Không để tranh giả “lọt” vào hội chợ nghệ thuật
(Dân trí) - Đó là lời khẳng định của họa sĩ Thành Chương, người từng là “nạn nhân” trong “cuộc chiến” tranh thật- tranh giả gây ồn ào thời gian vừa qua khi được hỏi về sự minh bạch nguồn gốc những bức tranh tham gia hội chợ nghệ thuật “Domino Art Fair” với chủ đề “Bắc Nam sum họp”.
Chia sẻ tại buổi giới thiệu mỹ thuật Bắc- Nam sẽ “sum họp” tại hội chợ nghệ thuật “Domino Art Fair” chiều ngày 28/12 tại Hà Nội, họa sĩ Thành Chương nói: “Hiện tượng tranh thật - tranh giả hoành hành suốt mấy chục năm rồi chứ không phải bây giờ mới có. Sở dĩ chưa dẹp được tình trạng này vì chúng ta chưa có tổ chức được trao thẩm quyền, trong khi chính quyền thì buông lỏng. Khi xảy ra sự việc, đi hỏi tổ chức này, tổ chức kia về trách nhiệm giải quyết thì họ đều… lảng tránh.”
Theo họa sĩ Thành Chương, cuộc chiến tranh thật - tranh giả không cân sức. Trong khi người đi đấu tranh cho sự minh bạch thì không làm được gì. Kẻ làm đồ giả thì kiếm bộn lợi nhuận, thậm chí hàng triệu đô la Mỹ. “Kẻ làm đồ giả theo sự việc đến cùng vì họ có tiền, có mưu, chạy chọt cửa nọ cửa kia. Để rồi không ai chứng minh được sự minh bạch, biến cuộc đấu tranh thật cuộc đôi co bất tận không hồi kết…”, họa sĩ Thành Chương chua chát.
Bản thân là người từng phát hiện tranh của mình bị tẩy xóa ghi tên người khác tại triển lãm “Những bức tranh từ Châu âu trở về” diễn ra giữa tháng 7 tại TPHCM và cuốn vào vòng xoáy tranh cãi bất tận, hơn ai hết họa sĩ Thành Chương hiểu tường tận “vấn đề” thật sự của tranh thật- tranh giả là gì. “Những người làm tranh giả, những người tiêu thụ tranh giả đó hơn ai hết họ biết rất rõ cái nào thật, cái nào giả. Chỉ có họ gian trá để mưu cầu lợi nhuận. Tôi khẳng định luôn, đồ giả, đồ thật - giới trong nghề ai cũng biết chứ không phải khó khăn đến mức không biết cái nào thật cái nào giả. Không cần phương tiện khoa học kỹ thuật cao siêu gì để xác định đâu. Các phương tiện kỹ thuật cũng là do con người làm ra, cuối cùng vẫn phải là con người, chỉ con người thẩm định được tất cả những cái đó một cách chuẩn xác nhất”, họa sĩ Thành Chương nói.
Trước bối cảnh thị trường nghệ thuật Việt Nam đang nhức nhối vấn nạn tranh giả, tranh nhái; gây hoang mang trong giới mỹ thuật nói chung và người yêu nghệ thuật nói riêng- ý tưởng về một hội chợ nghệ thuật thực sự uy tín, minh bạch nhằm lấy lại niềm tin và mang nghệ thuật gần hơn tới công chúng trong nước được tổ chức nghệ thuật RealArt ấp ủ và xây dựng.
Năm 2017, mô hình hội chợ nghệ thuật mới mang tên “Domino Art Fair” được ra mắt. Đây là hội chợ nghệ thuật đầu tiên sẽ được tổ chức liên hoàn thành một chuỗi tại hai thành phố lớn nhất của Việt Nam là Hà Nội và TPHCM vào cuối tháng 1 và tháng 2.
Ông Trịnh Minh Tiến, người sáng lập RealArt và “Domino Art Fair” cho biết sẽ có khoảng 300 tác phẩm xuất sắc của hơn 160 nghệ sĩ tên tuổi, tài năng từ Bắc đến Nam sẽ xuất hiện tại hội chợ cùng với những đặc trưng trong văn hóa, phong cách, xu hướng sáng tác của nghệ sĩ hai miền.
Tại sự kiện ở Hà Nội, khán giả còn được gặp gỡ với họa sĩ Thành Chương trong câu chuyện và lịch sử thú vị về đề tài gà trong bộ sưu tập 60 tranh gà mới của ông. Tại TPHCM, họa sĩ Lê Kinh Tài sẽ giao lưu với công chúng về chủ đề “Con - Người”…
Ngoài ra, hội chợ còn có những buổi tọa đàm, đưa nghệ thuật đến gần công chúng. Hội chợ cũng thiết kế các khu trưng bày theo từng trường phái, nhóm nghệ thuật để công chúng dễ tiếp cận, nhận biết. Với trẻ em, các em sẽ được trải nghiệm chương trình giáo dục nghệ thuật “School day”…
Điểm nhấn của “Domino Art Fair” là có một không gian dành riêng cho các nhà sưu tập tranh. Đây là nỗ lực của BTC nhằm bước đầu tạo ra một thị trường thứ cấp cho mỹ thuật Việt Nam - nơi diễn ra các hoạt động mua bán, ký gửi và trao đổi; đồng thời khẳng định năng lực thẩm định đảm bảo giá trị, tính minh bạch của các tác phẩm tại hội chợ.
Trước câu hỏi của phóng viên Dân trí rằng để làm sao tránh để tình trạng tranh giả “lọt” vào hội chợ nghệ thuật lần này, họa sĩ Thành Chương khẳng định: “Việc thẩm định tranh thật - tranh giả dù có tinh tế, nhạy cảm và khó khăn hơn các lĩnh vực chuyên môn khác nhưng như thế không có nghĩa là không phân biệt được. Với hội chợ lần này, BTC khẳng định làm cửa kiểm soát chắc chắn nhất không để tranh giả “lọt” vào đây”.
Nguyễn Hằng