PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương:

Không phải thiếu tấm gương, mà là thiếu “ống kính”

“Không phải lịch sử thời nào cũng có thể sản sinh ra những con người huyền thoại. Đời sống hôm nay cũng không thiếu những tấm gương bình dị mà cao quý. Quan trọng là những người làm nghệ thuật và truyền thông có biết chĩa ống kính vào không” - PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ.

Để chiều theo thị hiếu, nghệ thuật (cũng như truyền thông) ở ta vừa qua đã có một sự “nở rộ” thiên về mặt trái, mặt tối của đời sống xã hội bằng những ngôn từ gây sốc và cách phản ánh phiến diện. Điều đó, theo ông có đáng lo ngại?

Phản ánh mặt phải hay mặt trái của xã hội, theo tôi đều cần thiết như nhau vì đều cùng nằm trong chức năng phản ánh hiện thực của báo chí hay nghệ thuật. Quan trọng là việc phản ánh đó có khách quan, giàu tính xây dựng hay không, đặc biệt là người phản ánh phải có con mắt xanh để không bị “hố” và dần khiến công chúng mất lòng tin vào bức tranh đời sống được phản ánh qua lăng kính của nghệ sĩ hay người làm báo.

Thói thường dễ khiến con người ta hay bị hút vào những sự “ngứa tai, ngứa mắt” hơn là những gì mượt mà, trôi chảy, nên nghệ thuật hay truyền thông thời cơ chế thị trường cũng dễ bị hút vào vòng xoáy thông thường đó của thị hiếu. Và khi sự phản ánh thiên về phiến diện, sẽ dẫn đến những hệ lụy đáng ngại về sự lệch lạc trong nhận thức, cũng như quan điểm, thái độ sống, đặc biệt ở những người trẻ - vốn là đối tượng rất dễ bị tác động.

PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương

PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương

Nghị quyết số 33-NQ/TW ban hành ngày 9.6.2014 do đó cũng chỉ ra rằng: “Một số cơ quan truyền thông có biểu hiện thương mại hóa, xa rời tôn chỉ, mục đích. Môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh… Còn ít tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, có một số tác phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường, chất lượng thấp, thậm chí có hại”. Vì vậy, nhiệm vụ thiết thân đặt ra là phải “xây dựng môi trường/thị trường văn hóa lành mạnh”, “phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người”…

Giữa nhiều giải pháp từng được tham vấn, thì giáo dục từ trong nhà trường được coi là “giải pháp gốc”, có tính nền tảng. Thế nhưng, môn học trực tiếp dạy học sinh về điều đó là “giáo dục công dân” lại thường bị các em học sinh coi là môn học “chán nhất quả đất”. Trong khi đó, các “thần tượng giải trí” như… Sơn Tùng M-TP hay “nữ hoàng áo tắm” Ngọc Trinh… lại “dạy” các em nhanh hơn nhiều, từ cách ăn mặc, phát ngôn không giống ai, vì ai…, đến những quan niệm sống “thức thời” gây quan ngại… Ông có nghĩ, công cuộc gieo “hạt giống tâm hồn” của chúng ta hiện nay rõ là đang khó đủ đường?

Giáo dục của ta hiện nay quả thật đang thiên về giáo điều, máy móc, cần phải gần gũi và cởi mở hơn. Môn “giáo dục công dân” vì sao không “vào” được các em học sinh, trong khi những cuốn sách xuyên thời gian như “Những tấm lòng cao cả” cho đến tận hôm nay vẫn còn đủ sức lay động được người đọc - đó thực sự là một câu hỏi rất đáng được lưu tâm với những người làm giáo dục. Bác Hồ bảo rồi: “Hiền-dữ phải đâu là tính sẵn/Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Đừng chỉ nhìn những nút “like”, nút “share” vô thưởng vô phạt và thậm chí đôi khi còn như vô trách nhiệm mà vội nghĩ giới trẻ hôm nay sống thiếu trách nhiệm với bản thân và thời cuộc. Hãy nhìn cách họ sốt sắng “xắn tay áo” khi “nhà có việc” như chiến dịch bảo vệ cây vừa qua tại Hà Nội; hay việc họ được truyền cảm hứng mạnh mẽ qua cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, sự ra đi của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hay chuyến thăm chở đầy thông điệp sống ý nghĩa của tấm gương vượt khó Nick Vujicic… là đủ biết, khi những câu hỏi có được một câu trả lời xứng đáng và thỏa đáng, thì sự lay động và lan tỏa sẽ mạnh mẽ tới mức nào.

Không phải lịch sử thời nào cũng có thể sản sinh ra những con người huyền thoại, nhưng một mặt, đời sống hôm nay cũng không thiếu những tấm gương bình dị mà cao quý. Quan trọng là những người làm nghệ thuật và truyền thông có biết chĩa ống kính của họ vào không. Không phải thiếu tấm gương, mà là thiếu ống kính!

Ống kính không phải là đã không chĩa vào, nhưng tiếc thay, đôi khi đó lại là những chiếc “kính lúp”, khuếch trương, phóng đại sự kiện, từ những “điển hình tốt” trong “Điều ước thứ bảy” hay “điển hình xấu” trong phóng sự “Học sinh hút shisha” mới đây…, khiến công chúng mỗi lúc một đánh mất niềm tin vào những người làm công việc phản ánh hiện thực và định hướng dư luận. Ông có thấy thế?

Đúng là truyền thông vừa qua đã gặp phải không ít “cú hớ” đầy chua xót và đáng xấu hổ chỉ bởi những “sáng tạo” quá đà của người làm báo, đưa đến những sự “lan tỏa” không ai mong muốn. Có sự “dàn dựng” nào đáng giá hơn chính cuộc sống, nếu như chúng ta thực lòng muốn đóng góp một “cái tôi công dân” của mình vào sự phát triển chung của xã hội. Khi nghệ thuật và truyền thông đánh mất niềm tin ở công chúng, thì chính là họ đã đánh mất chỗ đứng của chính mình.

Theo Thiên An
Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm