ thuật “Những vần thơ dậy sóng” giàu chất sử thi do các nghệ sĩ Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca Xứ Nghệ biểu diễn tại lễ kỷ niệm

Chương trình nghệ thuật “Những vần thơ dậy sóng” giàu chất sử thi do các nghệ sĩ Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca Xứ Nghệ biểu diễn tại lễ kỷ niệm

Phan Bội Châu không chỉ là nhà yêu nước lớn tiêu biểu cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam trong mấy chục năm đầu thế kỷ XX, mà còn là nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng có giá trị "thức tỉnh hồn nước”. Ông và sự nghiệp của mình có vị trí rất quan trọng trong lịch sử Việt Nam thời cận đại.

Phan Bội Châu không chỉ là nhà đại ái quốc, mà còn là nhà văn hóa lớn, di sản ông để lại cho hậu thế không chỉ là kho tàng trước tác đồ sộ, phong phú chứa đựng một lượng tri thức khổng lồ, mà trước hết và trên hết là tấm lòng kiên trinh với đất nước, là một nhân cách cao đẹp, một phong cách tư duy nhạy bén, mẫn tiệp.

Phan Bội Châu là sứ giả văn hóa giữa hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản. Mối quan hệ thân thiết giữa Phan Bội Châu với những người bạn Nhật Bản, đặc biệt là bác sĩ Asaba Sakirato, trở thành cầu nối giao lưu văn hóa, khoa học, giáo dục giữa hai đất nước, góp phần bồi đắp thêm tình hữu nghị quốc tế Việt Nam - Nhật Bản.

Phan Bội Châu là sứ giả văn hóa giữa hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản. Trong ảnh là trích đoạn trong phân cảnh Phan Bội Châu dựng bia cảm tạ sự giúp đỡ của bác sĩ Asaba Sakirato - người đã dốc hết tài sản ủng hộ cho phong trào Đông Du của mình trong thời gian ở Nhật
Phan Bội Châu là sứ giả văn hóa giữa hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản. Trong ảnh là trích đoạn trong phân cảnh Phan Bội Châu dựng bia cảm tạ sự giúp đỡ của bác sĩ Asaba Sakirato - người đã dốc hết tài sản ủng hộ cho phong trào Đông Du của mình trong thời gian ở Nhật

Cả cuộc đời Phan Bội Châu đã cống hiến trọn vẹn cho phong trào giải phóng dân tộc, như lời nhận xét của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Phan Bội Châu là “vị anh hùng, bậc thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập dân tộc, được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng”.

Nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, thay mặt Đảng, Nhà nước, Chính phủ, ông Vương Đình Huệ - Phó Thủ tướng Chính phủ đã trao Bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt đối với Khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu tại thị trấn Nam Đàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường đọc diễn văn kỷ niệm 150 năm ngày sinh chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường đọc diễn văn kỷ niệm 150 năm ngày sinh chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Di tích lưu niệm Phan Bội Châu tại Nam Đàn được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt thể hiện sự đánh giá cao của Đảng, Nhà nước đối với những giá trị to lớn của di tích; là sự tri ân đối với công lao của chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu với lịch sử dân tộc. Đây cũng là sự ghi nhận đối với nỗ lực, cố gắng, những đóng góp tích cực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An nói chung, huyện Nam Đàn nói riêng, trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của dân tộc.

Hội thảo khoa học Quốc tế với chủ đề “Chí sĩ Phan Bội Châu - Bác sĩ Asaba Sakitaro và quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản cũng đã được tổ chức tại Nghệ An nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu
Hội thảo khoa học Quốc tế với chủ đề “Chí sĩ Phan Bội Châu - Bác sĩ Asaba Sakitaro và quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản cũng đã được tổ chức tại Nghệ An nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu

Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch, tỉnh Nghệ An, huyện Nam Đàn và các đơn vị liên quan cần nghiên cứu để có thể tôn tạo, mở rộng hợp lý không gian Khu lưu niệm Phan Bội Châu; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích đã được phê duyệt; cần kết nối, phát huy giá trị nhiều mặt của các khu di tích lịch sử, văn hóa để đưa du lịch thực sự là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh và các địa phương có lợi thế.

Phó Thủ tướng đánh giá cao Hội thảo khoa học Quốc tế với chủ đề “Chí sĩ Phan Bội Châu - Bác sĩ Asaba Sakitaro và quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản” do Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An, Đại học Waseda (Nhật Bản), Quỹ giao lưu văn hóa Quốc tế Nhật Bản vừa phối hợp tổ chức.

Triển lãm về cuộc đời và sự nghiệp chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu được tổ chức trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 150 năm ngày sinh của ông
Triển lãm về cuộc đời và sự nghiệp chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu được tổ chức trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 150 năm ngày sinh của ông

Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đã được rước từ TP Vinh về Khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu tại huyện Nam Đàn trong sáng ngày 16/12.

Trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 150 năm ngày sinh chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, nhiều hoạt động như Hội thảo khoa học quốc tế "Chí sĩ Phan Bội Châu - Bác sĩ Asaba Sakitaro và quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản", triển lãm về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Phan Bội Châu… đã được tổ chức tại TP Vinh và Nam Đàn - quê hương ông.

Hoàng Lam