Không xuất hiện trên màn ảnh, nữ diễn viên vẫn nhận thù lao 47 tỷ đồng

(Dân trí) - Nữ diễn viên Julie Andrews nhận vai trò người dẫn truyện trong bộ phim truyền hình cổ trang của Mỹ "Bridgerton".

Không xuất hiện trên màn ảnh, nữ diễn viên vẫn nhận thù lao 47 tỷ đồng - 1

"Bridgerton" là một bộ phim được đầu tư lớn với mức chi phí lên tới 5 triệu bảng/tập (tương đương gần 157 tỷ đồng)

Dù không xuất hiện trên màn ảnh phút nào nhưng nữ diễn viên kỳ cựu người Anh Julie Andrews sẽ nhận được mức thù lao lên tới 1,5 triệu bảng (tương đương 47 tỷ đồng).

Thực tế, con số này nghe qua có vẻ rất "khủng khiếp" nhưng "Bridgerton" là một bộ phim được đầu tư lớn với mức chi phí lên tới 5 triệu bảng/tập (tương đương gần 157 tỷ đồng).

Bộ phim dài 8 tập đã tạo được hiệu ứng tốt đối với người xem và giới phê bình. Nhà sản xuất kỳ vọng "Bridgerton" sẽ góp phần tạo nên một truyền thống cho kênh phim trực tuyến trình chiếu bộ phim này, để cứ đến dịp Giáng sinh, công chúng sẽ cùng chờ đón những bộ phim được thực hiện với sự đầu tư kỹ lưỡng.

Bộ phim được thực hiện dựa trên những cuốn tiểu thuyết ăn khách của nữ nhà văn người Mỹ Julia Quinn, với bối cảnh là thế giới đầy ganh đua cạnh tranh của những quý tộc sống ở London (Anh) hồi đầu thế kỷ 19, thời ấy, các cô gái quý tộc khi đến tuổi trưởng thành sẽ bắt đầu được tham gia các buổi giao tế, để chính thức ra mắt xã hội thượng lưu.

Chuyện phim xoay quanh hai gia đình Bridgerton và Featherington, mỗi gia đình đều có những người con đã đến tuổi trưởng thành.

Không xuất hiện trên màn ảnh, nữ diễn viên vẫn nhận thù lao 47 tỷ đồng - 2

Nữ diễn viên Julie Andrews nhận vai trò người dẫn truyện trong bộ phim truyền hình cổ trang của Mỹ "Bridgerton"

Nữ diễn viên Julie Andrews (85 tuổi) đóng vai trò người dẫn chuyện trong bộ phim truyền hình kinh phí lớn, bằng giọng đọc truyền cảm, bà sẽ đưa người xem bước vào thế giới có nhiều vụ việc gây xì xào bàn tán trong thế giới thượng lưu ở London.

Trước đây, nữ diễn viên Julie Andrews vốn được biết tới nhiều nhất với vai diễn trong các bộ phim kinh điển như "The Sound Of Music" (Giai điệu hạnh phúc - 1965) và "Mary Poppins" (1964).

Thực tế, dù không xuất hiện trên màn ảnh, nhưng nhân vật người dẫn chuyện của nữ diễn viên Julie Andrews vẫn có danh tính rõ ràng, đó là quý bà Whistletown, một người rất thích buôn chuyện trong giới quý tộc London.

Bộ phim cổ trang "Bridgerton" nhận được nhiều phản hồi tích cực từ giới phê bình với những nét mới lạ thú vị, chẳng hạn như dàn diễn viên bao gồm cả diễn viên da trắng và da màu, phá vỡ những quan niệm thông thường rằng phim cổ trang phương Tây sẽ chỉ toàn diễn viên da trắng.

Hơn thế, trong phim còn có nhiều cảnh nóng táo bạo, những bản nhạc cổ điển được phối lại từ những ca khúc đương đại.

Không xuất hiện trên màn ảnh, nữ diễn viên vẫn nhận thù lao 47 tỷ đồng - 3

Trước thành công của phần phim đầu, nhiều khả năng bộ phim truyền hình này sẽ được nối dài

Trước thành công của phần phim đầu, nhiều khả năng bộ phim truyền hình này sẽ được nối dài. Chuyện phim ở phần 1 xoay quanh các anh chị em trong gia đình Bridgerton, họ quyết tâm phải lấy được những người bạn đời lý tưởng trong giới quý tộc để gia tăng vị thế của gia đình.

Vì vậy, trong mùa lễ hội cuối năm với những dạ hội, vũ hội, tiệc tùng..., các anh chị em nhà Bridgerton phải chuẩn bị thật tốt, gây ấn tượng thật ngoạn mục trong mỗi lần xuất hiện để được những "mối" tốt nhất để mắt đến.

Không gian và bối cảnh trong phim đậm chất Giáng sinh, lễ hội, vừa có chất cổ điển vừa pha trộn cả nét hiện đại, làm thay đổi hình dung của người xem về phim cổ trang phương Tây nói về đời sống quý tộc thượng lưu.

Bộ phim có nhiều cảnh "nóng" táo bạo này đã phải mời chuyên gia cảnh "nóng" tới hỗ trợ các diễn viên để mọi việc diễn ra suôn sẻ, dễ dàng nhất có thể.

Bridgerton - Trailer

Để chuẩn bị cho bộ phim cổ trang này, chuyên gia thiết kế phục trang đến từ New York - bà Ellen Mirojnick cùng với nhóm 238 nhân viên của mình đã phải mất 5 tháng để thực hiện 7.500 bộ phục trang cho các nhân vật xuất hiện trong phim.

Thực tế, phục trang cho phim cổ trang rất tốn kém, đặc biệt nếu đó là phim cổ trang nói về đời sống thượng lưu, nên trước nay, các đoàn phim cổ trang phương Tây thường thuê phần lớn phục trang, rồi thêm thắt, chỉnh sửa để tiết kiệm chi phí, chỉ có một số bộ phục trang thực sự quan trọng mới được may cho những diễn viên chính.

Điều này đủ cho thấy tham vọng mà nhà sản xuất đặt ra đối với bộ phim "Bridgerton". Chia sẻ về việc thiết kế phục trang cho phim, bà Ellen Mirojnick cho hay: "Có những nhóm nhân vật, như gia đình Featherington mới phất lên, chúng tôi cố tình để phong cách thời trang của họ trở nên thái quá, họ quá cầu kỳ, diêm dúa, quá lòe loẹt, đến mức nếu xem phim, bạn sẽ cảm thấy trông họ thật ngớ ngẩn. Đó chính là chủ ý của chúng tôi".