Khi MC truyền hình phải khẩn thiết “xin” khán giả

Ở xứ mình, tiếng vỗ tay dường như vẫn là cái gì đó người ta khao khát chờ đợi. Bởi trong các sự kiện, nó vẫn còn thưa thớt quá, bột phát quá và đôi khi đầy “toan tính”.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Nếu để ý, người ta có thể thấy ở khá nhiều chương trình trên truyền hình một thực tế là không ít lần, người dẫn chương trình cứ phải lặp đi lặp lại câu nói “xin quý vị một tràng vỗ tay…” hay “một tràng vỗ tay nồng nhiệt của quý vị sẽ…” trước hay sau một tiết mục biểu diễn, một bài phát biểu hay một giải thưởng được trao nào đó. Thông điệp này có lẽ nhằm giúp cho không khí sôi nổi, tạo cảm hứng cho người biểu diễn hay gây ấn tượng với khán giả xem truyền hình.

 

Tuy nhiên, cảm giác khó tả cứ xâm chiếm trong tôi mỗi lần chứng kiến một MC nào đó nhễ nhại mồ hôi hô hào, khẩn thiết “xin” khán giả một tràng vỗ tay, mà tiếng vang lên thì thưa thớt, đứt đoạn rồi nhanh chóng chìm hẳn trước sự thất vọng, bất lực đến tội nghiệp của người dẫn chương trình.

 

Người Việt không thích vỗ tay?

 

Công bằng mà nói, vỗ tay, bắt tay cũng như việc nói lời xin lỗi, cảm ơn vốn không phải là những thực hành văn hóa phổ biến trong văn hóa của người Việt. Nói như thế không có nghĩa là người Việt hoàn toàn vô cảm. Chỉ đơn giản là chúng ta có cách biểu hiện cảm xúc khác mà thôi.

 

Thế nhưng, trong thế giới phẳng ngày nay, sẽ là “lạc điệu” nếu ta khư khư ôm cái "vốn" của mình, không chịu tiếp nhận cái hay từ người khác.

 

Ở xứ mình, tiếng vỗ tay dường như vẫn là cái gì đó người ta khao khát chờ đợi. Bởi trong các sự kiện, nó vẫn còn thưa thớt quá, bột phát quá và đôi khi đầy “toan tính”.

 

Tôi từng chứng kiến có người chạy bổ lên sân khấu, dúi vào tay ca sĩ yêu thích bó hoa, tranh thủ chụp ảnh với thần tượng, thậm chí tranh thủ ôm hôn thần tượng. Thế nhưng tiếng vỗ tay thì dường như họ vẫn ngại ngần, bỏ quên đâu đó. Trước hay sau những trận bóng lớn, hiếm khi khán giả vỗ tay chào cầu thủ, vỗ tay trước những pha bóng đẹp, đa phần là những tiếng ồ, à của số đông.

 

Để vỗ tay là một ứng xử văn hóa

 

Dưới góc độ văn hóa, tiếng vỗ tay có nhiều ý nghĩa. Nó có thể là sự tán thưởng, cổ vũ, ủng hộ hoặc cũng có thể biểu hiện sự đồng cảm, chia sẻ. Người ta vỗ tay không chỉ để khen thưởng một pha bóng đẹp, một giọng hát hay, một bài phát biểu sâu sắc, một hành động nghĩa cử mà còn để động viên, ghi nhận sự nỗ lực nào đó.

 

Hãy cứ để ý mỗi khi cầu thủ bóng đá ở nước ngoài phải rời sân vì chấn thương, hay đội nhà thua trước một đối thủ mạnh hơn rõ ràng, nước mắt luyến tiếc trên khuôn mặt họ được khán giả đồng cảm, họ đồng loạt đứng dậy và những tràng vỗ tay bất tận vang lên.

 

Khi là một ứng xử văn hóa, tiếng vỗ tay luôn mang tính tự nguyện, nhân văn, có sự ngầm định trong cả số đông. Người ta vỗ tay vì trái tim mình bị lay động, dù dưới chiều kích nào đi chăng nữa, có thể vì vui mà cũng có thể vì buồn hay tiếc luyến. Người ta vỗ tay vì thực tâm muốn thể hiện tình cảm của mình, muốn bày tỏ lòng biết ơn, sự ủng hộ hay tinh thần thấu hiểu.

 

Tiếng vỗ tay vì thế sẽ mất đi ý nghĩa nếu nó không bắt nguồn từ trái tim mà đến từ sự “cầu xin” hay một dạng “mệnh lệnh” nào đó. Sẽ vô cùng phản cảm nếu chỉ là tiếng vỗ tay rệu rã, phát ra từ những ánh mắt thờ ơ, khuôn mặt vô cảm.

 

Thông điệp đằng sau tiếng vỗ tay

 

Hành động của con người luôn phản ánh tâm thế, nhận thức, thái độ tình cảm và qua đó chuyển tải một thông điệp cụ thể. Chính vì thế, tiếng vỗ tay không chỉ đơn thuần là sự va đập của cơ tay để phát ra một thứ âm thanh vô hồn.

 

Trái lại, nó thể hiện văn hóa cho và nhận; tôn trọng, ghi nhận và tri ân với đóng góp của người khác. Khi bỏ tiền mua vé xem một chương trình nào đó, khán giả đã thực hiện nghĩa vụ về mặt lí nhưng sẽ thật đáng buồn nếu ai đó cho như thế là đủ.

 

Người ta có quyền im lặng khi không hài lòng với một màn biểu diễn nào đó nhưng có vô cảm không khi người ta thờ ơ, im lặng trước khi tiết mục đó diễn ra? Và ngay cả khi thực sự chưa hài lòng về chất lượng, có nhân văn hơn không nếu người biểu diễn nhận được sự động viên từ khán giả? Sự im lặng không làm cho chất lượng chương trình tốt hơn trong khi sự động viên tinh thần luôn có hiệu ứng tích cực, giúp cho người ta có thêm cảm hứng cho tiết mục của mình sau này.

 

Tiếng vỗ tay cũng không nên phân biệt “thứ bậc”, nghĩa là với “người trên” thì hồ hởi, còn với “kẻ dưới” thì chiếu lệ. Phẩm hàm, địa vị là phần đời, có thể phân định cao, thấp, không lẽ ta còn đi phân định cả phần hồn, phần người trong sâu thẳm trái tim mình?

 

Đằng sau tiếng vỗ tay vì thế là tâm, là đức, là trí, là nghĩa. Nó còn đồng thời phản ánh sự tôn trọng những khác biệt có thể hiện hữu giữa những cá nhân. Sẽ thật tuyệt vời nếu người ta bước qua những định kiến cá nhân, trái ngược về quan điểm để dành cho nhau sự thừa nhận mà tiếng “vỗ tay” là biểu hiện rõ rệt, tiên quyết.

 

Tôi từng chứng kiến không ít người từ chối vỗ tay chỉ vì “không thích” người khác. Cứ như thể họ sợ đánh mất mình, hạ thấp mình làm điều đó. Và giả có buộc phải khiên cưỡng, họ cũng cố tình để người bên cạnh thấy được “thái độ” từ tiếng vỗ tay của mình.

 

Biết cho đi tức là biết nhận về…

 

Nguyễn Công Thảo

Theo Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm