Oscar 2019:
Không ai là kẻ thất bại, nếu còn có bạn bè
(Dân trí) - Suy cho cùng, cuộc sống vẫn còn đó những điều đẹp đẽ, tình bạn là một ví dụ. Khi có bạn bè đích thực ở bên, không ai là kẻ thất bại trong đời.
“Green Book” là một bộ phim làm theo công thức: hai người đàn ông, một da trắng, một da màu, với hai nẻo đường đời hoàn toàn đối lập, tính cách cũng đối lập. Thế rồi họ buộc phải đồng hành cùng nhau trong một hoàn cảnh lạ lùng.
Họ học hỏi từ nhau, thay đổi nhau theo hướng tích cực hơn và phát hiện ra rằng: hóa ra họ cũng chẳng khác nhau nhiều. Trong đó, anh vệ sĩ da trắng Tony sẽ vượt lên trên những định kiến của mình; còn nghệ sĩ piano da màu Don sẽ thôi kiểu trịch thượng, hợm hĩnh.
“Green Book” là một bộ phim tiểu sử pha trộn phong cách hài, lấy bối cảnh nước Mỹ hồi đầu thập niên 1960, khi nạn phân biệt chủng tộc và kỳ thị người đồng tính vẫn còn ăn sâu bén rễ trong đời sống xã hội.
Chuyện phim lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật về chuyến hành trình biểu diễn ở miền nam nước Mỹ của nghệ sĩ piano người Mỹ gốc Phi Don Shirley (nam diễn viên Mahershala Ali) và vệ sĩ người Mỹ gốc Ý Tony Vallelonga (nam diễn viên Viggo Mortensen). Sau khi rơi vào cảnh thất nghiệp, Tony chuyển sang làm tài xế kiêm vệ sĩ cho Don trong chuyến lưu diễn dài ngày.
Cảnh trong “Green Book”
“Green Book” từng công chiếu tại LHP Toronto (Canada) và giành được giải do người xem bình chọn. Với mức kinh phí đầu tư 23 triệu USD, hiện tại, phim đã thu về hơn 128 triệu USD. Phim nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình, đặc biệt dành cho diễn xuất của hai nam diễn viên Mortensen và Ali.
“Green Book” được Viện Phim Mỹ lựa chọn là một trong 10 phim hay nhất của năm 2018. Tại giải Oscar, hiện phim đang nhận được 5 đề cử, trong đó có những đề cử quan trọng cho Phim hay nhất, Nam chính xuất sắc nhất (Mortensen) và Nam phụ xuất sắc nhất (Ali).
Đối với những bộ phim làm về đề tài phân biệt chủng tộc, thoạt tiên, người xem sẽ cảm thấy hơi “ái ngại” vì nghĩ rằng đề tài quá nặng nề, hơn nữa, rất có thể câu chuyện đậm tính xã hội ấy không có nhiều mối liên hệ với người xem, nếu họ không sinh sống tại Mỹ chẳng hạn.
Vậy nhưng, với những tác phẩm điện ảnh đã được đề cử ở hạng mục Phim hay nhất tại giải Oscar, sẽ luôn có những vấn đề chung nhất thuộc về nhân văn - nhân loại, mà qua đó, người ta sẽ soi chiếu thấy câu chuyện hóa ra có sự liên quan đến mình.
Cảnh trong “Green Book”
Giống như nhân vật nghệ sĩ piano Don Shirley, có thể người xem đã từng phải đối diện với những định kiến trái ngang, những bất công đau xót.
Chặng hành trình đi lưu diễn của Don với sự giúp sức của anh tài xế kiêm vệ sĩ Tony sẽ cho ta thấy những sự khốn cùng và cách để tồn tại, vượt lên trên nghịch cảnh. Không chỉ có vậy, bộ phim còn là khúc ca đẹp về tình bạn.
Theo dõi chặng hành trình của đôi bạn đường đối lập, người xem sẽ có được cảm nhận tích cực, đẹp đẽ hơn về đời sống.
“Green Book” là một dạng thức điện ảnh cổ điển mà giờ đây, các nhà làm phim không còn thực hiện nhiều nữa. Một bộ phim đủ sâu sắc, thấm thía, nhưng sau cùng vẫn khiến người xem cảm thấy ấm áp, chuyện phim không nông cạn, nhưng cũng chẳng nặng nề.
Cảnh trong “Green Book”
Diễn xuất của Mortensen và Ali chính là điểm sáng của phim, cả hai nam diễn viên đều nhập vai xuất thần, cuốn hút sự theo dõi của người xem, dù chuyện phim không khó đoán.
Bộ phim được đạo diễn và đồng biên kịch bởi Peter Farrelly (62 tuổi), người vốn đồng hành cùng người em trai Bobby Farrelly thực hiện những bộ phim hài không được giới phê bình đánh giá cao. Đây là một phim hiếm hoi chứng kiến Peter đứng ra đạo diễn phim một mình, đó dường như là khởi đầu của một cuộc hành trình mới.
Hiện tại, “Green Book” đang được so sánh với bộ phim “Driving Miss Daisy” (Lái xe cho cô Daisy - 1989), một phim cũng đề cập tới câu chuyện về phân biệt chủng tộc.
Đúng 30 năm sau khi “Driving Miss Daisy” giành nhiều tượng vàng tại giải Oscar, trong đó có tượng vàng cho Phim hay nhất, “Green Book” xuất hiện với công thức đảo ngược: một người đàn ông da trắng làm tài xế cho một người đàn ông da màu.
Cảnh trong “Green Book”
Tên của bộ phim - “Green Book” - được lấy theo tên của một cuốn cẩm nang du lịch dành cho người da màu tại Mỹ, xuất bản suốt từ năm 1936-1966. Cuốn cẩm nang sẽ giúp người đọc tìm được những nhà hàng, nhà nghỉ nhận phục vụ người Mỹ da màu.
Trong phim, nhân vật nghệ sĩ piano Don Shirley là một người có giáo dục, tinh tế, đầy cảm quan nghệ thuật, rất cầu kỳ tỉ mỉ; còn nhân vật vệ sĩ Tony hoàn toàn trái ngược. Dù Tony là một người đàn ông có bản chất tốt, nhưng anh vẫn có những định kiến sai lầm về người Mỹ gốc Phi. Cuộc hành trình sẽ khiến cả hai người họ cùng thay đổi.
Điều thú vị nhất khi xem phim, đó là những lúc hai nhân vật Tony và Don chế giễu nhau, tâm sự với nhau, thấu hiểu nhau, rồi lại chọc giận nhau. Qua đó, sự đổi thay xuất hiện ở cả hai người đàn ông. Sau cùng, khi cuộc hành trình kết thúc, tất cả những xót xa được khắc họa trong phim kết lại bằng niềm vui, sự ấm áp về tình bạn, lòng nhân ái, sự vị tha.
Cảnh trong “Green Book”
Suốt dọc bộ phim, mặc dù tài năng âm nhạc của Don được các khán giả da trắng tán dương, nhưng điều đó không có nghĩa anh được phép sử dụng cùng một phòng vệ sinh hay thuê phòng ở cùng một khách sạn với họ.
Đáp lại tất cả những sự phân biệt xót xa này, Don tự tạo nên cho mình một vỏ bọc của sự cầu kỳ, chau chuốt, tinh tế thái quá, từ ngoại hình cho tới nội tâm, chỉ để che giấu một nỗi dằn vặt, khổ sở của một con người đang phải chịu đựng nỗi đau “kép”, vừa bị phân biệt vì là người da màu, vừa bị kỳ thị vì là người đồng tính.
Don là một con người cô độc không có một người đồng hành cho riêng mình. Trong phim, Tony là người giải cứu cho Don khỏi nhiều rắc rối dọc đường, về cơ bản, sức mạnh của Tony nằm ở cơ bắp, thể lực, anh đối diện với mọi vấn đề một cách trực diện và xử lý nó ngay lập tức.
Ở Don, sự mạnh mẽ đó nằm ở tinh thần, anh hoàn toàn có thể từ chối những lời mời biểu diễn ở miền nam nước Mỹ - nơi nạn phân biệt chủng tộc từng tồn tại “thâm căn cố đế”. Nhưng Don đã nhận lời và dấn thân đi biểu diễn, như một cách thách thức sự phân biệt. Ở Don có sự kiên cường theo kiểu kiềm chế âm thầm.
Cảnh trong “Green Book”
Don cũng là một nghệ sĩ thuần khiết và khổ đau trước thực tế cuộc sống. Vì thế, chặng hành trình của anh cần có Tony - một gã lực lưỡng thạo đời, và về bản chất, Tony vẫn là một con người có nhân cách.
“Green Book” được thực hiện dựa trên câu chuyện có thực nhưng đã được phóng tác lên nhiều, để phim đậm chất nghệ thuật, sự hài hước, tính giả tưởng và tính đương đại.
Một đề tài nặng, một công thức làm phim quen thuộc, chuyện phim không khó đoán, nhưng đã xem thì bạn sẽ bị lôi cuốn xem tới hết, cười khùng khục suốt dọc bộ phim để cuối cùng nhận được một thông điệp lạc quan rằng: cuộc sống suy cho cùng vẫn có những điều tươi đẹp của nó và không ai là kẻ thất bại, nếu họ có bạn bè đích thực ở bên.
“Green Book” không gắng gượng để tạo nên một thực tế trần trụi, bộ phim không ngại “bọc đường” để đưa tới cho người xem một cái kết ngọt ngào. “Green Book”, một bộ phim đậm chất điện ảnh cổ điển, vẫn có đủ khả năng khiến người xem xúc động.
Cảnh trong “Green Book”
Diễn xuất của hai nam diễn viên Ali và Mortensen quá tinh tế, giàu biểu cảm và chân thực, khiến người xem “ngốn trọn” bộ phim đậm tính đạo lý - nhân văn này một cách “ngon lành” và dễ dàng, tựa như cách Tony luôn nhai ngấu nghiến đồ ăn nhanh như thể đó là món ngon hảo hạng nhất.
Bích Ngọc