Khổ cực như nghệ sĩ cải lương tuổi xế chiều
(Dân trí)– Bà con tiểu thương chợ Rạch Ông (quận 8) đã rất quen với hình ảnh hai người phụ nữ dáng vẻ hiền lành chậm chạp, hàng ngày vẫn đi bán vé số. Đó là hai chị em nghệ sĩ (NS) cải lương Trang Thanh Xuân, từng nổi tiếng vào thập niên 70 của thế kỷ trước...
Nghệ sĩ (NS) cải lương Trang Thanh Xuân nổi tiếng cùng thời với NS Thanh Nga.
Quá khứ huy hoàng của NS Trang Thanh Xuân chỉ còn trên những mảnh báo ố vàng
Thật ra, NS Trang Thanh Xuân đủ tiêu chuẩn để được vào Viện dưỡng lão nghệ sĩ (quận 8) nhưng bà không nỡ rời xa em gái, cũng đi hát cải lương 7-8 năm nhưng không đủ tiêu chuẩn để được vào viện.
Dù bị đau khớp nhưng NS Trang Thanh Xuân phải bó gối để đi bán vé số mỗi ngày, tối đến thì nhặt ve chai. Trong căn nhà trọ ẩm thấp, bà căng những tấm nilon để tránh mưa dột xuống chỗ nằm
NS Vũ Minh Vương vừa qua cũng phải cấp cứu ở bệnh viện 115, nhờ báo chí kêu gọi đã có tiền điều trị và xuất viện. Nhưng đây chỉ là trường hợp hiếm hoi, may mắn do NS Vũ Minh Vương có nhiều công trạng với nghề, thường tham gia biểu diễn từ thiện nên được mọi người yêu mến, giúp đỡ.
Nhiều NS và nhân viên trong ngành cải lương đang chống chọi với bệnh tiểu đường ở giai đoạn cuối, bị hoại tử chân tay: 1. NS Vũ Minh Vương, 2. NS Minh Hùng, 3. Ngoại vụ Văn Đẩu, 4. NS Vũ Linh Vương...
Nhưng theo bà Hồng Dung: “Nói đi thì phải nói lại, bản thân các nghệ sĩ thời gian trước kia có cuộc sống phóng túng, sa đà vào cờ bạc. Tôi không nói tất cả NS đều như vậy nhưng phải thừa nhận là luôn tồn tại một bộ phận NS có lối sống không lành mạnh. Gần đây nhất xảy ra việc NS Kim Tử Long bị bắt tại sới bạc vào tháng 6 vừa qua. Kết cục là khi qua thời hoàng kim, họ rơi vào cảnh tán gia bại sản”.
Theo bà Hồng Dung, để tránh rơi vào viễn cảnh bần cùng khi rời khỏi sân khấu, các nghệ sĩ có nhiều lựa chọn: học tiếp để trở thành đạo diễn, soạn giả, nhạc công, hay mở ra kinh doanh… quan trọng là họ có quyết tâm để thay đổi cuộc đời mình hay không.
Còn đối với các lão nghệ sĩ neo đơn hiện nay, Hội sân khấu vẫn có những hình thức tương trợ thông qua Ban ái hữu. Ban trợ cấp cho 250 hội viên mỗi tháng 10 kg gạo và 200.000 đồng. Duy trì trại dưỡng lão nghệ sĩ với 22 nghệ sĩ có công lớn với ngành. Chăm sóc một chùa nghệ sĩ và một nghĩa trang nghệ sĩ. “10kg gạo mỗi tháng thì chưa đủ sống đâu nhưng khả năng hiện tại chỉ có thể hỗ trợ như vậy” – bà Hồng Dung cho biết.
Ban Ái hữu nghệ sĩ TPHCM là tổ chức xã hội từ thiện, ra đời tại Sài Gòn năm 1946, quy tụ giới sân khấu và các nhà báo, nhà phê bình sân khấu, do các nghệ sĩ Trần Hữu Trang, Phùng Há, Năm Châu… sáng lập. Năm 1981, Ban ái hữu trở thành một ban của Hội Sân khấu TPHCM. Ban là nơi sinh hoạt của anh chị em làm nghề không kể tuổi tác, hội viên hay không. Tuy nhiên Ban ái hữu chỉ có thể kết nạp hội viên tại TPHCM do điều kiện hoạt động còn hạn chế. Các nghệ sĩ cải lương gặp khó khăn có thể liên lạc với Ban ái hữu qua số điện thoại: (08) 3836 8853. |