"Không có sông quá dài": Cẩm nang cho người khởi nghiệp viết bởi người Việt

Tô Sa

(Dân trí) - "Không có sông quá dài" là cẩm nang khởi nghiệp dành cho những người trẻ, những người mạnh dạn dấn thân và sáng tạo.

Không có sông quá dài là cuốn cẩm nang dành cho người khởi nghiệp, được viết bởi GS Phan Văn Trường và nhiều tác giả, do Nhà xuất bản Trẻ phát hành hồi tháng 10. 

Cuốn sách dày 520 trang, gồm hai phần. Phần một tập hợp những chia sẻ về khởi nghiệp của GS Phan Văn Trường.

Phần 2 gồm 27 câu chuyện có thật của những người khởi nghiệp, thành công hoặc thất bại.

Họ thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, như: ẩm thực, dược liệu, cơ điện, giáo dục, thực phẩm, du lịch, truyền thông, thời trang, nông nghiệp, sản phẩm xanh…

Có người khởi nghiệp sau khi về hưu; có người bắt đầu với một sản phẩm nhỏ, được nhiều người xung quanh ưa thích; có người nhìn ra cơ hội kinh doanh từ sở thích của bản thân...

Trải qua những lần vấp ngã, đối mặt những tình huống bi đát, thức trắng đêm tìm giải pháp, các tác giả cuối cùng đã cập bến thành công. 

Nhóm tác giả giải thích về công cuộc khởi nghiệp, bản chất thực của cơ hội, rủi ro, chướng ngại vật, vận may, cách xử lý để guồng máy vận hành tốt đẹp. Người đọc sẽ được chỉ dẫn lúc phải dừng lại, hoặc tiến nhanh, hoặc đổi chiều 180 độ.

Không có sông quá dài: Cẩm nang cho người khởi nghiệp viết bởi người Việt - 1

Bìa sách "Không có sông quá dài" (Ảnh: NXB Trẻ).

Lý giải về tiêu đề sách, GS Phan Văn Trường cho hay "cứ nhìn nước sông lững lờ nhưng sâu thẳm, nhưng rồi sông nào cũng sẽ ra biển lớn". 

Người khởi nghiệp cũng thế, cứ lững thững tiến bước, giống như dòng nước, lúc trôi mau, lúc lững lờ, lúc êm lướt, lúc sóng cuộn; rồi sau này ai cũng có nghề có nghiệp. Có đi chậm thì mới đi xa, hành trình tạo dựng sự nghiệp là một chuỗi ngày dài, chẳng thể vội.

"Hãy bắt chước dòng sông, lợi dụng những chỗ hõm của địa thế để tìm cơ hội", ông nói. 

Không có sông quá dài mang đến thông điệp: "Khởi nghiệp là một quá trình gian khó. Nhưng không có dòng sông nào là quá dài, thế nên bạn đừng bỏ cuộc giữa chừng, đừng nản chí khi gặp thất bại. Hãy kiên trì, rồi chúng ta sẽ đạt đến thành công". 

Thông điệp này không hề sáo rỗng, bởi được minh chứng bằng những bài viết "thất bại thì làm lại" của những nhà khởi nghiệp.

GS Phan Văn Trường bày tỏ nỗi "sợ" các ứng viên khởi nghiệp hiểu sai bản chất khởi nghiệp, bắt đầu bằng tâm thế sai, để rồi những bước tiếp theo cũng sai và mất trắng vốn đầu tư lẫn sức khỏe, tinh thần… 

Cuốn sách đề cao quan niệm "người khởi nghiệp có thái độ đúng thì toàn xã hội sẽ ủng hộ".

Bởi lẽ, "công cuộc nào trong cuộc sống cũng là giữa người với người. Người mà thuận thì công cuộc nào cũng thành công. Mọi lý luận khác đều mang tính vật chất và cục bộ, và không sớm thì muộn, sẽ đưa tới thất bại". 

GS Phan Văn Trường, 77 tuổi, là chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế.

Ông hai lần được Tổng thống Pháp phong Hiệp Sĩ. Tại Việt Nam, ông được Chủ tịch nước tặng Huy chương "Vì sự nghiệp giáo dục" năm 2010. 

Ông là tác giả của nhiều cuốn sách best-seller như: Một đời thương thuyết, Một đời như kẻ tìm đường, Một đời quản trị, Công dân toàn cầu công dân vũ trụ, Cơn lốc quản trị - ba trụ cột của văn hóa doanh nghiệp…

Trong đó, Một đời thương thuyết được vinh danh với Giải thưởng Sách hay 2016, hạng mục Sách quản trị.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm