Khi Kim Kardashian đến Nhà Trắng...

Với nhiều hoạt động liên quan tới giới giải trí, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang xóa nhòa lằn ranh giữa Hollywood và giới chính trị ở Washington.

Hollywood là kinh đô điện ảnh còn Washington là thủ đô chính trị của nước Mỹ. Ông Obama được tờ Guardian đánh giá là đứng giữa hai trung tâm quyền lực này. Sự giao thoa của đôi bên đã khiến vị Tổng thống Mỹ cũng nắm giữ quyền lực của một ngôi sao giải trí, gần giống như các minh tinh, tài tử mà ông quen biết.

Tổng thống Obama, "siêu sao" kiểu Hollywood của Washington

Yếu tố ngôi sao giải trí ở Obama từng đe dọa thành công của ông trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ lần đầu vào năm 2008. Một đoạn video mang tên Celeb (Người nổi tiếng) dài 31 giây đã trở nên nổi tiếng với nội dung chống lại Obama, so sánh ông với những ngôi sao như Britney Spears hay Paris Hilton, bên cạnh việc chỉ trích Obama từ khía cạnh chính trị.

Nhưng dù gây sốt, đoạn video đã không thể khiến Obama thua cuộc, do ông nhận được sự ủng hộ quá lớn từ giới sao Hollywood, nhất là những ngôi sao đa đen uy tín như ca sĩ Beyonce.

Mối quan hệ của Obama với giới sao Hollywood rất tốt đẹp, là yếu tố chủ chốt trong nhiệm kỳ tổng thống của ông. Trong 7 năm qua, Obama đã đóng vai trò gần như cầu nối giúp Hollywood và Washington gần nhau hơn bao giờ hết. Washington giờ đây không còn là “Hollywood của những người xấu xí” nữa. Ngày nay, hai thành phố này dường như khó phân biệt hơn.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và nam diễn viên George Clooney trò chuyện thân thiết.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và nam diễn viên George Clooney trò chuyện thân thiết.

Đầu tiên, đó là bữa tối thường niên dành cho các nhà báo ở Nhà Trắng, trước đây vốn chỉ là sự kiện nơi giới báo chí kết nối và thắt chặt mối quan hệ. Nhưng những năm gần đây, bữa tối này trở thành sự kiện thảm đỏ, khách mời pha trộn giữa Washington và Hollywood. Giới báo chí chứng kiến các ngôi sao nổi tiếng nhất nước Mỹ xuất hiện ở bàn của họ với đủ sự hào nhoáng rất Hollywood.

Sự thay đổi văn hóa này khiến Patrick Gavin, nhà tổ chức bữa tiệc kiêm nhà báo chính trị kỳ cựu, gọi đó là “Oscar của Washington DC”. Từ năm 2013, E!, một kênh truyền hình giải trí, tường thuật trực tiếp sự kiện này, nhấn mạnh vào điểm thú vị hi hữu khi người ta thấy nghị sĩ John McCain và Kim Kardashian “siêu vòng ba” trong cùng một khung hình.

Và trong những bữa tiệc đó, Obama là tâm điểm với những câu đùa khiến mọi người hứng thú. Có thứ gì đó giống như trình diễn trên sân khấu. Nhà báo Gavin nhận định, khiếu hài hước của Tổng thống còn tốt hơn cả danh hài Jay Leno.

Dưới thời Obama, cánh cửa thông giữa Washington và Hollywood khá rộng mở. Jon Favreau, người soạn diễn văn giúp Obama trở thành tổng thống, đã lựa chọn sự nghiệp biên kịch điện ảnh sau khi rời công việc ở Nhà Trắng.

Trước đó, Favreau cũng được quan tâm như một ngôi sao, khi các phương tiện truyền thông ở Đồi Capital đưa tin sát sao về chuyện tình yêu của anh. Mặc dù vậy, không dễ để trở thành một biên kịch thành công ở Hollywood. Hiện Jon Favreau (trùng tên họ với một nhân vật điện ảnh khác là đạo diễn của Iron Man) vẫn chưa có trang riêng trên IMdb.

Nhưng đồng nghiệp của Favreau là Jon Lovett lại thành công hơn khi sản xuất và biên kịch cho 2 loạt phim truyền hình không thành công lắm, nhưng ít nhất vẫn được lên sóng.

Tình bạn đôi bên cùng có lợi

Trong lịch sử nước Mỹ, Obama cũng là vị Tổng thống lôi kéo được nhiều ngôi sao giải trí nhất. Nổi tiếng nhất, nam diễn viên Kal Penn đã bỏ sự nghiệp để đảm nhận vị trí phó giám đốc về đối thoại với công chúng. Penn cũng là ngôi sao giải trí duy nhất làm việc toàn thời gian cho cho Obama, nhưng Tổng thống còn một số nhân vật khác tình nguyện giúp sức.

Chẳng hạn, nữ diễn viên Eva Longoria đã đảm nhận vai trò đồng chủ tịch trong chiến dịch tranh cử lần hai của Obama năm 2012, còn Scarlett Johansson diễn thuyết tại đại hội của Đảng Dân chủ năm ngoái.

Hàng chục ngôi sao từ Katy Perry đến Mark Ruffalo đã góp công thuyết phục giởi trẻ Mỹ tham gia chương trình y tế toàn quốc Affordable Care Act hay còn gọi là “ObamaCare”.

Nhưng đặc biệt nhất là tình bạn giữa Obama và tài tử nổi tiếng George Clooney, một mối gắn kết hi hữu. Cả hai nhân vật đều có quyền lực ngôi sao và ý thức cao độ về nghĩa vụ công dân. Đây là mối quan hệ có lợi cho đôi bên.

Obama cấp cho Clooney những quyền lợi mà mọi công dân đều mơ ước: họ gặp gỡ trong các dịp riêng tư để trò chuyện và ăn tối với Thủ tướng Anh David Cameron.

Đáp lại, Clooney ủng hộ Obama khi một số ngôi sao Hollywood khác, trong đó có Matt Damon, công khai chỉ trích Tổng thống. Ngoài gây sự chú ý về những thành công của Obama, Clooney còn mang tiền về cho Tổng thống. Chiến dịch gây quỹ tháng 5/2012 của nam diễn viên đã lập kỷ lục thu về số tiền lớn nhất trong lịch sử chính trị, lên tới ít nhất 12 triệu USD.

Danh sách các ngôi sao ủng hộ Obama còn rất dài, trong đó nhiều người ủng hộ không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động và ví tiền, gồm: Steven Spielberg, Judd Apatow, Adrien Greiner, Harvey Weinstein, Tom Hanks, Seth Rogen…

Nhưng thật khó để dự báo khi “vị Tổng thống ngôi sao” Obama không còn tại vị, liệu Washington có còn gắn bó với Hollywood như hiện nay hay không. Chỉ thời gian mới trả lời được câu hỏi đó.

Theo MiLy
Thể thao & Văn hóa

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm