Khởi dựng vở kịch hát viết về hòn Vọng Phu và nàng Tô Thị
(Dân trí) - Sáng nay (18/7), Đài Tiếng nói Việt Nam đã họp báo công bổ khởi dựng vở kịch hát “Ngàn năm mây trắng”. Vở kịch là công trình kỷ niệm 74 năm thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam và 70 năm thành lập Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam.
“Ngàn năm mây trắng” do PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ viết kịch bản văn học; nghệ sĩ Hoàng Song Việt - NSƯT Thanh Ngoan chuyển thể kịch hát và NSƯT Thanh Ngoan cùng NSƯT Triệu Trung Kiên đóng vai trò đạo diễn.
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, ông lấy cảm hứng để viết vở kịch thơ này từ các câu chuyện cổ tích, các truyền thuyết về hòn Vọng Phu, về nàng Tô Thị. Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã có vô vàn “hòn Vọng Phu” chờ chồng nơi chiến trận trở về; chờ chồng đi biển nhưng bặt vô âm tín; chờ chồng đi làm ăn buôn bán phương xa; chờ chồng đi sứ, đi ra nước ngoài hay một số lý do, hoàn cảnh nào đó…
Trong đó, sự tích (hay truyền thuyết) chờ chồng nơi chiến trận, nỗi niềm chinh phụ - chinh phu vẫn tiêu biểu và điển hình hơn cả. Cũng vì vậy, trong nhóm các sự tích về hòn Vọng Phu thì sự tích về nàng Tô Thị mang tính điển hình rất cao, ý nghĩa nhân văn sâu sắc, muôn đời lay động lòng người.
Ba nhân vật chính của vở kịch thơ là Tô Thị (người vợ), Trần Khôi (người chồng), Trương Lỗ (kết nghĩa huynh đệ với Trần Khôi, cuối cùng lộ rõ là kẻ thủ ác).
Các nhân vật của tác phẩm được thể hiện số phận, tính cách một cách rõ nét thông qua tài năng, năng khiếu nghệ thuật của các diễn viên thể hiện qua các loại hình nghệ thuật truyền thống như: Chèo, Cải lương, Xẩm, hát văn Huế. Cũng vì điều này, vở diễn có cùng lúc hai đạo diễn đó là đạo diễn - NSƯT Thanh Ngoan phụ trách phần Chèo, Xẩm, hát Văn Huế; đạo diễn - NSUT Triệu Trung Kiên phụ trách phần Cải lương.
Hình ảnh tại buổi họp báo
Đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên cho biết, sau khi đọc và được mời dàn dựng tác phẩm kịch thơ “Ngàn năm mây trắng”, anh cùng NSƯT Thanh Ngoan đã ngay lập tức phải tìm ý tưởng dàn dựng. Vì là vở kịch hát nên phần “hát” ở đây sẽ là âm hưởng của các loại hình nghệ thuật truyền thống. Chất liệu dân gian được thấm đẫm trong âm nhạc và mỹ thuật của vở diễn.
“Về thiết kế mỹ thuật, chúng tôi và họa sỹ Hồng Vân đã thống nhất lấy những hình ảnh mang phong cách tranh dân gian Việt Nam từ một chiếc đèn kéo quân để diễn tả không gian, thời gian của các lớp kịch. Phương pháp sân khấu tự sự phương Đông là chủ đạo để chúng tôi xây dựng nên một tác phẩm sân khấu mang âm hưởng dân gian đương đại nhằm tôn vinh những nét đẹp của văn hóa truyền thống Việt Nam”, đạo diễn Triệu Trung Kiên nói thêm.
Vở kịch sau khi hoàn thành sẽ được mang đi tham dự Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ IV, Hà Nội - 2019 do Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam tổ chức.
Hà Tùng Long