Khó quên hương vị món rau đặc sản vùng núi Tây Bắc
(Dân trí) - Món rau dớn non mơn mởn được bà con dân tộc hái tặng là món ăn "ngon nhất trên đời" mà bố thường nhắc lại trong những bữa cơm thường ngày.
Có lẽ những ai sinh ra và lớn lên ở vùng đồng bằng hay thành phố sẽ ít biết đến rau dớn. Rau dớn là một loại rau dại mọc sâu trong rừng, lá gần giống như dương xỉ mọc hoang dại tự nhiên. Trong ký ức của những người lớn lên ở vùng núi Yên Bái, rau dớn là món ăn đặc sản ngon tuyệt, thế nhưng không phải lúc nào cũng có.
Bố tôi, một nhà giáo xung phong lên vùng sâu vùng xa Yên Bái để đem con chữ đến cho bà con dân tộc cũng mê mẩn loại rau đặc sản này.
Hồi những năm 1999, với những người dân tộc chân chất, thật thà, một bữa rau dớn non mơn mởn là bữa ăn sang nhất. Từ khi bố về bản dạy học, những món quà "sang" nhất mà bà con dân tộc dành tặng cũng là những bó rau dớn non được người ta đi rừng kiếm được.
Rau dớn không thể trồng, loài rau này thường mọc ở khe suối, bên những tảng đá lớn ẩm ướt. Theo lời bác Vón, một người bạn có bố tôi cho biết, rau dớn ngon nhất là hái lúc trời mưa nhiều. Mà mưa nhiều thì ít ai đi rừng. Chỉ có ai thèm món rau rừng này mới mò lên mà hái ăn. Bữa nào vô tình đi làm gặp được bãi rau dớn là hái vội, trong lòng mừng thầm, nay có bữa rau ngon.
Còn trong ký ức của bố tôi, những năm tháng cùng những thầy cô giáo trẻ cõng con chữ về bản làng là quãng thời gian thật khó quên trong đời. Bố thường nhớ lại những năm tháng nhọc nhằn ấy khi cả nhà quây quần bên mâm cơm gia đình và kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện ấy.
Bố kể, có những tối muộn khi ánh mặt trời đã mập mờ, mâm thức ăn vẫn chẳng có gì, chỉ có đĩa lạc vừng ỉu ăn suốt cả tuần phát chán chẳng ai muốn đụng đũa. Bữa nào được bà con tặng rau dớn là bữa cơn như vui hẳn lên.
Bố tả, rau dớn giòn sựt sựt, không biết cách làm thì ăn hơi nhớt. Rau dớn ngon phải là rau vừa hái, nhặt những đoạn non nhất đem trần qua nước sôi, rồi lại dội ngay nước nguội. Nhóm bếp lửa bập bùng thật lớn, đặt chảo lên xong quết một miếng mỡ lợn đã để dành cả tháng trong hũ cho bóng chảo, phi tỏi cho thơm rồi đổ rau dớn vào đảo đều tay. "Sang" hơn thì kiếm chút ngọn đu đủ đực thái nhỏ vào xào cùng, ăn một lần là nhớ cả đời.
Sau này bố mẹ cưới nhau rồi có tôi, cả hai rời bản làng để chuyển về dạy ở một trường ngoài vùng trung tâm cuộc sống cũng đỡ khó khăn hơn. Vài năm sau cả nhà cũng có cơ hội chuyển về vùng Thị trấn nhộn nhịp và cuộc sống đủ đầy hơn nhiều. Thế nhưng từ đó bố cũng không còn được thưởng thức món rau dớn tươi mơn mởn của bà con dân tộc tự tay hái trên rừng đem về tặng nữa.
Mỗi lần nhắc đến rau dớn trong bữa ăn đã đầy đủ thịt thà bố vẫn xuýt xoa như một món sơn hào hải vị gì đặc biệt lắm. Chiều nay, nhân một dịp xuống huyện làm giấy tờ, bác Vón đem tặng bố cả bó rau dớn to. Bố gọi video cho tôi, gương mặt đầy niềm vui: "Nay không có ở nhà mà ăn rau dớn nhỉ? Bác Vón mang cho cả "yến".
Có lẽ trong lúc gian khó, một đĩa rau rừng bình thường bỗng trở nên ngon lành đến lạ. Tôi cũng không biết tả thế nào cho thật chính xác, một món rau rừng đặc biệt mang một hương vị rất tự nhiên, hoang dã.
Cũng có thể, trong ký ức của bố, hương vị của món rau dớn còn chứa đựng biết bao tình yêu thương của bà con dân tộc gửi gắm cho những thầy cô giáo trẻ về bản dạy học.
Nếu có cơ hội một lần đến với núi rừng Tây Bắc đừng quên đi tìm và thưởng thức món rau đặc sắc này. Không cần cao lương mĩ vị, một đĩa rau dớn là trọn vẹn hương vị núi rừng!